Vì sao lao động thất nghiệp ít tiếp cận nghề mới?

Thứ Sáu, 15/09/2023, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Khi thất nghiệp, người lao động được hỗ trợ học nghề để tìm kiếm công việc mới nhưng hầu hết không mặn mà học nghề, vì sao?

 

NLĐ thất nghiệp học nghề tin học tại Công ty TNHH Long Vinh (TP.Vũng Tàu).
NLĐ thất nghiệp học nghề tin học tại Công ty TNHH Long Vinh (TP.Vũng Tàu).

Chính sách rất có lợi

Sau 3 năm làm nhân viên văn phòng, vì nhiều lý do tháng 5/2023, chị Lê Đào Minh Phương (27 tuổi, TP.Vũng Tàu) xin nghỉ việc. Chị Phương đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Đến làm thủ tục, chị Phương được tư vấn hỗ trợ học miễn phí các nghề như: cắt may, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, làm nail… Vốn đam mê công nghệ, chị Phương quyết định theo học nghề tin học văn phòng tại Công ty TNHH Long Vinh.

Chị Phương cho biết: “Cùng với việc đài thọ mọi chi phí học nghề, tôi còn được hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng tiền xăng. Với sự hỗ trợ này, tôi rất mừng và yên tâm học. Lựa chọn đi học để bắt đầu một nghề mới, công việc mới giúp ổn định cuộc sống và nhất là được làm công việc mà mình yêu thích. Sau khi hoàn thành khóa học có chứng chỉ, tôi được trung tâm kết nối việc làm nên càng yên tâm”.

Tương tự, chị Vũ Thị Quỳnh Anh (38 tuổi, TP.Vũng Tàu), vừa nghỉ việc tại một khách sạn sau nhiều năm công tác. Chị Quỳnh Anh cho biết, ban đầu chị đến trung tâm để được hướng dẫn thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Sau khi được tư vấn học nghề, chị cũng đã đăng ký. Tuy có con nhỏ, nhưng chị vẫn sắp xếp để đều đặn đi học mỗi ngày với mong muốn có thêm kỹ năng về vi tính, thiết kế đồ hoạ… nhằm tìm kiếm công việc tốt hơn.

Chị Quỳnh Anh chia sẻ: “Theo tôi, đây là chính sách thiết thực, giúp cho lao động không may thất nghiệp, chưa có nghề được đào tạo nghề bài bản. Với kiến thức nghề được học, khi tìm kiếm công việc mới sẽ thuận lợi và mức thu nhập cũng tốt hơn”.

Nhưng ít người mặn mà

Sáng 13/9, ghi nhận tại TTDVVL tỉnh, trong số hàng chục lao động được hỏi đều từ chối học nghề với nhiều lý do. Chị Nguyễn Thị Kim Bông (22 tuổi, TP.Vũng Tàu) cho biết, chị từng làm công nhân may. Tháng 7/2023, chị Bông đến TTDVVL tỉnh để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Song chị không có ý định học nghề dù chưa từng trải qua lớp đào tạo nào.

Chị Bông bộc bạch: “Biết học nghề rất tốt vì mình được đào tạo bài bản, được hỗ trợ tìm việc làm và miễn phí hoàn toàn nhưng vì vướng bận gia đình nên tôi không học được. Học nghề cần chuyên tâm, chưa kể cần đầu tư thời gian nên tôi rất ngại”.

Lý giải nguyên nhân lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thờ ơ với chính sách hỗ trợ học nghề, ông Mai Văn Thu, Giám đốc TTDVVL tỉnh cho rằng, đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông trong các lĩnh vực như may mặc, giày da… nên khó khăn cho công tác tư vấn việc làm phù hợp với trình độ của lao động. Mặt khác, tâm lý của NLĐ rất ngại chuyển nghề. Do vậy, tâm lý chung của lao động thất nghiệp là dành thời gian kiếm sống bằng các công việc không chính thức khác như buôn bán nhỏ, kinh doanh… để duy trì cuộc sống.

Hơn nữa, theo quy định, NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ được tham gia học các lớp, khóa học với thời gian không quá 6 tháng. Do vậy, NLĐ chỉ được tiếp cận học các lớp như sơ cấp hoặc thường xuyên như: hàn, điện, cơ khí, vi tính… và chưa có lớp nâng cao. Điều này chưa đáp ứng được mong muốn về nâng cao trình độ học nghề của NLĐ và nhu cầu tuyển dụng của DN. Ngoài ra, các nghề đào tạo chưa phong phú nên khó thu hút người học. Thống kê của trung tâm cho thấy, hầu hết NLĐ tham gia học nghề lái xe B1, B2 nhằm hỗ trợ thêm công việc chứ không phải thay đổi ngành nghề.

Theo thống kê của TTDVVL tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, có 12.227 NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số này chỉ có 525 người đăng ký học nghề, trong đó có 282 người được học nghề và được nhận hỗ trợ học nghề.

Ông Mai Văn Thu cũng cho rằng mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN là 1,5 triệu đồng/người/tháng còn thấp; thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng nên NLĐ đang “quay lưng” với học nghề.

“Để tạo điều kiện cho NLĐ hiểu đúng và đủ về chế độ chính sách BHTN, thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới trong quy định về dạy nghề cho người thất nghiệp đến tận DN và NLĐ... Trung tâm tiếp tục liên kết với các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đào tạo với khoảng 43 ngành nghề, trong đó 29/43 nghề hoàn toàn miễn phí cho NLĐ...”, ông Mai Văn Thu nêu giải pháp.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.