Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa đạt hiệu quả? - Kỳ 2: Nỗi niềm của trường nghề

Thứ Ba, 26/09/2023, 18:16 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Một trong những nguyên nhân chính khiến mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp không đạt mục tiêu đề ra là GDNN chưa tạo được sức hút.  Đó là cơ cở vật chất, trang thiết bị chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cùng với đó là những khó khăn về điều kiện “đi kèm” như ăn ở, đi lại cho HS ở các địa bàn xa.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan xưởng thực hành Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan xưởng thực hành Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.

Còn nhiều khó khăn

Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 trường tổ chức đào tạo nghề hệ trung cấp dành cho HS tốt nghiệp THCS.

Về quy mô tuyển sinh, tính đến cuối năm 2022, 8 cơ sở GDNN này có quy mô 2.880 HS/năm, đến năm học 2023 -2024, quy mô là 3.380 HS/năm trong tổng quy mô là 6.054 HSSV cả hệ trung cấp và CĐ. Con số này chưa tính điều tiết chỉ tiêu từ CĐ sang trung cấp, vì theo quy định của Tổng cục GDNN thì các trường được phép điều tiết chỉ tiêu trong tổng quy mô được cấp phép từ bậc CĐ sang trung cấp và ngược lại tùy theo thực tế tuyển sinh. Ngoài ra, theo quy định thì các trường được phép tuyển sinh vượt quy mô không quá 10%. Như vậy so sánh quy mô với số thực tế tuyển sinh năm 2022 là 1.975 em thì quy mô hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của người học.

Tuy nhiên, mới đây, khi thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Tình hình giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, các thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh không khỏi băn khoăn khi chứng kiến 1 lớp có hơn 30 em nhưng chỉ có 1 máy để thực hành các nghề cơ khí, kỹ thuật. Trong khi với GDNN, thời lượng để HS thực hành chiếm tới 70% thời lượng chương trình đào tạo.

“Cơ sở vật chất trường nghề liệu đã thực sự bảo đảm để “hấp thụ” hết số lượng không học phổ thông mà lựa chọn học nghề hay chưa? Máy móc, thiết bị của các trường đã thực sự bảo đảm cho công tác dạy nghề hay chưa?”, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh trăn trở.

Và từ số liệu thực tế cũng có thể nhận ra, việc tiếp nhận 40% HS tốt nghiệp THCS theo mục tiêu của Chính phủ là thách thức không hề nhỏ với GDNN. Đơn cử như năm 2023 này, với khoảng 18.500 HS tốt nghiệp THCS thì 40% số HS này đã lên tới khoảng 7.400 em, vượt xa quy mô các cơ sở GDNN hiện có thể tiếp nhận.

Dù chưa khai thác hết công suất nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trường nghề đã không còn theo kịp yêu cầu thực tế. Là một trong 45 trường nghề trọng điểm quốc gia, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, cơ sở GDNN hàng đầu của tỉnh cũng không ngoại lệ.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan xưởng thực hành Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc (TX. Phú Mỹ).
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tham quan xưởng thực hành Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc (TX. Phú Mỹ).

Bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu thẳng thắn chia sẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của trường được đầu tư nhiều năm về trước, đến nay đã cũ, xuống cấp, chưa được bổ sung kịp thời, số lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu học thực hành của HS-SV. Thiết bị đào tạo chưa được đầu tư đồng bộ cho 17 ngành, nghề trường đang đào tạo. Thiết bị đào tạo được đầu tư từ ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương cho một số nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 mới chỉ đủ số lượng cho đào tạo 1 lớp/nghề, chưa đủ cho đào tạo nhân rộng các chương trình chất lượng cao.

Hiện nay, lượng HSSV ngày càng tăng, nhưng hệ thống phòng học, xưởng thực hành hiện có của cơ sở tại huyện Đất Đỏ không đáp ứng đủ số lượng dẫn đến quá tải. Một số lớp phải tận dụng các phòng ở khu căng tin để học, nhiều lớp phải bố trí học ghép, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Theo quy định thì lớp học thực hành có sĩ số không quá 18 HSSV. “Nếu như trường nghề chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị… thì khó có thể gây dựng được lòng tin với phụ huynh, HS”, bà Như khẳng định.

Chương trình đào tạo, các điều kiện “đi kèm” cũng chưa đáp ứng

Theo bà Đinh Thị Trúc My, hiện nay, các trường có tuyển sinh hệ trung cấp dành cho HS tốt nghiệp THCS đào tạo 29 nghề khác nhau. Các ngành nghề này cơ bản đáp ứng nhu cầu và phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) thì cho rằng, dù số lượng ngành nghề tuyển sinh khá phong phú nhưng chỉ tiêu dành cho HS THCS lại rất ít. Đặc biệt là những ngành phụ huynh, HS quan tâm thì đã hết chỉ tiêu từ sớm.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều phụ huynh, HS có nguyện vọng vừa học nghề, vừa học văn hóa cấp THPT. Tuy nhiên, việc triển khai dạy văn hóa với HS nghề lại gặp không ít trở ngại.

Một tiết học của HS Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một tiết học của HS Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bà Đinh Thị Trúc My cho hay, đa phần HS lựa chọn học nghề có năng lực tiếp thu không cao. Việc học song song 2 chương trình khiến các em không theo kịp, dễ bỏ học giữa chừng. Trong khi đó, phụ huynh lại phải gánh thêm chi phí học văn hóa, ngoài chi phí sinh hoạt, đi lại khi con em tham gia học nghề.

Bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu cho biết thêm, trước đây, nhà trường không đào tạo văn hóa cho đối tượng này vì quy định khối ngành du lịch phải đào tạo 6 môn văn hóa mới đủ điều kiện liên thông CĐ là vô cùng áp lực cho các em. Cho đến cuối năm 2022, Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo 4 môn văn hóa. Nhà trường cũng đã thí điểm phối hợp với Trung tâm GDTX dạy THPT cho HS theo học hệ trung cấp. Tuy nhiên, phần lớn các em không “kham” nổi nên lượng HS theo học cứ rơi rớt dần, đến khi tốt nghiệp chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”.

Một trở ngại khác các cơ sở GDNN đang phải đối diện là nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, HS chưa đủ tuổi để tham gia thị trường lao động.

Bà Trương Huỳnh Như cho hay, Luật GDNN quy định, HS tốt nghiệp THCS học trung cấp có thời gian đào tạo từ 1 đến 2 năm. Trong quá trình đào tạo các nghề kỹ thuật, công nghệ nhà trường gặp khó khăn khi bố trí HS thực hành, thực tập tại DN và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Bởi các DN trong lĩnh vực này không sẵn sàng tiếp nhận người chưa đủ 18 tuổi, đặc biệt là DN nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiện nay, mạng lưới GDNN chưa bao phủ hết các địa bàn. Các địa phương như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc chưa có trường đào tạo nghề. HS có nhu cầu được ở ký túc xá (KTX), được hỗ trợ phương tiện đi lại nhưng chưa được đáp ứng.

Ông Trần Xuân Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) cho biết, từ xã Hòa Hiệp tới Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 50 km. Đa số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng con em mình phải đi học xa nhà khi mới khoảng 15 tuổi không có người quản lý sẽ dễ sa vào tệ nạn, trong khi phương tiện đi lại không thuận lợi, đặc biệt từ tuyến huyện. Nếu như các em HS được bố trí ở KTX, được hỗ trợ phương tiện giao thông công cộng, phụ huynh sẽ yên tâm phần nào khi cho con em mình theo học GDNN.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở GDNN đầu tư hệ thống KTX với sức chứa tối đa 2.600 HS, SV nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại Trường CĐ Du lịch Vũng Tàu chỉ có vỏn vẹn 56 suất KTX và hiện đang gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng KTX. Do trường đặt trên địa bàn tỉnh nhưng lại trực thuộc Bộ VHTTDL. Hay như Trường Trung cấp nghề Phước Lộc, hiện có hơn 200 chỗ ở KTX nhưng khoảng 150 HS của trường hiện đang thuê trọ tại nhà thầy cô giáo và dân chung quanh trường.

Thực tế, nhu cầu HSSV các huyện về ở nội trú ở cơ sở tại huyện Đất Đỏ của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu là rất lớn, khoảng 600 HSSV mỗi năm. Trong khi đó KTX tại cơ sở này chỉ có 31 phòng được xây dựng từ năm 2003, thiết kế 2 tầng, nền móng không đủ điều kiện xây tăng thêm tầng nên chỉ bố trí được gần 256 chỗ, mỗi phòng 8 HSSV rất chật chội. Năm học này, nhà trường chỉ bố trí 6 em/phòng. Số HSSV còn lại do không còn phòng ở nội trú nên phải thuê nhà trọ ở ngoài để ở. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý HSSV của nhà trường.

(Còn nữa)

KHÁNH CHI

;
.