Ngày nay, các đối tượng lừa bán thực phẩm chức năng không chỉ hoạt động trên mạng xã hội mà còn vươn “vòi bạch tuộc” tới tận các thôn làng ở các vùng quê. Họ tổ chức hoạt động lôi kéo các cụ già bằng nhiều hình thức, khiến nhiều cụ đã sập bẫy, người mất ít thì vài triệu, người nhiều thì lên tới hàng chục triệu đồng.
Lọ thực phẩm chức năng này có giá nhập là 210 ngàn đồng, nhưng được bán cho người cao tuổi với mức giá 2,4 triệu đồng. |
Chẳng hạn, trường hợp bà Nguyễn Thị Th., 78 tuổi, ở xã Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên. Hàng ngày bà hay vào Youtube xem tin tức và các chương trình giải trí. Từ đó bà biết đến các “bài thuốc” chữa bệnh xương khớp được quảng cáo ở các clip trên youtube. Những màn quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh để lừa dối người tiêu dùng khiến bà Th. đã tin theo và bỏ tiền ra mua về sử dụng.
Chia sẻ với phóng viên, bà Th. cho biết: “Tôi thấy họ giới thiệu hay quá, họ nói đúng với bệnh của mình luôn. Thế nên tôi đã rất tin tưởng, có mấy triệu con cháu biếu, tôi đem mua hết. Đến khi dùng thì chả có tác dụng gì, đứa cháu mới xem và nói đây không phải là thuốc, chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lọ thực phẩm xương khớp có giá nhập chỉ từ 210 ngàn đồng nhưng họ bán cho các cụ với mức giá 2,4 triệu đồng, gấp hơn chục lần so với giá nhập.
Để thu hút được nhiều cụ già tham gia, họ tung ra chiêu trò tư vấn khám sức khỏe và tặng quà, ai đến tham gia cũng được tặng quà, như gói mì, chai nước mắm, lọ dầu ăn…, từ đó khiến các cụ càng ham. Sau khi tặng quà và tư vấn, đến màn quảng cáo tung hô các sản phẩm thực phẩm chức năng như thần dược, có thể chữa trị dứt điểm các loại bệnh tật mà người cao tuổi thường gặp. Từ đây, nhiều cụ già đã bị móc nhẵn túi, những đồng tiền an dưỡng tuổi già, chăm sóc bệnh tật mà con cháu biếu xén, chu cấp, lần lượt rơi cả vào túi của những kẻ lừa bán thực phẩm chức năng. Sau một thời gian móc sạch hầu bao các cụ, các đối tượng này lại di chuyển đến địa phương khác, tiếp tục lừa dối người cao tuổi để bán thực phẩm chức năng.
Trước tình trạng bán thực phẩm chức năng kiểu “giăng bẫy” người cao tuổi, nhiều địa phương đã phải ra chỉ đạo nghiêm cấm hoạt động tổ chức hội thảo, hội nghị tư vấn sức khỏe và bán thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, các đối tượng lại móc nối bán hàng qua người thân quen, thông qua các trang mạng xã hội.
Theo các bác sĩ, thực phẩm chức năng bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng với nội dung lừa dối có thể khiến người bệnh mất cơ hội điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ, mất cơ hội được điều trị bằng phác đồ chính thống của các bác sĩ chuyên khoa.
Do vậy, người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng, cần tỉnh táo, không nên tin theo những quảng cáo sai sự thật, rồi bỏ tiền ra mua những sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
(Theo Báo Phụ nữ)