.

Những cựu tù giỏi làm giàu

Cập nhật: 19:58, 20/07/2023 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Họ làm giàu từ hai bàn tay trắng, bằng sức lao động chân chính với một tinh thần của những người đã từng bị đẩy đến nơi cùng cực nhất. 

Cựu tù Côn Đảo Trần Ngọc Hòa bên vườn chôm chôm  của gia đình.
Cựu tù Côn Đảo Trần Ngọc Hòa bên vườn chôm chôm của gia đình.

Ngôi nhà cao tầng của gia đình cựu tù chính trị Trần Ngọc Hòa nằm trong con hẻm nhỏ của ấp văn hoá Ngô Quyền (xã Bàu Hàm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Bao quanh là vườn cây xanh mướt chôm chôm, sầu riêng, măng cụt cùng những vạt điều tươi tốt.

Nhẹ nhàng rót trà mời khách, người cựu tù Côn Đảo chậm rãi kể, năm 1986, vợ chồng vay 13 cây vàng của người thân để kinh doanh phân bón, rồi sau đó mua được 3ha rẫy trồng cà phê. Có vốn, lại mua thêm máy cày đi vỡ đất hoang, mở mang diện tích trồng cà phê lên 7ha. Năm 2.000, gia đình chuyển sang trồng chôm chôm, sầu riêng, điều để tăng nguồn thu thay cho cà phê rớt giá. 

Ông mua thêm chiếc xe tải chở hàng nông sản, chở thức ăn chăn nuôi. Thấy làm nông nghiệp, dịch vụ vận tải cho thu nhập cao, ông tập trung đầu tư và đến nay, gia đình có 2 trại heo diện tích 38ha ở tỉnh Bình Phước cho lợi nhuận khá, 12ha đất nông nghiệp cho thuê ở Đồng Nai, mỗi năm thu về 200 triệu đồng. Doanh nghiệp vận tải của gia đình ông giao cho con gái làm, hiện có gần 80 chiếc xe đầu kéo cùng 200 rơ-mooc, thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Hòa cho biết: “Cuộc sống dù thay đổi nhiều, mỗi năm vẫn cố dành thời gian ra Côn Đảo. Đến những Chuồng Cọp, Chuồng Bò, trại 6B, Cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh, đồi sọ người… lúc nào cũng tiếc cho những đồng đội đã nằm lại nơi đây. Tiếc cho họ không còn được sống để chứng kiến sự đổi thay của quê hương”. 

Rời nhà ông Hòa, chúng tôi đến nhà ông Phan Hồng Oanh (SN 1947, khu phố 5, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Phía sau cây xăng do ông Oanh làm chủ là ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi, xung quanh rợp bóng mát bởi vườn măng cụt, chôm chôm. Đang mùa thu hoạch măng cụt nên công việc thu gom trái cây, đóng gói bán cho khách khá bận rộn. Ông Oanh nói: “Chú ham làm vườn và cũng nhờ làm vườn mà chú mới có được cơ ngơi khang trang thế này”.  

Ông Oanh quê gốc ở Đà Nẵng, nguyên đội trưởng đội biệt động Đà Nẵng, bị địch bắt, đày ra Côn Đảo năm 1969. Sau Hiệp định Paris, địch đưa ông về trại giam tù binh Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Ông cùng đồng đội vượt ngục thành công. 

Sau ngày giải phóng, ông Oanh được phân công làm Bí thư xã Đồng Tâm (nay là xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), sau đó làm Giám đốc Nông trường Cây Cọ Dầu.

Nghỉ hưu, thấy sức lực còn dư, ông bắt đầu kinh doanh xăng dầu, nông sản, phân bón, thuốc trừ sâu. Năm 1990, ông Oanh mạnh dạn đầu tư làm cây xăng ở thị trấn Gia Ray, chuyên cung cấp xăng dầu cho xe tải chở hàng nông sản.

Cây xăng mang đến nguồn thu nhập khá, 5 năm sau ông quyết định mở thêm cây xăng ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Khi có vốn kha khá, ông trở lại với niềm đam mê làm vườn. Ông mua đất đầu tư, trồng cây ăn trái. Đến nay, gia đình ông có 15ha trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Nguồn thu nhập của gia đình từ kinh doanh xăng dầu, cây trái mỗi năm lên tới 2 tỷ đồng.

Cuộc sống kinh tế đủ đầy, gia đình thường xuyên tham gia công tác từ thiện: góp tiền làm nhà tình thương, tình nghĩa cho người nghèo, gia đình thương binh-liệt sĩ. “Mình được sống, thì phải cố gắng sống xứng đáng, trọn nghĩa với những người đã không tiếc xương máu cho quê hương hôm nay”, ông Oanh tâm sự.  

Bài, ảnh: HOÀNG BẮC

 
.
.
.