“Đến hẹn lại lên”, cứ bước vào năm học mới, khắp nơi lại rộ lên câu chuyện “lạm thu”, “tận thu” trong các cơ sở giáo dục. Trước vấn nạn lạm thu, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về những giải pháp “ứng phó” với “căn bệnh mãn tính” này.
*Phóng viên: Thưa bà, lâu nay, tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục đã trở thành câu chuyện nhức nhối, nhất là vào dịp đầu mỗi năm học. Năm học 2023-2024 này, ngành có giải pháp gì để có thể chấm dứt tình trạng này?
- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Trước khi bước vào năm học mới 2023-2024, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan tới lĩnh vực GD-ĐT như nghị quyết quy định mức thu học phí, nghị quyết hỗ trợ học phí cho các cấp học. Trước đó là sự ra đời của Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi đối với hoạt động dịch vụ, phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là những chính sách có ý nghĩa xã hội to lớn, vừa giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh, vừa góp phần giải quyết tình trạng lạm thu trong cơ sở giáo dục.
Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn công tác tài chính năm học 2023-2024 cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã hướng dẫn cụ thể từ việc thu học phí, chế độ miễn, giảm và hỗ trợ chi phí học tập năm học 2023-2024; mức đóng bảo hiểm y tế với HS-SV; mức giá dịch vụ trông giữ xe trong các trường phổ thông, cơ sở giáo dục, đào tạo; phương án thu, chi dạy thêm, học thêm; đặc biệt là các khoản thu, mức thu đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục. Ngay cả các khoản thu khác như phù hiệu HS, dịch vụ tin nhắn qua phần mềm điện tử Vnedu; vấn đề quản lý, sử dụng và mua sắm, sửa chữa tài sản tại các cơ sở giáo dục… cũng được hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Điều này nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hiện nhiệm vụ thu, chi đúng quy định và chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục công lập.
Năm học này, ngành giáo dục đã có hướng dẫn rõ ràng về các khoản thu trong trường học. Trong ảnh: HS Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP.Vũng Tàu) trong lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 (ảnh minh họa). |
*Bên cạnh việc hướng dẫn chi tiết các khoản thu, mức thu thì việc yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai tài chính, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng là giải pháp để hạn chế lạm thu phải không thưa bà?
- Đúng vậy. Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục mở sổ sách theo dõi, hạch toán tất cả các khoản thu-chi phát sinh và quản lý hồ sơ tại kế toán theo đúng quy định hiện hành. Hiệu trưởng các trường học chịu trách nhiệm về việc thu, quản lý và sử dụng các nguồn thu.
Tất cả các khoản thu các đơn vị phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh HS. Trong đó, phải nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản theo thỏa thuận và khoản thu hộ-chi hộ. Sở cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện giãn thời gian thu, không tổ chức thu nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục.
Ngoài ra, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TTBGDĐT của Bộ GD-ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Sở GD-ĐT sẽ tổ chức họp giao ban với trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở để quán triệt việc thực hiện thu-chi trong các cơ sở giáo dục. Sở GD-ĐT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai nội dung này đến tất cả các trường học trực thuộc trên địa bàn quản lý. Để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu, cùng với ngành giáo dục, UBND các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra tình hình thu đầu năm học tại các cơ sở giáo dục, quản lý và kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định. Đồng thời, tiếp nhận thông tin, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh của công dân, kiến nghị, xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái quy định. |
*Hiện nay, có tình trạng tại không ít cơ sở giáo dục, Ban đại diện cha mẹ HS đã thu quỹ để chi cho các khoản như mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, sửa chữa, nâng cấp các công trình của nhà trường… Quy định về vấn đề này cụ thể ra sao, thưa bà?
- Nội dung quỹ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS không có trong Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND, do đó, nhà trường không tổ chức thu, chi quỹ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS.
Hoạt động Ban đại diện cha mẹ HS phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Ngành giáo dục nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ HS để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55.
Cụ thể, Ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, GV và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Hàng năm, căn cứ nguồn kinh phí hiện có (nguồn được giao, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, các nguồn kinh phí hợp pháp khác), các cơ sở giáo dục phải thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, mua sắm tài sản để phục vụ hoạt động chuyên môn của đơn vị mình. Không để phụ huynh đưa tài sản vào lắp đặt tại các phòng học nhà trường không thông qua quy định vận động tài trợ, viện trợ.
*Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
KHÁNH CHI
(Thực hiện)