NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI (11/7)

Tuổi thọ người dân của tỉnh cao hơn mặt bằng của cả nước

Thứ Hai, 10/07/2023, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), ông Nguyễn Phương Nam, Chi cục phó, phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã có cuộc trao đổi với Báo BR-VT về chất lượng dân số cũng như quá trình thực hiện công tác dân số tại địa phương. Ông Nguyễn Phương Nam cho biết:

Thời gian qua, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, tỉnh đã triển khai các nội dung như: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên (VTN,TN); sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện sớm các dị tật ở trẻ, từ đó can thiệp điều trị sớm. Duy trì và phát triển các câu lạc bộ tiền hôn nhân cho VTN,TN ở khu dân cư. Tỉnh còn tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao chất lượng dân số về các nội dung liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục giúp nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn; quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng…

Nhờ thực hiện hiệu quả các hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh về các mặt của đời sống kinh tế, thể chất, trí tuệ, tinh thần. Đến năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 76,4 tuổi, cao hơn so với mặt bằng chung cả nước (73,6 tuổi).

* Tuy đạt được kết quả về chất lượng dân số, song việc thực hiện công tác này còn gặp nhiều khó khăn?

- Đến nay, tỉnh đã ngăn chặn được mức sinh xuống mức quá thấp, nhưng vẫn còn ở mức sinh thấp. Hiện tỉnh đang duy trì ở mức 1,51-1,91 con/phụ nữ. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như: Suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh còn gặp một số khó khăn như: Người dân khi mang thai và sinh con có chỗ ở không ổn định, số điện thoại thay đổi gây cản trở cho công tác quản lý thai phụ nguy cơ cao và trẻ sơ sinh bị bệnh.

Ngoài ra, tuổi thọ bình quân của tỉnh tăng, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh của người cao tuổi chưa cao. Hoạt động khám, tư vấn và kiểm tra sức khỏe, lập sổ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi trong toàn tỉnh còn bất cập. Ý thức, sự quan tâm đến sức khỏe của một bộ phận người dân chưa cao, một số người dân không hiểu rõ tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm... Do đó, chưa thu hút được một số lượng người cao tuổi đến khám sức khỏe. Tại một số huyện có địa bàn rộng, người cao tuổi ở xa các địa điểm cơ sở y tế nên gây khó khăn cho đối tượng này trong vấn đề khám và chăm sóc sức khỏe.

Thu nhập của người dân tại một số nơi còn thấp, người cao tuổi vẫn còn phải tham gia lao động, sản xuất nuôi sống bản thân và gia đình nên chưa có điều kiện tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động truyền thông chưa đa dạng, phong phú và chưa bao trùm đến từng nhóm đối tượng của chương trình dân số và phát triển hiện nay.

Quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là hoạt động quan trọng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho người dân.
Quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là hoạt động quan trọng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh cho người dân.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 5.000 thai phụ được xét nghiệm sàng lọc trước sinh; gần 4.230 trẻ được sàng lọc trước sinh. Tỉnh còn có 25.910 người cao tuổi được khám và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

* Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số hơn nữa, cần phải thực hiện các giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Do đó, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số được coi là một trong những chính sách cơ bản của Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có tính chất quyết định đến nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho công cuộc phát triển nhanh, bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số theo các văn bản về thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 đã được phê duyệt; xác định nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương, của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Tiếp tục truyền thông, tư vấn về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh trước sinh và sơ sinh để người dân tham gia; cung cấp kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục cho nam và nữ góp phần giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, dự phòng vô sinh và nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc thai nhi tốt để sinh con khỏe mạnh. Đồng thời đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm phát huy lợi thế giai đoạn cơ cấu dân số vàng; phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân.

* Xin cảm ơn ông!

HỒNG PHƯƠNG
(Thực hiện)

;
.