Bên ngoài “cánh cửa” lớp 10 công lập, tới thời điểm này, vẫn còn hàng ngàn HS chưa biết “đi đâu về đâu”. Trước thực tế đó, các cấp, các ngành và các địa phương đã và đang tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giúp các em HS không trúng tuyển lớp 10 công lập không bơ vơ trước bước ngoặt cuộc đời.
HS được tư vấn hướng nghiệp tại bàn tư vấn của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Không để HS nào bị bỏ lại
Hơn 7 giờ sáng ngày 5/8, tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Đất Đỏ, các thầy cô giáo đến từ của 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại diện huyện đoàn, lãnh đạo Phòng LĐTBXH, Phòng GD-ĐT… đã có mặt để chuẩn bị cho Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cho HS tốt nghiệp THCS không trúng tuyển lớp 10. HS, phụ huynh tới tham dự chương trình được các tình nguyện viên tận tình đưa đến tận gian hàng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để được tư vấn về các ngành nghề, mức học phí, chính sách hỗ trợ… của các trường cũng như cách để các em HS xác định được ngành nghề phù hợp.
Nhiều HS đến với chương trình cùng với sự chông chênh về con đường tương lai phía trước. Em Hồ Thanh Thảo (trú tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) chia sẻ, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, em chỉ đạt 18,5 điểm nên không có cơ hội vào học lớp 10 công lập. “Lúc này, em cảm thấy rất buồn và hoang mang vì em chưa biết tới đây mình sẽ học gì, làm gì! Ba mẹ em không yên tâm cho em theo học GDTX vì lo lắng em phải đi học xa. Còn nếu theo học nghề thì bản thân em cũng chưa biết mình thích ngành nghề nào để lựa chọn. Nếu không lựa chọn được, có lẽ em sẽ ở nhà phụ giúp gia đình”, Thanh Thảo buồn rầu nói.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, năm học 2022-2023, toàn huyện có 1.087/1.092 HS tốt nghiệp THCS, đạt tỷ lệ 99,5%. Trong đó, có 361 HS không vào lớp 10, chiếm 34%. Đến thời điểm này, còn khoảng hơn 160 HS chưa có định hướng rõ ràng cho tương lai. Theo ông Tuấn, ngày hội phần nào giúp HS và phụ huynh hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của việc đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ vậy, việc được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn trực tiếp giúp các em dễ dàng hơn trong việc xác định ngành nghề phù hợp.
Trước đó, huyện Long Điền là một trong những địa phương thực hiện sớm và tốt nhất công tác tư vấn, định hướng cho HS không trúng tuyển lớp 10 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sau khi công bố kết quả tuyển sinh, huyện đã rà soát, thống kê cụ thể số lượng và nguyện vọng của từng trường hợp HS không trúng tuyển lớp 10 công lập. Ngành GD-ĐT, LĐTBXH đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp, gửi thư mời tham dự chương trình tư vấn, hướng nghiệp tới tận tay phụ huynh HS. Đồng thời thông tin về chương trình trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn và các phương tiện thông tin truyền thông khác, góp phần giúp phụ huynh hiểu hơn về đào tạo nghề.
Đúng ngành nghề-sáng tương lai
Tại các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, ông Dương Tấn Tín, Phó trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) thông tin, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh HS đã tốt nghiệp THCS với tổng số 3.970 chỉ tiêu. Tính đến ngày 31/7, các trường đã tuyển được hơn 2.500 chỉ tiêu. Như vậy, vẫn còn gần 1.500 chỉ tiêu dành cho các em HS tốt nghiệp THCS nhưng không trúng tuyển lớp 10.
Ông Dương Tấn Tín nhấn mạnh, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập không thu học phí và được nhà nước cấp bù kinh phí. Còn các cơ sở ngoài công lập vẫn thu học phí nhưng sau đó phụ huynh làm hồ sơ gửi về Phòng LĐTBXH tại địa phương để được hoàn trả học phí bằng mức học phí công lập theo quy định tại Nghị định 81.
“Có một thực tế là không cần đi học vẫn có thể kiếm được việc làm. Tuy nhiên, công việc đó có bền vững, có thể gắn bó với các em suốt đời được hay không? Tôi cho rằng việc theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đem lại cho các em những giá trị to lớn và bền vững hơn”, ông Tín khẳng định. Ông Tín phân tích, khi theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các em được trang bị các kiến thức và kỹ năng cơ bản trước khi bước vào thị trường lao động. Trước hết, các em sẽ có tay nghề vững vàng, kỹ năng, thái độ làm việc phù hợp, được đào tạo bài bản về an toàn lao động. Là người lao động đã qua đào tạo, các em có thể làm việc với năng suất cao hơn để có được nguồn thu nhập tốt. Không chỉ vậy, các em còn có nhiều cơ hội thay đổi vị trí việc làm hoặc thăng tiến trong nghề nghiệp. Chưa kể đến việc theo học trình độ trung cấp cũng là tiền đề để các em học liên thông lên những bậc học cao hơn.
Ông Lê Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, năm học 2023-2024, toàn huyện có 759 HS không trúng tuyển lớp 10 công lập. Việc triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả góp phần giúp phụ huynh, HS từng bước được tiếp cận thông tin về giáo dục nghề nghiệp, có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về học nghề. Từ đó phụ huynh hiểu rằng con em mình không nhất thiết phải vào đời bằng tấm bằng ĐH.
Sau chương trình tư vấn, tổ vận động tư vấn của huyện tiếp tục phối hợp với UBND xã, thị trấn, MTTQ, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ địa phương vận động HS tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Khi xác định được hướng đi đúng đắn, các em không chỉ tránh xa được các tệ nạn xã hội mà còn có thể trở thành những người thợ lành nghề trong tương lai để đóng góp cho xã hội.
|
Theo ông Tín, khi lựa chọn nghề nghiệp, các em cần căn cứ vào năng lực bản thân, bao gồm cả thể lực và trí lực. Hay cụ thể hơn là sức khoẻ, trình độ, khả năng tiếp thu của từng người. Ngành nghề được lựa chọn cũng cần phù hợp với thị trường và nhu cầu nguồn lao động, điều kiện kinh tế của gia đình, sở trường, sở thích bản thân thì các em mới có thể gắn bó lâu dài.
Ông Dương Tấn Tín cho hay, HS nên áp dụng nguyên tắc chọn nghề trước, chọn trường sau. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 trường đào tạo trình độ trung cấp với 29 nghề khác nhau. Mỗi trường sẽ có thế mạnh ở một số ngành nghề đào tạo. Do đó, sau khi chọn nghề, các em cần tìm hiểu kỹ về các trường trước khi nộp hồ sơ đăng ký. “Khi đã đưa ra được lựa chọn của mình, các em cần tập trung học tập nghiêm túc, vì chương trình đạo tạo nghề có tới 70-80% thời lượng thực hành. Cùng với đó, cần tự củng cố thêm các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, trau dồi kinh nghiệm làm việc… Như vậy, các em sẽ có được sự tự tin và cơ hội rộng mở khi bước chân vào thị trường lao động”, ông Tín nói.
KHÁNH CHI