Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa đạt hiệu quả? - Kỳ 1: Đích đến còn xa

Thứ Hai, 25/09/2023, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm cân đối nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Sau 5 năm triển khai, quyết định đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là phân luồng học nghề sau THCS chưa đạt hiệu quả.

Chương trình tuyển sinh, hướng nghiệp HS sau THCS tổ chức tại huyện Long Điền tháng 4/2023.
Chương trình tuyển sinh, hướng nghiệp HS sau THCS tổ chức tại huyện Long Điền tháng 4/2023.

Việc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đúng với định hướng của Chính phủ. Song, với tiến độ như 5 năm qua thì chặng đường vươn tới mục tiêu ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Chính phủ còn rất xa.

Năm 2023, chương trình tuyển sinh hướng nghiệp cho HS sau THCS đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: HS huyện Long Điền chia sẻ băn khoăn về nghề nghiệp với chuyên gia tâm lý Tô Nhi A.
Năm 2023, chương trình tuyển sinh hướng nghiệp cho HS sau THCS đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: HS huyện Long Điền chia sẻ băn khoăn về nghề nghiệp với chuyên gia tâm lý Tô Nhi A.

Những động thái tích cực

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, lộ trình giảm tỷ lệ phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào THPT công lập trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 giảm dần đến năm học 2025-2026 còn 60%. Những HS không vào lớp 10 công lập sẽ được định hướng để tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; các trường THPT ngoài công lập và Trung tâm GDTX.

Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyên truyền và phổ biến rộng rãi về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các trường trung cấp, CĐ nghề, các trường ĐH, các cơ sở sản xuất kinh doanh... trong công tác giáo dục hướng nghiệp có chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cho HS định hướng nghề nghiệp từ đầu cấp học.

Cùng với đó, các nhà trường đã thực hiện tốt việc dạy học lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong các bộ môn văn hóa và hoạt động giáo dục, chú trọng phối hợp tổ chức nhiều chương trình tham quan, hướng nghiệp…

HS TP.Vũng Tàu tham gia chương trình tuyển sinh, hướng nghiệp sau THCS.
HS TP.Vũng Tàu tham gia chương trình tuyển sinh, hướng nghiệp sau THCS.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, thời gian qua, nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT trong các cấp lãnh đạo, trong các nhà trường, GV, HS và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực. Cấp ủy chính quyền các cấp đã có sự quan tâm, phối hợp, tích cực trong việc vận động, tạo mọi điều kiện, định hướng cho HS sau tốt nghiệp THCS, THPT.

Nhờ đó, sau 5 năm triển khai đề án phân luồng, hướng nghiệp, tỷ lệ HS vào cơ sở GDNN từ 2019 đến nay có xu hướng tăng, đạt từ 9,66-12,83%, riêng năm 2023 là 12,83%. Bà Trần Thị Ngọc Châu khẳng định: “Kết quả trên cho thấy, việc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện đúng với định hướng của Chính phủ”.

Còn nhiều rào cản

HS TP. Vũng Tàu tham gia chương trình Tuyển sinh, hướng nghiệp HS sau THCS.
HS tìm hiểu thông tin về tuyển sinh trong một chương trình hướng nghiệp sau THCS.

Dù vậy, bà Trần Thị Ngọc Châu nhận định, mục tiêu 40% HS tốt nghiệp THCS vào GDNN theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 là rất khó đạt được. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS vào GDNN rất thấp. Đơn cử, tại huyện Xuyên Mộc, từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS theo học tại các cơ sở GDNN chỉ đạt từ 6,2-8,7%. Còn tại TP. Bà Rịa, tỷ lệ này cũng ở mức bình quân dưới 10%. Hay TX.Phú Mỹ, UBND thị xã đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt ít nhất 20%, đến năm 2025 đạt ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, đích đến còn xa vời khi kết quả thực hiện từ năm học 2019-2020 đến nay chỉ đạt từ 7,9 đến 10,4%. Riêng năm 2023 chỉ đạt 7,9%.

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND để triển khai. Hiện nay, việc phân luồng đang thực hiện đối với HS sau khi tốt nghiệp THCS và HS sau khi tốt nghiệp THPT. Riêng với đối tượng HS sau tốt nghiệp THCS, mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh là phấn đấu ít nhất 40% HS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Từ năm 2019 đến nay, tổng kinh phí bố trí thực hiện Kế hoạch 135 đối với cấp tỉnh là hơn 9,2 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 3,6 tỷ đồng; đối với cấp huyện, phân bổ kinh phí khoảng 470 triệu đồng, đã giải ngân hơn 105 triệu đồng.

Nguyên nhân được nhìn nhận là do lĩnh vực GDNN chưa tạo được sức hút, cơ cở vật chất, trang thiết bị chương trình đào tạo và “đầu ra” của trường nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh HS. Cùng với đó là những khó khăn về điều kiện ăn ở, đi lại cho HS ở các địa bàn xa trung tâm.

Một nguyên nhân khác không thể không nói tới là những bất cập trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho HS như: GV làm công tác hướng nghiệp chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp; chưa có tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông và tiêu chuẩn lựa chọn đối với người làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong trường phổ thông; thông tin hướng nghiệp chưa đầy đủ, kịp thời…

(Còn nữa)

KHÁNH CHI

;
.