Để kịp thời ứng phó sạt lở trong mùa mưa bão, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các lực lượng rà soát, kiểm tra những điểm nguy cơ sạt lở cao, có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Hiện trường vụ sạt lở tại phường 2 (TP.Vũng Tàu) hồi tháng 10/2022. |
Phòng tránh nguy cơ sạt lở
TP.Vũng Tàu có một số khu vực nguy cơ sạt lở như núi lớn, núi nhỏ và một số địa điểm tại xã Long Sơn. Trên đường Trần Phú (đoạn phường 1, 2 và 5), chúng tôi ghi nhận có nhiều bảng “cảnh báo nguy hiểm, khu vực nguy cơ sạt lở” lắp đặt ven đường nhằm nhắc nhở người dân cảnh giác. Một số đoạn cũng được rào chắn để tránh xảy ra tai nạn liên quan sạt lở.
Trước đó, tháng 10/2022, sau nhiều trận mưa lớn kéo dài, trên địa bàn thành phố xảy ra một số điểm sạt lở, gây thiệt hại về tài sản. Đơn cử, chiều 20/10/2022, đoạn tường dài khoảng 20m tại hẻm 66 (đường Hạ Long, phường 2) bất ngờ đổ sập xuống đường khiến nhiều xe máy bị chôn dưới đống đất đá. Cùng ngày, một tảng đá trên núi Lớn lăn xuống đường Trần Phú, nhưng rất may không xảy ra thương vong về người.
UBND phường 2 (TP.Vũng Tàu) cho biết, một số điểm từng hoặc có nguy cơ sạt lở trên địa bàn phường đến nay đã được xử lý, đặt bảng cảnh báo. Đối với điểm sạt lở tại hẻm 66 (đường Hạ Long), sau khi xảy ra sự cố, TP.Vũng Tàu phối hợp với phường và chủ đất xử lý, gia cố chắc chắn, bảo đảm không tái diễn sạt lở. "Phường 2 cũng triển khai công tác tuyên truyền ứng phó nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão đến các khu phố, tổ dân cư, nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn", đại diện UBND phường 2 thông tin.
Để ứng phó với nguy cơ sạt lở, từ tháng 4/2023, UBND TP.Vũng Tàu đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Theo đó, UBND TP.Vũng Tàu yêu cầu UBND các địa phương phối hợp với chủ quản lý, chủ công trình xây dựng để sơ tán người dân vào công trình có kết cấu bền vững khi gặp bão lớn. Địa phương cần tổ chức kiểm tra công trình nhà ở, lập danh sách và phân loại nhà an toàn theo cấp bão, yêu cầu người dân gia cố, giằng chống nhà cửa khi bão đổ bộ. Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm tra các tuyến đường có khúc cua quanh co giáp núi, đặc biệt là tuyến đường gần núi Lớn, núi Nhỏ.
UBND TP.Vũng Tàu giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu, đơn vị liên quan chặt tỉa cây xanh có nguy cơ ngã đổ, tăng cường nạo vét cống rãnh, rạch tiêu thoát nước để chống ngập úng; điều phối phương tiện, thiết bị sẵn sàng hỗ trợ tham gia tổng vệ sinh sau mưa bão.
TP.Vũng Tàu cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1, 2 có biện pháp bảo đảm an toàn tại các công trình đang xây dựng và công trình mới hoàn thành; đặc biệt là công trình có hạng mục cống thoát nước, công trình trên núi. Trường hợp khi bão đến, phải yêu cầu nhà thầu dừng thi công, có biện pháp gia cố an toàn cho công trình trên cao hoặc tầng hầm.
Thực hiện Công điện số 591/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/7 UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa bão. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường đang thi công, các khu vực khai thác khoáng sản… khi mưa lớn kéo dài để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. |
Hạn chế thiệt hại do mưa bão
Ngoài những biện pháp nêu trên, tháng 7 vừa qua, Sở Xây dựng đã ban hành Công văn số 3279/SXD-QLXD yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, cần quan tâm ngăn ngừa sự cố hư hỏng công trình do sạt lở, nhất là công trình xây dựng ở khu vực triền đồi, sườn núi, ven biển, ven sông. Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thiên tai, thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời có phương án phòng tránh đối với các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh, trong năm 2023 khả năng có khoảng 8-15 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Đặc biệt, từ nay đến hết tháng 9 có thể xuất hiện thời tiết xấu, đề phòng lốc, sét, gió giật, mưa lớn cục bộ đi kèm với các trận mưa lớn. Trong giai đoạn tháng 7-9 khả năng sẽ xuất hiện từ 6-9 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, gây gió giật mạnh, sóng lớn trên biển và mưa dông diện rộng. Các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới này dù không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh nhưng sẽ gây gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ sạt lở nếu mưa kéo dài. Do đó, công tác phòng ngừa sạt lở, ngập úng cần sớm được triển khai, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản.
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN