Sáng 5/7, 619 học sinh (HS) đã tham dự bài khảo sát năng lực để dự tuyển vào lớp 6 nguồn Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu). Ngay sau đó, trên mạng xã hội, phụ huynh HS đã bày tỏ nhiều luồng ý kiến khi bài khảo sát năng lực tiếng Anh có 1 câu hỏi yêu cầu HS viết đoạn văn bằng tiếng Việt.
Cách ra đề mới
Ngay sau khi kỳ khảo sát năng lực để tuyển sinh lớp 6 nguồn khép lại, sáng 6/7, trên mạng xã hội, phụ huynh C.N. đã bày tỏ sự không đồng tình với cách ra đề khảo sát năng lực.
Theo phụ huynh này, Phương án tuyển sinh lớp 6 nguồn Trường THCS Nguyễn An Ninh năm học 2023-2024 nói rõ là: “khảo sát năng lực học sinh Tiểu học bằng tiếng Anh”. Những năm trước, HS cũng khảo sát hoàn toàn bằng tiếng Anh. Năm nay, ngoài những câu mà cả yêu cầu của đề bài và nội dung trả lời đều bằng tiếng Anh thì đề thi có một câu hỏi bằng tiếng Anh nhưng lại yêu cầu trả lời bằng tiếng Việt. Sự thay đổi này khiến HS lúng túng không biết phải xử lý thế nào. “Thật tội nghiệp cho các con…”, chị C.N. bày tỏ.
Học sinh trao đổi sau khi tham dự bài khảo sát năng lực tuyển sinh lớp 6 nguồn Trường THCS Nguyễn An Ninh. |
Xung quanh vấn đề này, nhiều người bày tỏ ý kiến trái chiều. Phụ huynh N.N. cho rằng, với câu hỏi này, HS phải xác định được mục đích, yêu cầu của đề và đưa ra đáp án bằng tiếng Việt là điều đương nhiên. Theo chị N., đề khảo sát phù hợp để tuyển chọn HS vào lớp nguồn và phụ huynh nói trên đang hiểu sai vấn đề.
Phụ huynh H.G. thì cho rằng: “Đề có câu yêu cầu trả lời bằng tiếng Việt này khác đề mọi năm một chút nhưng HS nắm vững tiếng Anh và hiểu đề thì làm được!”.
Một phụ huynh khác bày tỏ quan điểm: “Công văn ghi khảo sát năng lực bằng tiếng Anh và rõ ràng đề thi là tiếng Anh. Đề bằng tiếng Anh thì HS phải hiểu đề yêu cầu làm gì. HS làm theo đề chứ HS thì biết gì đến công văn chỉ đạo. Công văn cũng không ghi là: "HS buộc trả lời hoàn toàn bằng tiếng Anh kể cả khi đề ghi rõ viết bằng tiếng Việt".
Trả lời bằng tiếng Việt hay tiếng Anh đều được tính điểm
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu online về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Liên, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho biết, hàng năm, số lượng HS đăng ký vào lớp 6 nguồn Trường THCS Nguyễn An Ninh cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Kỳ tuyển sinh năm nay, có tới 623 hồ sơ đăng ký dự tuyển, trong khi chỉ có 190 chỉ tiêu/5 lớp. Do đó, TP.Vũng Tàu tổ chức tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết hợp khảo sát năng lực nhằm lựa chọn được những HS có năng lực tốt, bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh theo Phương án mà UBND thành phố đã ban hành.
Đề khảo sát năng lực có 1 câu khiến phụ huynh băn khoăn là câu đề bài trích dẫn 2 câu thơ trong bài thơ “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” và yêu cầu: “Read the poem and write a paragraph about the artistry, content and your feeling (about 100 words in Vietnamese). Yêu cầu của đề dịch ra có nghĩa là: Đọc câu thơ và viết một đoạn văn nêu nghệ thuật, nội dung và cảm nghĩ của em (khoảng 100 từ bằng tiếng Việt).
Kỳ tuyển sinh năm nay, có 623 hồ sơ đăng ký dự tuyển lớp 6 nguồn trên tổng số 190 chỉ tiêu. |
Theo bà Mai Liên, Phương án tuyển sinh cũng đã nêu rõ nội dung khảo sát là: “Vận dụng năng lực tổng hợp được hình thành sau khi học xong các môn học cấp Tiểu học (chủ yếu ở lớp 4, 5) để làm bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh”.
Như vậy, việc ra đề khảo sát như trên không chỉ đánh giá được năng lực đọc hiểu bằng tiếng Anh của HS mà còn khảo sát được năng lực tiếng Việt của các em. Đây là điều rất cần thiết.
Bên cạnh đó, đề khảo sát năng lực cũng bảo đảm các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng để phân loại học sinh. Câu hỏi nói trên thuộc phạm vi kiến thức mà HS được học ở chương trình Tiểu học, đồng thời là câu hỏi có tính phân loại năng lực cao.
Bà Mai Liên nhấn mạnh: “Sự đổi mới ở 1 câu trên tổng số 26 câu (chiếm tỷ lệ 3,8%) là sự điều chỉnh không quá lớn. Hơn nữa, theo Hướng dẫn chấm của đề khảo sát năng lực, HS trả lời bằng tiếng Anh vẫn được tính điểm như trả lời bằng tiếng Việt”.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI