Hỏi: Thưa bác sĩ, cách đây 3 năm, nghe theo bạn bè, tôi đã tiêm silicon vào mặt để làm đẹp. Nay nghe nói nó sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nên tôi có cần lấy nó ra không và lấy bằng cách nào? Xin cảm ơn bác sĩ.
(thanhxuan@…, phường 8, TP.Vũng Tàu)
Trả lời: Trên thị trường, silicon có 2 loại là silicon công nghiệp và silicon y khoa, xuất hiện dưới nhiều hình thức như silicon lỏng, silicon dầu, silicon dẻo, silicon cứng…
Silicon công nghiệp chủ yếu dùng trong các ngành xây dựng, linh kiện ô tô, tàu thủy, máy bay cùng một số đồ vật sinh hoạt thường ngày. Ngoài ra, nó còn là thành phần chính của chất bán dẫn điện tử.
Khác với silicon công nghiệp, silicon y khoa là hỗn hợp pha trộn giữa oxygen cùng các nguyên tố carbon, hydrogen theo một tỉ lệ nhất định. Nó được dùng để làm đầy nếp nhăn, vết sẹo rỗ, nâng cao sống mũi, ngực, má, cằm, mông...
Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu kéo dài hàng chục năm sau đó trên những người đã tiêm silicone cho thấy: Silicon lỏng sau khi tiêm vào người sẽ theo các thớ cơ lan toả đến các vùng lân cận, gây ra những biến chứng nặng nề như xơ hóa, nhiễm trùng, đổi màu da, vón cục, sưng tấy và thậm chí là ung thư, chưa kể silicon lỏng còn có thể theo hệ tuần hoàn vào phổi, gây thuyên tắc mạch máu phổi dẫn đến tử vong. Vì thế, từ năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cấm tiêm silicon lỏng vào người.
Nhằm đáp ứng như cầu làm đẹp, các nhà y học chuyển sang hình thức khác. Để nâng cao bộ ngực chẳng hạn, thay vì tiêm trực tiếp silicon, người ta dùng một chiếc túi cũng bằng silicon chứa nước muối sinh lý đặt vào ngực. Loại túi silicon này có ưu điểm là không thẩm thấu vào mô, cơ, không gây biến chứng và khi cần lấy ra thì khá dễ dàng. Theo ước tính, hiện có gần 900 triệu phụ nữ trên toàn thế giới đã làm đẹp bằng túi silicone, phần lớn là nâng mũi, nâng ngực, làm đầy đặn khuôn mặt, mu bàn tay…
Vì thế, nếu đã lỡ tiêm silicon lỏng vào mặt, chị nên theo dõi sát sao những hiện tượng thay đổi trên da mặt, chẳng hạn như da chuyển sang màu đỏ hoặc xạm đen, da trở nên chai cứng hoặc nổi cục, đau hoặc ngứa ở vùng tiêm, xuất hiện mụn bọc có mủ… để có hướng giải quyết kịp thời.
Hiện tại, chỉ có một phương pháp duy nhất để lấy silicon lỏng ra khòi da là mổ nhưng hầu như không thể lấy sạch vì silicon lỏng đã theo các thớ cơ lan toả đến các vùng lân cận. Hơn nữa, việc mổ xẻ ít nhiều cũng làm biến dạng khuôn mặt.
Nếu đã lỡ tiêm, cách tốt nhất hiện nay là giữ cho da mặt luôn sạch sẽ. Hạn chế sử dụng mỹ phẩm vì nó có thể làm bít lỗ chân lông, gây tắc tuyến bã, dễ nhiễm trùng. Tuyệt đối không sờ, nắn, bóp vùng tiêm vì sẽ khiến silicon lan rộng.
Với những chị em đang có ý định tiêm silicon lỏng để làm đẹp, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định nhưng tốt hơn hết là không nên tiêm, nhất là tiêm bởi những người đi tiêm dạo. Cho dù có thể sẽ không xảy ra tai biến gì chăng nữa nhưng sau này khi lớn tuổi, da mặt lão hóa, nhăn nheo nhưng vùng da tiêm silicon vẫn căng tròn thì không ổn lắm về mặt thẩm mỹ.
BS. NGUYỄN VIẾT SƠN
(Phòng khám Da liễu Bệnh viện Sơn, TP.HCM)