Đất thiêng Côn Đảo

Thứ Hai, 17/07/2023, 14:49 [GMT+7]
In bài này
.

Khi chiếc máy bay loại nhỏ của VASCO từ Sân bay Tân Sơn Nhất lăn bánh trên đường băng sân bay Côn Đảo, Đoàn công tác Tuyên giáo của thành phố Đà Nẵng ai cũng háo hức lạ thường.

Đoàn công tác Tuyên giáo của TP.Đà Nẵng viếng Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Ảnh: ĐỨC NAM
Đoàn công tác Tuyên giáo của TP.Đà Nẵng chụp hình lưu niệm tại di tích trại Phú Hải, Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: ĐỨC NAM

Trong đời làm báo, tôi từng được đi đây đó, vậy mà có một nơi ao ước được đặt chân đến, mấy mươi năm qua vẫn chỉ là niềm mong mỏi chưa thành. Và mới đây, niềm mong mỏi đó mới thành hiện thực.

Địa ngục trong địa ngục

Côn Đảo là quần đảo tiền tiêu với tổng diện tích chừng 76km2 nằm phía đông nam nước ta gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý.

Với địa thế hiểm trở như vậy, năm 1858 Pháp xâm lược Việt Nam thì chỉ 3 năm sau, Pháp đặt vấn đề chiếm đóng Côn Đảo. Tiếp theo đó, năm 1862, thủy sư đô đốc Pháp Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, từng bước biến nơi đây thành “địa ngục trần gian”.

Du khách thăm quan Côn Đảo bằng đường hàng không. Ảnh: T.G
Du khách thăm quan Côn Đảo bằng đường hàng không. Ảnh: T.G

Đến thăm nhà tù Côn Đảo, tận mắt chứng kiến điều kiện sống của tù nhân, nghe thuyết trình về sự hà khắc dã man của nhà tù, mới thấm thía câu nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”.

Cựu tù Côn Đảo - Giáo sư Trần Văn Giàu - người đã từng trải qua nhiều nhà tù và cũng là người đọc nhiều sách xưa nay nói về nhà tù của vua chúa, thực dân, phát xít, đã khẳng định rằng, so với cái tàn ác của nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ - ngụy, thì nhà tù Hitler giống như cái ao cạn so với vực thẳm!

Nếu ở thời Pháp, mỗi tù nhân Côn Đảo bị tống vào xà lim rộng 3x3x1,5m, còng 1 chân thì cũng xà lim đó, thời Mỹ - ngụy nhốt tới 28 người, cửa đóng, lỗ thông hơi bịt kín, tù nhân bị còng tréo hai tay, hai chân. Ngày ngày bọn cai ngục đánh tù nhân tranh đấu bằng củi đòn, củi chẻ. Mây cà dông đánh mãi thì tả tơi, củi đòn củi chẻ đánh mãi không mòn, chỉ có sọ vỡ, thịt nát.

Ở Chuồng Cọp, ban ngày chúng đánh đập tù nhân dã man, ban đêm phân công nhau đứng trên rắc vôi bột và dội nước lạnh xuống, 10 đêm, 20 đêm rồi cả 30 đêm/tháng liên tục, thân xác con người nào mà chịu nổi.

Trại tù xây thời Mỹ - ngụy chọn khu vực thấp trũng, thường xuyên đọng nước, ẩm thấp, xà lim chật chội để nhốt nhiều tù nhân nhưng chỉ để một thùng gỗ đựng, chất thải lâu ngày không đổ. Tù nhân loay hoay trong bóng tối làm thùng gỗ ngã đổ tràn chất thải ra chỗ nằm.

Cùng với những đòn tra tấn dã man diễn ra hằng ngày, các cánh cửa tù làm bằng sắt, cứ mỗi trưa hoặc nửa đêm, lính canh tù đi qua liên tục dập mạnh tai khóa inh tai nhức óc. Sự hành hạ về thể xác và tinh thần như vậy thật khó ai có thể tưởng tượng nổi.

Cựu tù Trần Văn Giàu đúc kết: “Nếu như nhà tù Côn Lôn thời Pháp thuộc đã là địa ngục ở trần gian rồi, thì đến thời Mỹ - ngụy, đó chính là địa ngục trong địa ngục. Và nói vậy cũng chưa vừa!”.

Không phải chỉ để thỏa mãn thú tính, sự hành hạ tàn ác ấy với mục đích sâu xa hơn: để chiến sĩ cách mạng phải chịu ký tên “ly khai Đảng Cộng sản”.

Nhưng mục đích ấy đã thất bại. Hết thời Pháp thuộc rồi đến thời Mỹ - ngụy muốn biến đến nơi đây thành “địa ngục trần gian” hòng khuất phục người chiến sĩ cộng sản, nhưng cũng chính nơi đây lửa đã thử vàng, là nơi nghĩa tình đồng chí đồng đội tỏa sáng hơn bao giờ hết, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của khí tiết cộng sản, của nhân cách Việt Nam.

Du khách thăm quan Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: NHÂN ĐOÀN
Du khách thăm quan Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: NHÂN ĐOÀN

Những tấm gương anh hùng

Ở nhà tù Côn Đảo, thời Mỹ - ngụy, số tù nhân cao điểm lên đến 10.000 người, trong đó một nửa là tù chính trị với biết bao tấm gương hy sinh anh dũng. Câu chuyện về đồng chí Lưu Chí Hiếu xúc động bao người.

Năm 1955, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Bị đày ải và tra tấn rất dã man nhưng đồng chí luôn sát cánh với những chiến sĩ kiên trung đấu tranh kiên cường. Khi ở Chuồng Cọp xuất hiện tư tưởng thỏa hiệp, muốn “nhượng bộ một phần để cứu mạng sống”, đồng chí Hiếu giữ vững lập trường: “Các anh bàn gì thì bàn, nhưng đừng bàn chuyện ly khai Đảng”.

Trước phản kháng quyết liệt của các chiến sĩ cộng sản, mùa Đông năm 1961, chúng khiêng hàng chục khạp nước lạnh, vôi bột lên chuồng cọp xối xuống đầu các chiến sĩ chống ly khai suốt ngày đêm. Những trận đòn roi không ngừng cùng với chế độ ăn uống kham khổ đã dần làm cơ thể người tù cộng sản suy sụp. Đêm 24/12/1961, đồng chí Lưu Chí Hiếu đã anh dũng hy sinh.

Cùng với ý chí trung kiên bất khuất, tình yêu thương đồng chí của người cộng sản chốn lao tù thật thiêng liêng, cao đẹp. Tháng 8/1976, trong chuyến thăm và làm việc tại Côn Đảo, đồng chí Lê Duẩn (cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) kể câu chuyện cảm động về cái chết của đồng chí Vũ Văn Hiếu, sinh năm 1907, quê quán tỉnh Nam Định.

Bị bắt đày ra Côn Đảo lần thứ nhất vào năm 1931, sau khi địch thả về, đồng chí Hiếu tiếp tục tham gia cách mạng. Tháng 1/1940, đồng chí lại bị bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn.

Năm 1941, đồng chí Hiếu bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai, bị giam ở Banh 2 cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh. Bệnh lao tái phát, hành hạ, biết mình không sống nổi vì đã kiệt sức, được bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí Hiếu quyết định sẽ trao áo lại cho đồng chí mình.

Một hôm, tranh thủ khi gặp đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Hiếu cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn và nói: “Tao sắp chết rồi, tao nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ Đảng đến phút cuối cùng, tao có chết trần truồng cũng không sao, áo đây mày mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng”.

Đồng chí Lê Duẩn từ chối, nhưng đồng chí Hiếu vẫn khăng khăng không chịu, đồng chí bảo: “Tao nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tao còn cống hiến được cho Đảng, sao mày không nhận?”.

Và đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi đời. Tấm gương sáng ngời về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, tình cảm cao đẹp của tình bạn bè, tình đồng chí đã trở thành hình tượng thật đẹp đẽ, xúc động trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu: “Chết nằm xuống, còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn, quên đau/ Chết còn trút áo trao nhau/ Chén cơm dành để người sau ấm lòng!”.

Và đến Côn Đảo, người nữ Anh hùng luôn được nhắc đến là chị Võ Thị Sáu, sinh ra, lớn lên tại quê hương Đất Đỏ. Cuộc đời của chị đã trở nên bất tử với những huyền thoại. 

Hoạt động cách mạng bị lộ, năm 1952, bị đày ra Côn Đảo, chị Võ Thị Sáu được kết nạp Đảng và công nhận là đảng viên chính thức ngay đêm trước khi hy sinh. Bị địch bắt, tra tấn và đến giây phút cuối cùng, chị Sáu luôn chứng tỏ bản lĩnh bất khuất của chiến sĩ cộng sản.

7 giờ sáng ngày 23/1/1952, chị bị xử bắn tại Côn Đảo khi mới 19 tuổi. Ra pháp trường, chị Sáu kiên quyết: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng”.

Đoàn viên thanh niên dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: NHÂN ĐOÀN
Đoàn viên thanh niên dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: NHÂN ĐOÀN

Sức sống vươn mình mạnh mẽ

Chiều muộn hôm ấy, đoàn chúng tôi đến dâng hương Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu và gần 2.000 Anh hùng liệt sĩ Bắc - Trung - Nam, trong đó có nhiều ngôi mộ tập thể và phần lớn là mộ khuyết danh. Mỗi ngày, hàng ngàn người từ mọi miền đất nước tìm về đây để thắp hương, thắp nến tri ân.

Sau lễ viếng của đoàn Đà Nẵng, đoàn cán bộ từ phía Bắc tề tựu nghiêm trang bên mộ chị Võ Thị Sáu. Qua phút mặc niệm, đoàn đồng ca bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu: Mùa hoa lê-ki-ma nở/ Ở quê ta miền đất đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở/ Đời sau vẫn còn nhắc nhở/ Sông núi đất nước ơn người anh hùng/ Đã chết cho đời sau…”.

Bài hát vang vọng giữa nghĩa trang chiều, âm dương như quyện theo nén hương cháy đỏ. Tôi đinh ninh người nữ anh hùng Võ Thị Sáu cùng các anh hùng, liệt sĩ đang lắng nghe, đang cảm nhận trọn vẹn tấm lòng của bao người con quê hương Việt Nam ngày ngày tìm về với vùng đất thiêng.

Những người từng đến Côn Đảo, khi được hỏi đều có chung niềm xúc động, tự hào khi được đến đây trong cuộc đời họ. Từ Côn Đảo trở về, hành trang của mỗi người không chỉ là những câu chuyện tâm linh, giai thoại, mà quan trọng hơn là được tiếp nguồn năng lượng.

Từ “địa ngục trần gian”, mầm sống đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành năng lượng quý báu, đẹp đẽ, là hiện thân của tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng kiên trung bất khuất, của tình yêu thương thắm thiết với đồng chí, đồng đội giữa lằn ranh sinh tử và mong ước cháy bỏng về nền hòa bình, tự do, độc lập cho đất nước.

Trong niềm tri ân sâu sắc về những mất mát, hy sinh của bao thế hệ đi trước, mỗi người sẽ thấu hiểu giá trị của cuộc sống hôm nay, từ đó có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, thử thách với niềm khát khao cống hiến để xây dựng đất nước Việt Nam vươn tới mạnh giàu cho hôm nay, cho mai sau.

Chiến tranh lùi xa, “địa ngục trần gian” đã trở thành quá khứ. Côn Đảo bây giờ xanh mướt cây lá, êm ả và bình yên. Đi trong tĩnh lặng, có thể nghe được tiếng sóng vỗ, tiếng gió rì rào hàng dương. Thị trấn lắng lại trong mỗi người bao cảm xúc với những dãy phố hiền hòa, những con đường rợp bóng cây bàng. Những cây bàng ở Côn Đảo đã hơn 100 năm tuổi, thân cây phải hai, ba người ôm không xuể, lớp vỏ dày nâu sậm xù xì qua bao năm tháng chống chọi phong ba, chứng kiến bao thăng trầm đổi thay ở vùng đất thiêng, đang đứng vững vàng, hiên ngang tỏa bóng mát xuống đời.

NGUYỄN ĐỨC NAM

;
.