Đưa lao động quay lại thị trường việc làm

Thứ Năm, 10/08/2023, 19:12 [GMT+7]
In bài này
.

6 tháng đầu năm 2023, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (tăng 1.226 người). Nguyên nhân chủ yếu là do DN khó khăn, giải thể, phá sản… Trước thực trạng này, Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp đưa người lao động (NLĐ) quay trở lại thị trường việc làm.

Tăng cường kết nối việc làm để hỗ trợ NLĐ.  Trong ảnh: NLĐ tìm hiểu thông tin việc làm với đại diện DN tại phiên giao dịch việc làm ngày 4/8.
người lao độngtìm hiểu thông tin việc làm với đại diện DN tại phiên giao dịch việc làm ngày 4/8.

Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 13%

Theo lịch hẹn, chị Lê Thị Hồng Xinh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh làm thủ tục khai báo tình trạng thất nghiệp. Chị Xinh làm công nhân may ở một DN trong KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) được 2 năm. Lương và tiền phụ cấp tăng ca gần 10 triệu đồng/tháng tạm đủ sống. Năm 2022, công ty khó khăn, không có đơn hàng nên những lao động thâm niên 1-2 năm như chị đều bị cắt hợp đồng.

“Khoảng 100 lao động bị cắt hợp đồng. Tôi đã cố gắng nhưng tìm việc ở thời điểm này không hề dễ dàng. Sau nhiều trăn trở, tôi quyết định đăng ký học nghề làm đẹp với mong muốn sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống”, chị Xinh nói.

Các bàn tiếp nhận lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp luôn kín người. Tại khu vực chờ, nhiều người tỏ ra mệt mỏi và mang tâm trạng nặng trĩu, lo lắng. Anh Trần Thanh Lăng cho biết, anh từng làm công nhân tại một công ty thép 12 năm. Do đơn hàng giảm mạnh, kinh doanh khó khăn, công ty buộc phải cắt giảm lao động nên anh mất việc từ tháng 6/2023. Anh Lăng bày tỏ: “Mất việc, con cái sắp vào năm học mới chưa biết tính sao. Trước mắt có tiền trợ cấp thất nghiệp, cả nhà cũng lo được bữa ăn vài tháng rồi tính sau”.

Với một số NLĐ, công ty chưa cắt giảm nhưng họ chủ động xin nghỉ việc vì thu nhập bị cắt giảm, không đủ trang trải cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Mai từng làm nhân viên văn phòng. Công ty chưa sa thải nhưng chị Mai đã tự xin nghỉ việc bởi thu nhập hiện tại giảm nhiều so với lúc trước. Chị Mai kể: “Trước kia, lương của tôi bình quân 8 triệu đồng/tháng. Từ khi kinh tế khó khăn, công ty giảm lương, thu nhập chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Chồng đi làm xa, nhà có con nhỏ, nếu tôi thuê người trông con, cộng với tiền thuê nhà, tiền chi tiêu hàng tháng… thì không đủ sống. Do vậy, tôi quyết định xin nghỉ việc và được nhận 3 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng hơn 3,4 triệu đồng”.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của 92 lượt DN và 1.166 NLĐ. Kết quả, đã tư vấn việc làm cho 727 lượt người và tiếp nhận 183 hồ sơ. Trung tâm đã kết nối 125 DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 55.998 lao động thất nghiệp và lao động chưa có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, tư vấn việc làm cho 25.790 lượt lao động, giới thiệu việc làm cho 1.449 lượt NLĐ.

 

Nhiều giải pháp hỗ trợ NLĐ

Theo thống kê của Trung tâm DVVL tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, 10.560 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13% (tăng 1.226 người) so với cùng kỳ. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 8.464 người, giảm 6,5% (giảm 597 người). Do số lượng người làm hồ sơ tăng mạnh, Trung tâm DVVL tỉnh phải tăng giờ làm thêm và làm thêm thứ Bảy hàng tuần để thẩm định, xử lý hồ sơ. Ngoài ra, các điểm giao dịch việc làm đều bố trí cán bộ hướng dẫn NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp và trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Mai Văn Thu, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh lý giải, nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn, nhiều DN không có đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động. Trong đó, ngành nghề cắt giảm nhiều lao động nhất là xây dựng, may mặc, giày da… 

Để giúp NLĐ vượt qua khó khăn, Trung tâm DVVL tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng kết nối cung-cầu lao động, sớm đưa NLĐ trở lại thị trường việc làm. Khi NLĐ đến đăng ký thất nghiệp, trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm mới. Đồng thời, tăng cường việc phối hợp với các đơn vị tuyển dụng, lập danh sách NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu đến các đơn vị tuyển dụng. Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyển dụng trên website của trung tâm và văn phòng đại diện tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để NLĐ biết, tìm kiếm việc làm phù hợp. Đồng thời, trung tâm tư vấn, khuyến khích NLĐ đăng ký học nghề để có nhiều lựa cho công việc, nhưng số người muốn học nghề rất khiêm tốn.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH trong những tháng đầu năm 2023, có 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong DN) bị ảnh hưởng việc làm, hơn 54% lao động bị thôi việc, mất việc. Bộ dự báo, trong quý III/2023, một số ngành tiếp tục giảm nhiều việc làm là sản xuất trang phục, dự kiến giảm 123 ngàn người; nông nghiệp và hoạt động dịch vụ, giảm 78 ngàn người; bán lẻ giảm 32 ngàn người. Bộ sẽ tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm bù đắp chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu NLĐ tìm kiếm việc làm mới.

Ông Mai Văn Thu cho biết thêm, tỷ lệ NLĐ không có việc làm lên đến 31% tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Dự báo các DN tiếp tục giảm lao động nên NLĐ còn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Do vậy, trung tâm đã và đang nắm bắt việc dịch chuyển lao động, việc làm nhằm bảo đảm có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn tỉnh; tạo việc làm ở khu vực nông thôn, vùng xa để NLĐ có thể làm việc tại địa phương mình.

“Trung tâm đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu trực tuyến cho NLĐ và tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến để kết nối thị trường lao động. Qua đó, tạo điều kiện cho NLĐ tìm kiếm công việc phù hợp. Đồng thời, liên kết, hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề nhằm nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN”, ông Mai Văn Thu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.