Từ nhu cầu thực tế của các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức đã triển khai mô hình “Nhân đôi con giống”, hỗ trợ dê sinh sản cho các hộ, mang lại những kết quả tích cực.
Vợ ông Cao Hoạt chăm sóc đàn dê. |
Niềm vui nhân đôi
“Sau hơn 2 tháng được giao cho chủ mới, đàn dê nhà tôi đã có thêm dê con, mừng quá trời”, ông Tống Quốc Châu, thôn Gio An, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức phấn khởi bế con dê mới hơn 1 tháng tuổi khoe với khách. Ông Châu là hộ đặc biệt khó khăn, vợ ông ở nhà nội trợ, còn ông làm phụ hồ nhưng mấy tháng nay thất nghiệp. Vợ chồng ông có 3 người con, con lớn đến tuổi lao động nhưng cũng đang thất nghiệp, 2 con nhỏ đang đi học.
Tháng 6/2023, vợ chồng ông được MTTQ xã hỗ trợ 4 con dê giống đang mang bầu. Vốn khéo tay, lại có kinh nghiệm nuôi dê trước đây, ông Châu tự tay đóng chuồng gỗ cao và thoáng. 4 con dê vừa nhốt vài ngày, 1 con dê đã sinh con, 3 con còn lại cũng chuẩn bị đẻ. Vợ chồng ông Châu mượn đất, trồng cỏ, xin lá cây ở vườn nhà hàng xóm để nuôi dê. Ông Châu nhẩm tính, sau 1 năm, đàn dê của ông phát triển thêm thành 16-20 con, lúc đó, ông hoàn lại 2 con dê mẹ cho MTTQ xã và tiếp tục nhân rộng đàn dê của mình, ổn định kinh tế.
Cũng được hỗ trợ 6 con dê mẹ từ mô hình nhân đôi con giống vào tháng 3/2023, đến nay, đàn dê của ông Võ Thành Hùng, thôn Đức Mỹ đã phát triển thành 7 con, 4 con đang có bầu chuẩn bị đẻ. Chuồng trại được vệ sinh sạch, tận dụng ruộng của gia đình và đất trống quanh đó, ông Hùng trồng thêm cỏ, một số loại cây lấy lá làm thức ăn cho dê. “Dê là loài dễ nuôi. Chỉ cần giữ chuồng sạch, mùa mưa che bạt tránh mưa gió cho nó, đồng thời cỏ phải khô để tránh dê bị đau bụng. Vậy là nó nhanh lớn, sinh sản đều, đẻ từ 1-3 con/lứa”, ông Hùng nói.
Còn gia đình ông Cao Hoạt, thôn Đức Mỹ cũng phát triển đàn từ 5 con dê được hỗ trợ ban đầu (tháng 4/2023) thành đàn dê 9 con khỏe mạnh, béo tốt.
Mô hình thiết thực
Các hộ dân được hưởng lợi từ mô hình “Nhân đôi con giống” đều là những hộ đặc biệt khó khăn, hộ vừa thoát nghèo của xã, công việc không ổn định nên khi được trao con giống, ai cũng phấn khởi. Các hộ được chọn đều có đất làm chuồng trại nuôi nhốt dê bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, có nhân lực để chăm sóc nuôi dưỡng, có nhu cầu chăn nuôi nhưng thiếu vốn.
Đàn dê của ông Võ Thành Hùng béo tốt, mập mạp. |
Theo bà Nguyễn Thị Hoàn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Suối Nghệ, khi giao dê giống đều có tổ tự quản (do Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn là tổ trường) ký cam kết với hộ dân được giao. Theo đó, các hộ được trao sinh kế khi nhận dê sinh sản phải thực hiện trách nhiệm chăm sóc tốt dê giống; phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Còn tổ tự quản có trách nhiệm thường xuyên qua lại kiểm tra, hỗ trợ các hộ dân khi có khó khăn trong quá trình chăm sóc dê. Đồng thời chịu trách nhiệm thu hồi vốn nếu hộ dân tự ý bán hoặc làm thất thoát con giống được cấp. Đối với những hộ khi phát triển đàn, muốn bán bớt để có vốn, gầy dựng thêm đàn mới, sẽ thông báo với tổ tự quản để MTTQ nắm.
Bà Nguyễn Thị Gấp, Tổ trưởng Tổ tự quản thôn Đức Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên qua thăm, kiểm tra, nhắc nhở các hộ vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn dê. Đối với những con dê vừa bàn giao được 1 thời gian ngắn mà có vấn đề về sức khỏe thì chúng tôi kịp thời báo MTTQ xã để liên hệ đại lý cung cấp con giống đổi con dê khỏe mạnh khác cho hộ dân”.
Từ năm 2019 đến nay, UBMTTQ Việt Nam xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức đã xây dựng và thực hiện được 42 mô hình trên 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó, có 26 mô hình giảm nghèo bền vững trị giá 155 triệu đồng; 7 mô hình vận động hỗ trợ gần 100 thẻ BHYT cho người khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo trị giá hơn 75 triệu đồng; vận động các tổ chức tôn giáo xây dựng 6 căn nhà “Mái ấm yêu thương” tổng trị giá 400 triệu đồng. |
Mô hình “Nhân đôi con giống” được UBMTTQ Việt Nam xã Suối Nghệ xây dựng và thực hiện từ năm 2022, với phương pháp vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 4 con dê giống cho mỗi hộ thoát nghèo. Dê dễ nuôi, sau 6 tháng dê bắt đầu sinh sản (1 năm dê đẻ 2 lứa từ 1-3 con/lứa) số lượng đàn dê được tăng trưởng nhanh chóng giúp cho các hộ được hỗ trợ sớm có được thu nhập để thoát nghèo bền vững. Sau 1 năm kể từ khi nhận dê giống, các hộ sẽ hoàn lại 2 con dê sinh sản cho MTTQ để tiếp tục hỗ trợ các hộ khác.
Tính đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, đã có 6 mô hình “Nhân đôi con giống” được thực hiện trên địa bàn xã, với 28 con dê giống nguồn hỗ trợ ban đầu, giờ đã phát triển lên thành 46 con. “MTTQ xã dự tính đến cuối năm 2023, số lượng đàn dê sẽ tăng thêm từ 24-48 con dê, nâng tổng số đàn dê lên gần 100 con và chúng tôi sẽ thu lại từ mỗi hộ 2 con dê giống để nhân rộng thêm được 2 mô hình mới. Qua đó, tạo động lực giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo”, bà Nguyễn Thị Hoàn cho biết.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH