Con cá ngựa chết vì lời đồn thổi

Thứ Sáu, 22/09/2023, 16:26 [GMT+7]
In bài này
.

Cá ngựa là tên gọi thuần Việt, còn tên “thương mại” là hải mã, một loài thủy sản hiền lành sống ẩn núp theo các rặng san hô, rong tảo dưới đáy biển. Trước đây, ngư dân xem cá ngựa như các loại cá biển bình thường khác, đánh bắt được mang ra chợ bán với giá rẻ như bèo, vì nhiều quá chẳng biết làm gì, thậm chí chiên ăn hoài cũng ngán nên phơi khô… làm phân bón dưa hấu.

Cá ngựa (hải mã).
Cá ngựa (Hải mã).

Đánh bắt tận diệt

Đùng một cái, có tin đồn thổi cá ngựa là “sung dược”, phơi khô sao vàng ngâm rượu uống bổ gân cốt, cải thiện bản lãnh đàn ông. Cá ngựa tươi mới bắt từ biển lên con nào có trứng thảy luôn vô bình rượu càng cực kỳ tốt, uống vài ly… ông nào yếu bóng vía “sửng cồ” lên ngay, quậy bà xã tới bến. Thế là loài thủy sản hiền lành chẳng ai quan tâm bỗng bị ngư dân lùng bắt đêm ngày, truy đuổi ráo riết đến không kịp sinh sôi nảy nở nên bây giờ trở thành của quý hiếm, giá ngót ngét 10 triệu đồng 1kg tùy theo thời điểm.

Cũng chẳng ai nhớ chính xác vào thời điểm nào, nhưng tại các chợ lớn nhỏ ở Dương Đông, An Thới, Hàm Ninh (Phú Quốc) từ năm 2002 con cá ngựa đã lên hàng đặc sản. Du khách dạo chợ tham quan các hàng cá khô sẽ thấy cá ngựa phơi khô được bày bán ở vị trí trung tâm của quầy, sạp và được nâng cấp lên hàng đặc sản quý hiếm.

Từ chỗ bán chung với tôm, tép, bày la liệt dưới đất, giá rẻ bèo, giờ cá ngựa “lên đời” ngự ở quầy, sạp với giá cao ngất ngưởng. Cá ngựa khô được chia làm 3 loại hay 3 đẳng cấp khác nhau. Cá ngựa khô loại 1 giá 8-10 triệu đồng/ký, loại 2 giá 7-8 triệu đồng/ký, loại 3 giá 3-5 triệu đồng/ký. Nhưng hầu như ít có du khách nào dám chơi một lúc 1kg khô cá ngựa mà chỉ dám mua khoảng 100g về ngâm rượu hay để biếu cho người khác cũng để ngâm rượu.

Chính vì lời đồn thổi cá ngựa ngâm rượu uống chữa được nhiều thứ bệnh về xương cốt, đau lưng nhức mỏi, thấp khớp thậm chí trị được cả gai cột sống và đặc biệt quan trọng là nó trị được cả chứng “trên bảo dưới không nghe” của quý ông. Nghĩa là con cá ngựa là “sung dược”, có thể biến quý ông từ chỗ “không” thành “có” với bản lãnh… lệnh đất, nghiêng trời.

Thế là từ chỗ ngư dân đi biển thả lưới cào chú tâm bắt những loài cá khác chứ không phải cá ngựa, nay cá ngựa biệt tăm không có con nào mắc lưới.

Nhu cầu dùng cá ngựa ngày càng cao, cung không đủ cầu khiến ngư dân phải lặn xuống biển, dùng vợt rà theo các rặng san hô, rong tảo nơi trú ẩn an toàn của loài cá ngựa hiền lành, để săn lùng họ hàng nhà cá ngựa ráo riết và truy bắt theo kiểu tận diệt.

Đúng lẽ ra phải thả cá ngựa đực ôm trứng trở lại biển cho chúng sinh sôi, duy trì nòi giống thì ngư dân bắt sạch, chẳng chừa một mống. Cũng thật kỳ lạ, cá ngựa cái lại đẻ trứng vào cái túi trước bụng cá ngựa đực để ông chồng phải ngày đêm ôm “cục nợ đời” này cho đến khi tất cả trứng nở thành cá ngựa con.

Cá ngựa (tên khoa học Hippocampus) hay hải mã, thuộc họ cá chìa vôi, là tên gọi chung của một chi động vật sống ở các vùng biển nhiệt đới. Cá ngựa có chiều dài trung bình là 16cm, có loài dài đến 35cm. Cá ngựa được dùng trong những vị thuốc truyền thống của một số nước châu Á. Hiện nay, số lượng cá ngựa đã bị giảm sút đến mức nghiêm trọng do đánh bắt gia tăng.

Đến công nghệ bơm chì

Do cá ngựa bị một bản tử hình với hai từ “sung dược” nên ngày càng bị cạn kiệt. Thật buồn cho số phận hẩm hiu hiền lành của hải mã, nên mặt hàng này ngày càng trở nên quý hiếm và cao giá, tạo sự chênh lệch giữa cung và cầu. Chính vì thế nên người bán cá ngựa đã nghĩ ra công nghệ… bơm tạp chất vào thân hình khiêm tốn của chúng để nâng trọng lượng lên bán cho du khách thu thêm nhiều lợi nhuận.

Thông thường 3 ký cá ngựa tươi cho ra 1 ký cá ngựa khô, mà 1 ký cá ngựa khô bình quân 90-100 con. Để nâng trọng lượng cá ngựa khô chỉ khoảng 60-70 con mà cân đạt trọng lượng 1 ký người bán đã bơm… hột gà hoặc rau câu vào cơ thể con cá ngựa, thậm chí… bấm chì vào cá ngựa cho nặng cân mà khỏi phải bơm, chích chi cho lôi thôi. Trò này chỉ có người bán mới biết, còn người mua thì sao có thể ngờ tới.

Và cũng chính “người trong cuộc” là một lão ngư dân tại chợ Phú Quốc có cảm tình với người viết bài này đã chỉ cho cách kiểm tra cá ngựa có bơm tạp chất hay không. Khi mua cá ngựa nên quan sát phần đuôi trước chứ không phải phần bụng, vì con cá ngựa nào bụng cũng bự óc nóc không thể phân biệt có bơm hay không bơm tạp chất. Chỉ quan sát cái đuôi thôi, đuôi cá ngựa “xịn” luôn luôn cong xoắn tự nhiên, còn đuôi cá ngựa “đểu” tức đã có bơm tạp chất rồi thì… thẳng ro, không cong xoắn lại được.

Khác với các loài sinh vật khác dưới biển, cá ngựa có đặc điểm sinh sản rất khác biệt. Những con đực sẽ là những con mang thai và trực tiếp  đẻ ra những con cá ngựa con.
Khác với các loài sinh vật khác dưới biển, cá ngựa có đặc điểm sinh sản rất khác biệt. Những con đực sẽ là những con mang thai và trực tiếp đẻ ra những con cá ngựa con.

Khi đã quan sát phần đuôi xong, muốn chắc ăn thì hãy dùng mấy ngón tay bóp bụng con cá ngựa, nếu có tạp chất sẽ phọt ra. Nhưng cách này cũng chỉ có thể áp dụng với cá ngựa còn sống, chứ cá ngựa đã phơi khô thì chịu chết vì khi phơi khô cá ngựa cứng như que củi thì có bóp bụng cũng chẳng ăn thua. Còn với cá ngựa khô đã bấm chì thì chỉ khi nào ngâm vào bình rượu, uống đến khi cá ngựa khô… tan ra thấy cục chì còn lại thì “khổ tửu” mới biết là bị gạt.

Thế đấy, chỉ vì lời đồn thổi con cá ngựa là “sung dược” nên họ hàng nhà cá ngựa hiện đang trên đà diệt vong. Còn người bán cá ngựa trước đây thật thà như đếm đã trở thành một thương nhân lắm trò ma giáo. Chỉ có người uống rượu ngâm cá ngựa chưa biết “sung” cỡ nào, nhưng chắc chắn không ít quý ông đã trở thành nạn nhân, mua phải cá ngựa “đểu”, tiền mất… cục tức lên đến tận cổ thì uống rượu hải mã sao vô?

VÕ THU SƠN

 
;
.