Năm học 2023-2024: Bứt tốc để chuẩn bị về đích

Thứ Sáu, 21/07/2023, 16:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 21/7, tại Nghệ An, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 với giáo dục trung học, GDTX.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và các thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD-ĐT; lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên 63 sở GD-ĐT trên cả nước.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh.
Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai chương trình mới

Báo cáo kết quả năm học 2022-2023 với giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, năm học 2022-2023 là thời điểm cả ba cấp học đồng thời triển khai Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, lớp 10 - lớp đầu tiên của giai đoạn định hướng nghề nghiệp với nhiều điểm mới cần triển khai.

Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai dạy học hoàn thành nhiệm vụ năm học. Bộ đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục SGK lớp 8, lớp 11 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10. Cùng với đó, Bộ hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 6, 7, 10 theo Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt.

Đồng thời, chỉ đạo sở GD-ĐT địa phương giao quyền chủ động cho cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với các lớp còn lại thực hiện Chương trình GDPT 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS, bảo đảm tính kết nối với Chương trình GDPT 2018. 

Cả nước đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh HS. Trong ảnh HS tại điểm thi THPT Vũng tàu (TP. Vũng Tàu) phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp.
Cả nước đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh HS. Trong ảnh HS tại điểm thi THPT Vũng tàu (TP. Vũng Tàu) trao đổi sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp.

Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ GV đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất HS; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt. Các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2023 đạt thành tích cao. Các địa phương đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh HS.

Công tác phổ cập giáo dục cấp THCS được các địa phương quan tâm và duy trì. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã đạt được nhiều thành quả, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục…

7 nhóm giải pháp thực hiện

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề ra 7 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó chú trọng công tác tham mưu chủ động với lãnh đạo địa phương tạo nguồn lực cho ngành giáo dục. Công tác tham mưu cần chủ động, kịp thời, trọng tâm, kiên trì, có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống văn bản, triển khai hệ thống văn bản kịp thời. Lãnh đạo sở GD-ĐT phải là người nắm chắc, định hướng, truyền tải đầy đủ tinh thần văn bản đến cán bộ, GV, phụ huynh và HS; Tiếp tục thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình từng đơn vị, cán bộ, GV...

Ngoài ra, sở GD-ĐT các tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp và hợp tác để giải quyết các khó khăn của ngành giáo dục; tổ chức phát động tốt các phong trào thi đua phù hợp với địa phương.

Thứ trưởng cũng yêu cầu sở GD-ĐT các địa phương tăng cường công tác kiểm tra một cách toàn diện, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường đào tạo, quản lý bồi dưỡng, cán bộ, GV tham mưu tỉnh có kinh phí bồi dưỡng cho đội ngũ.

Ngành giáo dục các địa phương cần tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới như cơ sở vật chất, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, GV…

Thúc đẩy học tập suốt đời

Về kết quả GDTX, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD-ĐT) cho hay, quy mô và mạng lưới cơ sở GDTX tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định trong năm học 2022-2023. Hệ thống trung tâm GDTX ổn định về mạng lưới và hoạt động. Nhiều trung tâm đã chủ động học hỏi, nghiên cứu nhu cầu người học, khai thác các chức năng của trung tâm để chủ động đa dạng hóa chương trình, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Một số trung tâm cũng đã chủ động tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị nguồn lực GV để sẵn sàng cho việc tổ chức thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT theo Chương trình GDPT 2018.

Một số trung tâm đã xây dựng tốt thương hiệu tại địa phương được phụ huynh học sinh, cơ quan quản lý ghi nhận. Nhiều trung tâm đã chủ động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học, tổ chức thực hiện Chương trình GDTX.

Năm học 2023-2024: Bứt tốc để chuẩn bị về đích

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm học 2023-2024 trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Đây là năm học mà sau cố gắng trong cả một quá trình, chúng ta phải bứt tốc, để về đích trong năm học 2024-2025. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, tập trung cao độ.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tập trung cao độ thực hiện đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đặc biệt với các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí… Một trong những giải pháp là cần tập huấn thường xuyên, liên tục cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV; tăng cường hội giảng trao đổi kinh nghiệm như một số sở GD-ĐT đã triển khai có hiệu quả…

Theo Bộ trưởng, việc tăng cường tập huấn, hỗ trợ, chia sẻ, giám sát, dẫn dắt đối với đội ngũ hiệu trưởng các trường cũng rất quan trọng. Đây chính là “nhạc trưởng” của đổi mới ở cấp cơ sở, đội ngũ có tính chất quyết định trong đổi mới ở chiều sâu. Khi đội ngũ này thực sự thấu hiểu chương trình, thấu hiểu tinh thần đổi mới thì mới có thể tổ chức thực hiện hiệu quả.

Bộ trưởng cũng lưu ý cần hỗ trợ tối đa người học; hướng nghiệp, phân luồng phải bằng sự thuyết phục, tôn trọng lựa chọn của người học, không phải thực hiện cứng nhắc; lưu ý khi triển khai chương trình GDPT mới ở GDTX và nhấn mạnh việc chú trọng đổi mới với GDTX.

HOÀNG DƯƠNG 

;
.