Nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ người nào, thể hiện bằng cơn đau ở toàn bộ vùng đầu, đau một nửa đầu, hai bên thái dương hoặc chỉ đau ở vùng trán, gáy…
Nhức đầu có thể chỉ là hiện tượng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một chứng bệnh nguy hiểm. |
Theo thống kê của Hiệp hội Nội thần kinh thế giới, ít nhất 70% người trên trái đất đã từng bị nhức đầu một vài lần trong đời.
Nhức đầu gồm nhiều cường độ và tính chất khác nhau. Người bệnh có thể đau âm ỉ, đau dữ dội, đau nhói, đau châm chích hoặc đau thoáng qua. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn tiến dần dần, từ đau ít đến đau nhiều, kéo dài vài phút hoặc vài ngày.
Các nguyên nhân gây nhức đầu
Các bác sĩ Nội thần kinh phân loại nhức đầu thành 2 nhóm là nhức đầu nguyên phát và nhức đầu thứ phát, trong đó nhức đầu nguyên phát chiếm khoảng 90%, gồm nhức nửa đầu (gọi là Migraine), nhức đầu do căng cơ, do tạp chất trong bia, rượu (chủ yếu là cồn Methanol) hoặc do uống quá nhiều bia, rượu, do mất ngủ, do căng thẳng thần kinh vì gặp chuyện không may trong cuộc sống, do uống những loại có chất kích thích như cà phê, nước tăng lực hoặc cũng có thể do ánh sáng, tiếng ồn, thời tiết thay đổi…
Riêng với nhức nửa đầu (Migraine), các khảo sát cho thấy phần lớn là do di truyền. Nếu cha mẹ đều có tiền sử nhức nửa đầu thì 70% khả năng con cái cũng sẽ mắc phải.
Nhức đầu thứ phát: Là hệ quả của một số bệnh lý như chấn thương sọ não, u não, bệnh màng não - mạch máu não, hội chứng tăng áp lực nội sọ. Bên cạnh đó, nhức đầu thứ phát còn xảy ra do say nóng, say nắng, say xe, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, một số bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết, thiếu máu hoặc các bệnh về mắt, tai mũi họng, cơ xương khớp, răng hàm mặt…
Sau này, khi công nghệ thông tin phát triển, các bác sĩ Nội thần kinh còn nhận thấy rằng những người thường xuyên làm việc với máy tính hoặc xem điện thoại, kéo dài liên tục nhiều giờ trong ngày sẽ dễ bị nhức đầu.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, cơn nhức đầu thể hiện dưới các hình thức:
Nhức đầu do căng cơ: Người bệnh nhức từ nhẹ đến vừa, cảm giác đầu bị bó giống như có một sợi dây buộc chặt. Cơn nhức xuất hiện ở cả hai bên đầu nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhức nửa đầu: Người bệnh nhức từ vừa đến nặng. Hiện tượng nhức chỉ xuất hiện ở một bên đầu, nhức dồn dập, người bệnh nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng, mùi vị và có thể buồn nôn hoặc nôn. Cơn nhức nửa đầu có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thường xuyên lập lại.
Nhức đầu khu trú: Cơn nhức có thể xuất hiện ở trán hoặc đỉnh đầu, hoặc ở hai bên thái dương hoặc sau gáy, kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ hoặc lâu hơn, có thể đi kèm với mờ mắt, chảy nước mắt, sụp mí, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Phần lớn nhức đầu sẽ hết trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu gặp phải những dấu hiệu sau đây khi nhức đầu, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay.
Cơn đau xảy ra đột ngột trong vòng vài giây hoặc vài phút, đau đến mức không thể chịu được.
Nhức dữ dội kèm theo sốt hoặc cứng cổ, tê yếu tay chân, mắt mở, nôn mửa.
Để xác định nguyên nhân gây nhức đầu, ngoài việc khám tổng quát về thần kinh, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt…, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm một hoặc nhiều xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang hộp sọ, chụp X-quang xoang, chụp cột sống cổ, chọc dò tủy sống, đo điện não, chụp động mạch não, chụp CT hoặc MRI vùng đầu.
Điều trị nhức đầu
Việc đầu tiên khi bị nhức đầu là người bệnh cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng tâm lý. Tiếp theo, tùy vào nguyên nhân gây đau nhức, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc men điều trị phù hợp với người bệnh. Nếu nhức đầu gây ra bởi một chứng bệnh nào đó, phương pháp điều trị sẽ tập trung giải quyết chứng bệnh ấy.
Tuy nhiên, không phải khi nào nhức đầu cũng liên quan đến bệnh lý. Trong trường hợp này, cơn đau có thể nhanh chóng thuyên giảm và biến mất khi uống những loại thuốc giảm đau thông thường.
Để phòng ngừa nhức đầu, cố gắng tránh những căng thẳng, bực tức, nóng giận, uống đủ nước, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng vì thiếu nước sẽ dẫn đến tình trạng choáng váng, mệt mỏi và nhức đầu. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc bởi thiếu ngủ cũng là nguyên nhân gây nhức đầu phổ biến.
Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày nên tập ít nhất 15 phút bằng các hình thức phù hợp với tuổi tác, phân chia hợp lý thời gian sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, không tắt đèn khi xem máy tính, điện thoại thông minh, hạn chế uống rượu, bia, bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá nếu đã nghiện thuốc lá. Với các loại đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, nước tăng lực, nếu sau khi uống mà thấy nhức đầu dù rất nhẹ thì nếu không bỏ được, chỉ uống sau khi đã ăn no…
NGUYỄN NGỌC VINH
(Nguyên BS.Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM)