Giữa nhan nhản các nhà hàng sang trọng hay quán xá thanh lịch trang trí lung linh sắc màu là những gánh chè rất đỗi bình dị nhưng mang đầy vị ngọt ngào, thơm ngon và gợi về ký ức của tuổi thơ.
Món chè ngọt ngon của cô Hai, bán chè tại xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) phục vụ khách hàng “nhí”. |
Ngọt ngon chè xứ biển
Khi ánh mặt trời bắt đầu ló rạng thì cũng là lúc chị Nguyễn Thị Kim Anh (39 tuổi) bắt đầu đẩy xe bán các loại chè tại khu vực góc bùng binh Tượng đài Dầu khí (đường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu).
Xe chè di động của chị bán đủ loại chè như: đậu xanh, đen, trắng, hoa cau, thưng. Tất cả công đoạn chuẩn bị đều do một tay chị thực hiện; trong đó, các bước ngâm đậu, nhồi bột được làm trước.
Chị Anh quê gốc ở Sóc Trăng, đến Vũng Tàu sinh sống từ năm 10 tuổi. Chị học mẹ nấu chè từ nhỏ và nghề bán chè trở thành “cần câu cơm” nuôi sống gia đình 5 nhân khẩu. Nhiều vị khách nhận xét chè của chị tuy đơn giản nhưng đặc biệt vì có vị ngọt vừa phải, nước cốt dừa đặc nhưng không quá béo. Có lẽ chính vì luôn coi trọng hương vị truyền thống, giản dị của người dân xứ biển mà nhiều năm qua, những chén chè thanh mát ở đây vẫn níu chân biết bao thực khách.
Dạo qua một số con phố lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh rất dễ bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị quẩy đôi gánh hay đẩy xe chè vừa rao hàng: “Ai chè đậu không?”. Mỗi gánh chè là một câu chuyện nhưng ở họ có điểm chung là không quản vất vả để vun vén cho gia đình và phản ánh nét đẹp văn hóa ẩm thực. Người mua vui vẻ dùng món ăn, nếu từ chối thì cũng nhận được câu chúc vui vẻ ấm lòng người phương xa “đắt hàng cô nhé!”. Cũng chính vì vậy, hình ảnh người Bà Rịa-Vũng Tàu luôn để lại ấn tượng trong lòng du khách bốn phương. |
Bán chạy nhất ở đây là món chè bắp. Chè luôn trắng ngần, thơm ngát bởi được chị lựa chọn từ những trái bắp nếp non, còn ngậm sữa. Bắp được bào mỏng, phần lõi chị giữ lại và ninh cùng với lá dứa để lấy vị ngọt thanh cho nồi chè. Chè được nấu nhỏ lửa trong thời gian dài và nhất định phải dùng đường phèn để vị thanh mát của chè được trọn vẹn.
Với giá cả dao động từ 10 ngàn đồng/ly, xe chè di động của chị trở thành địa chỉ quen thuộc của những “thượng đế”. Ngoài chè, chị Anh còn nấu cả sữa đậu nành, bán luôn cả trà tắc. Mỗi ngày, chị bán được 200 bịch chè, nước, thu nhập từ 500-600 ngàn đồng/ngày.
Hơn 30 năm, gánh chè của cô Nguyễn Thị Tuyết (TP.Bà Rịa) luôn thu hút khách. |
Níu giữ thực khách
Ngay từ thời mười tám, đôi mươi, bà Nguyễn Thị Tuyết (52 tuổi, ngụ tại TP.Bà Rịa) đã đặt lên vai chiếc gióng bằng tre với món chè đậu đen, sương sa, hạt lựu thơm lừng. Bà Rịa bây giờ không thiếu nơi bán chè với vô số món như chè Thái, chè khúc bạch, nhưng hơn 30 năm qua, từ 10 giờ sáng cho tới chiều, gánh chè của bà Tuyết vẫn rong khắp các con đường, ngõ hẻm trên địa bàn phường Phước Hiệp. Gánh chè của bà còn “gánh” luôn cuộc đời, nuôi sống cả gia đình, có 2 con trai học ĐH.
Để có món chè ngon, mềm và dẻo, bà Tuyết phải tỉ mẩn từng hạt đậu, chăm chút từng ngọn lửa lúc to, lúc nhỏ, lúc lại lim rim sao cho chè hòa quyện vào nhau, không lỏng bỏng nước cũng không đặc quánh... Bà không nấu bằng gas mà bằng củi vụn cùng mạt cưa. Chỉ từng đấy động tác, từng đó món chè nhưng bà đã mất hơn nửa đời người để không ngừng hoàn thiện.
Ngày qua ngày, bà và gánh chè của mình đã phục vụ biết bao lượt thực khách hảo ngọt tìm đến thưởng thức. Kỳ công trong từng công đoạn, những ly chè đỗ đen của bà vì thế trở thành món giải nhiệt dân dã được nhiều người yêu thích.
Chị Lê Lan (TP.Bà Rịa)-một vị khách quen của gánh chè bà Tuyết cho biết: “Chè ở đây làm rất ngon, bán với giá bình dân chỉ từ 5-10 ngàn đồng, gia đình tôi hay mua ở đây đã hơn 10 năm. Riêng con gái đầu của tôi đang sinh sống ở nước ngoài, mỗi lần về đều ghé đây ăn chè, muốn thưởng thức hương vị tuổi thơ”.
Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN