Khi bệnh viện kích hoạt báo động đỏ

Chủ Nhật, 24/09/2023, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Báo động đỏ là mô hình triển khai tại Bệnh viện Bà Rịa, được hiểu là quy trình huy động nhanh và tối đa nguồn lực để cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân nguy kịch.

Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) thường xuyên kích hoạt báo động đỏ để phẫu thuật cấp cứu cho các trường bị chấn thương nặng. Trong ảnh: Bệnh nhân N.V.H., tạm trú ở huyện Xuyên Mộc được các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa nối thành công bàn chân gần đứt lìa.
Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) thường xuyên kích hoạt báo động đỏ để phẫu thuật cấp cứu cho các trường bị chấn thương nặng. Trong ảnh: Bệnh nhân N.V.H., tạm trú ở huyện Xuyên Mộc được các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa nối thành công bàn chân gần đứt lìa.

Nhiều người được cứu sống trong gang tấc 

Đầu tháng 8/2023, Khoa Phụ sản (Bệnh viện Bà Rịa) tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Hoài Linh, 38 tuổi, (ngụ ở huyện Xuyên Mộc) đến sinh con, khi thai nhi được 39 tuần. Những giờ đầu nhập viện, 2 mẹ con sản phụ có sức khỏe bình thường và tiếp tục được nhân viên y tế theo dõi thường xuyên.

Nhưng vài giờ sau, sản phụ Nguyễn Thị Hoài Linh bắt đầu có dấu hiệu khó thở. Tình trạng sức khỏe của chị Linh chuyển biến xấu rất nhanh. Người bệnh rơi vào tình trạng co giật toàn thân, hôn mê. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm Hà, Phó Khoa Phụ sản nhanh chóng xác định, sản phụ Linh bị thuyên tắc ối. Ngay lập tức, bác sĩ Hà thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện để huy động đội ngũ y, bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Khoa Nhi, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, ban giám đốc bệnh viện… tham gia vào ca mổ. Nhận được tín hiệu báo động đỏ, bác sĩ trực của các khoa nói trên đã nhanh chóng đến Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức cùng tham gia đánh giá tình hình sức khỏe, phẫu thuật, hồi sức cho sản phụ.

Nhờ được phát hiện, chuẩn đoán bệnh sớm và huy động được đội ngũ y, bác sĩ các khoa đến hỗ trợ nên hai mẹ con sản phụ Linh. được cứu sống ngoạn mục. Bởi thuyên tắc ối là biến chứng sản khoa đặc biệt nguy hiểm và hiếm gặp, tỷ lệ tử vong từ 80-90%, hầu như không có khả năng cứu sống người con.

Bác sĩ Lâm Hà cho biết, từ khi phát hiện bệnh nhân rơi vào nguy kịch đến khi mổ lấy em bé, ê kíp thực hiện trong vòng 7 phút. Thành công của ca mổ này có sự đóng góp quan trọng của quy trình báo động đỏ. “Chúng tôi đã nhanh chóng huy động được khoảng 20 y, bác sĩ có trình độ, chuyên môn cao từ các khoa. Cả ê kíp đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt chuyên môn nên đã cứu sống cả mẹ lẫn con”, bác sĩ Lâm Hà nói.

Ngoài ca bệnh này, thời gian qua, Bệnh viện Bà Rịa còn thực hiện báo động đỏ trong các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, chấn thương nặng do tai nạn giao thông… Đơn cử, cách đây mấy tháng, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam, ngụ ở TX.Phú Mỹ bị đa chấn thương, trong tình trạng nguy kịch. Người này khi đang sửa xe bên lề đường, thì bị một chiếc ô tô chạy từ phía sau tông vào, khiến ông bị gãy nát xương chậu bên phải, gãy trật khớp háng bên trái, đứt niệu đạo, dập tràn máu màng phổi bên phải, gãy 4 xương sườn bên phải, tràn dịch màng ngoài tim. Bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ để huy động nhân lực từ các khoa như: Chấn thương chỉnh hình, hồi sức tích cực và chống độc, phẫu thuật gây mê hồi sức… tham gia phẫu thuật cho người bệnh. Người bệnh đã được cứu sống.

Sự phối hợp tích cực của các khoa, phòng theo quy trình báo động đỏ đã cứu sống 2 mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Hoài Linh.
Sự phối hợp tích cực của các khoa, phòng theo quy trình báo động đỏ đã cứu sống 2 mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Hoài Linh.

Phản ứng nhanh, phối hợp xử lý kịp thời

Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, khoa thường xuyên tập huấn, cung cấp kiến thức về hồi sức cấp cứu cũng như các kỹ năng tham gia quy trình báo động đỏ cho các bác sĩ. Khoa cử gần 10 bác sĩ có trình độ chuyên môn và giàu kinh nghiệm tham gia vào đội hình báo động đỏ của bệnh viện. Vì thế, khi bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, bác sĩ trực chính phải khẩn trương đến tham gia hội chẩn, điều trị cho bệnh nhân. Khi gặp ca bệnh đặc biệt, lãnh đạo khoa không có ca trực cũng phải vào bệnh viện, phối hợp với đồng nghiệp cấp cứu cho bệnh nhân. “Việc thực hiện báo động đỏ đã phát huy trí tuệ của tập thể, nâng cao năng lực chữa trị cho người bệnh”, bác sĩ Đạt cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, báo động đỏ là quy trình, gồm các hoạt động phản ứng nhanh, phối hợp giữa các khoa, phòng có liên quan để kịp thời xử lý những trường hợp bệnh lý nặng, phức tạp, có nguy cơ tử vong cao. Quy trình báo động đỏ được bệnh viện thực hiện từ năm 2008 và đang từng bước hoàn thiện. Quy trình này có sự tham gia các khoa như: Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chấn thương chỉnh hình, ngoại tổng hợp...Sau khi kích hoạt báo động đỏ, nhân lực của các khoa, phòng có liên quan phải có mặt nhanh nhất, tối đa trong vòng 5 phút để hỗ trợ cấp cứu người bệnh. Hiện tại các phòng đều xây dựng các kịch bản thực hiện quy trình báo động đỏ đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Hằng năm, bệnh viện còn tổ chức diễn tập, rút kinh nghiệm về quy trình báo động đỏ nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này.

“Thực hiện quy trình báo động đỏ đã góp phần tăng tỷ lệ cứu sống cho bệnh nhân lên khoảng 40%”, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh thông tin.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.