Phương pháp điều trị trĩ hiệu quả

Thứ Sáu, 11/08/2023, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

Một nghiên cứu của Bệnh viện Bình Dân cho thấy 45% người trên 50 tuổi bị bệnh trĩ. Việc điều trị trĩ sao cho hiệu quả, ít đau luôn là mối quan tâm của nhiều người.

PGS. TS. BS Dương Văn Hải tư vấn cho người bệnh.
PGS. TS. BS Dương Văn Hải tư vấn cho người bệnh.

Nhằm giải đáp các thắc mắc của bạn đọc xoay quanh chủ đề điều trị bệnh trĩ, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu có cuộc trao đổi với PGS. TS. BS Dương Văn Hải, Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, trưởng Đơn vị Hậu môn - Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân.

 Thưa Phó giáo sư, bệnh trĩ có mấy mức độ và có phải trường hợp nào cũng cần điều trị không?

- PGS. TS. BS Dương Văn Hải: Thực ra mô trĩ là một mô bình thường, nằm ở ống hậu môn, có vai trò là ngăn không cho thoát khí và dịch ra khỏi hậu môn. Bệnh trĩ tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ. Bệnh xuất hiện không rõ ràng, không xác định được thời gian bắt đầu vì là một trạng thái sinh lý bình thường. Chỉ khi xuất hiện các rối loạn không tự điều chỉnh được ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và lao động thì người bệnh mới đi khám.

Bệnh trĩ có 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là trĩ nằm trong ống hậu môn, không quan sát được. Trĩ ngoại là trĩ nằm ở ngoài hậu môn, bệnh nhân có thể quan sát thấy được. Một người có thể bị cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại.

Trị nội được phân làm 4 độ.

- Độ 1, trĩ còn nằm trong ống hậu môn, người bệnh không quan sát được.

- Độ 2, khi bệnh nhân rặn thì trĩ sa ra, sau đó tự thu lại vào ống hậu môn.

- Độ 3, búi trĩ khi sa ra thì không thu vào được, phải dùng tay đẩy vào hậu môn.

- Độ 4: Búi trĩ sa hẳn ra ngoài.

Nếu trĩ không gây triệu chứng thì chưa cần điều trị. Một khi trĩ đã có triệu chứng thì chúng ta nên điều trị.

 Đi tiêu ra máu có phải là triệu chứng điển hình của bệnh trĩ? Ngoài ra còn có các triệu chứng nào mà khi gặp phải, chúng ta phải nghĩ ngay đến bệnh trĩ?

- Đi tiêu ra máu là triệu chứng thường gặp ở người bị trĩ. Đây cũng là triệu chứng làm cho bệnh nhân sợ nhất và là biểu hiện khiến nhiều người đi khám bệnh. Máu đỏ thường đi theo sau phân khi người bệnh đi tiêu, không gây đau. Người bệnh thường thấy máu dính trên thành bồn vệ sinh hoặc trên giấy vệ sinh. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người bệnh khi thấy máu lại sợ hãi, không đi khám, dẫn tới chảy máu kéo dài gây thiếu máu. Thậm chí có trường hợp đến bệnh viện chúng tôi trong tình trạng thiếu máu nặng và phải truyền máu rồi mới tiến hành phẫu thuật trĩ.

Thực tế tại Bệnh viện Bình Dân, có tới 3/4 người bệnh trĩ đến khám khi đã bị trĩ độ 3, độ 4, có nhiễm trùng do đó việc điều trị phức tạp hơn.

Ngoài triệu chứng chảy máu, còn có các triệu chứng như sa búi trĩ, ngứa hậu môn, đau hậu môn. Thường đây là lúc búi trĩ đã có nhiễm trùng. Lúc này bác sĩ cũng cần phân biệt loại trừ các loại nhiễm trùng khác ở vùng hậu môn như viêm hay áp xe hậu môn, nứt hậu môn.

Cũng cần lưu ý là đi tiêu ra máu còn là triệu chứng thường gặp trong ung thư đại trực tràng, polyp đại trực tràng, viêm nhiễm, bất thường mạch máu vùng đại trực tràng. Do đó, các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như bệnh nhân trên 50 tuổi, bệnh nhân thiếu máu, sụt cân, tiền sử gia đình có người trực hệ có ung thư đại trực tràng thì nên tầm soát bệnh ung thư đại trực tràng.

 Hiện nay có các phương pháp điều trị trĩ nào, thưa phó giáo sư?

- Trĩ có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) và ngoại khoa (can thiệp phẫu thuật). Với đa số trường hợp, khi người bệnh mới điều trị, nên bắt đầu điều trị bằng thuốc trong khoảng 6-8 tuần sau đó đánh giá lại. Các trường hợp bệnh nhân có biến chứng đau, chảy máu, nhiễm trùng, thậm chí phải đi cấp cứu thì bác sĩ sẽ cho chỉ định phẫu thuật.

 Khi việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả, hiện nay còn có những phương pháp nào để điều trị bệnh trĩ hiệu quả hơn, thưa ông?

- Đối với búi trĩ nhỏ như trĩ độ 2 có thể sử dụng các phương pháp ít xâm lấn như cột dây thun, đốt trĩ bằng năng lượng điện như điện lưỡng cực hay quang đông hồng ngoại hay các phương pháp như chích xơ. Lưu ý là chích xơ phải được thực hiện bởi chuyên gia vì cần chích trúng búi trĩ, nếu chích quá nông sẽ làm loét, chích sâu quá sẽ gây chảy máu.

Đa số các trường hợp người bệnh khi đến viện thường đã ở trong tình trạng trĩ độ 3. Lúc này thường phải can thiệp phẫu thuật. Đối với phẫu thuật thì có 3 phương pháp chủ yếu là mổ mở cắt trĩ, khâu treo trĩ, và mới nhất là phương pháp tạo hình mô trĩ bằng laser.

 Phó giáo sư có thể cho biết rõ hơn về đặc điểm của các can thiệp phẫu thuật điều trị trĩ?

- Phương pháp phẫu thuật kinh điển nhất là mổ mở điều trị trĩ. Điểm yếu là sau mổ trĩ bệnh nhân đau nhiều, đau kéo dài khoảng 6-8 tuần. Mổ mở cũng có biến chứng là dễ chảy máu và hẹp hậu môn.

Phương pháp khâu treo trĩ thì ít biến chứng hơn nhưng vẫn có thể gây chảy máu nhiều.

Hiện đại nhất hiện nay là tạo hình mô trĩ bằng laser là phương pháp ít xâm lấn đang được áp dụng hiện nay. Bác sĩ dùng năng lượng laser đốt búi trĩ, đốt tĩnh mạch trĩ mà không tác động đến niêm mạc và mô xung quanh nên không có biến chứng và không đau. Người bệnh trải nghiệm phẫu thuật nhẹ nhàng và có thể về nhà ngay sau mổ 1 ngày, trở lại nhịp sinh hoạt bình thường sau 3-5 ngày.

Hiện nay tại Bệnh viện Bình Dân, chúng tôi đã thực hiện phẫu thuật điều trị trĩ laser cho khoảng gần 1.000 trường hợp với kết quả rất tốt, không có trường hợp nào có biến chứng chảy máu hay rò hậu môn.

Cũng cần lưu ý là các phẫu thuật điều trị trĩ phải được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm, việc sử dụng dụng cụ phẫu thuật hay nguồn nhiệt phải thuần thục để vừa có thể loại bỏ các búi trĩ vừa hạn chế tổn thương, đảm bảo chức năng các mô trĩ ở vùng hậu môn, vì nếu không sẽ có nguy cơ thủng, rò hậu môn, tạo sẹo co rút, làm ảnh hưởng chức năng ngăn không cho thoát khí và dịch ra khỏi hậu môn.

 Một số người bệnh cho biết khi bị đau đớn do trĩ, họ thường ngâm nước ấm. Xin Phó giáo sư cho biết cách này có lợi ích gì không?

- Ngâm vùng hậu môn vào nước ấm khoảng 38-38.5 độ C làm giãn các cơ vùng chậu, mạch máu cũng giãn nở ra theo, máu trong búi trĩ ít bị ứ đọng, búi trĩ xẹp bớt thì bệnh nhân đỡ đau. Nhưng lưu ý là chỉ nên dùng nước ấm, không pha thêm hóa chất gì, cũng không pha thêm muối, vì muối sẽ kích ứng búi trĩ. Tuy nhiên, ngâm nước ấm cũng chỉ là một biện pháp tạm thời.

 Một số bệnh nhân thắc mắc rằng sau điều trị trĩ họ lại bị tái phát trĩ. Vậy có cách nào để hạn chế tái phát trĩ không, thưa Phó giáo sư?

- Bệnh trĩ vốn có sẵn yếu tố nguy cơ để phát triển trên một người vốn từng bị trĩ. Ví dụ: cơ địa táo bón, chế độ ăn không hợp lý, ít vận động, bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khiến người bệnh ho nhiều, làm tăng áp lực ổ bụng, dễ gây ra trĩ. Như vậy, để hạn chế tái phát trĩ thì người bệnh cần thay đổi lối sống, điều trị các bệnh lý nền kể trên.

 Xin cảm ơn những chia sẻ rất hữu ích của PGS. TS. BS Dương Văn Hải!

TRẦN NHUNG
(Thực hiện)

;
.