Bát phở yêu thương
Dù ở nhà trọ và phải thuê mặt bằng để mở quán nhưng bà Nguyễn Thị Hợi (54 tuổi), chủ quán phở Hải (30 Tôn Thất Tùng, phường 7, TP.Vũng Tàu) vẫn dành những “bát phở yêu thương” cho người khó khăn hơn mình.
Bà Nguyễn Thị Hợi, chủ quán phở Hải chuẩn bị “bát phở yêu thương” phục vụ khách. |
Phở 5.000 đồng cho người nghèo
7 giờ 30 sáng thứ 5, quán phở Hải (Hà Nội quán) đông hơn ngày thường bởi ngoài những vị khách quen thuộc nay có thêm những người mới lần đầu đến quán. Họ là những người làm nghề thợ hồ, bán vé số, ve chai, công nhân lao động… Bà Phạm Thị Hồng Ngọc (68 tuổi) tới quán khá sớm. Sau khi nhìn kỹ tấm bảng “bát phở yêu thương 5.000 đồng/suất” được dán ở tường, bà Ngọc chần chừ trước quán một lúc rồi mới dám gọi: “Cho tôi xin một bát phở yêu thương”.
Một tô phở bò đầy đặn, còn bốc khói nghi ngút được nhân viên của quán bê ra và nói: “Dạ, phở của bà đây ạ”. Bà Ngọc vừa ăn vừa xuýt xoa “ngon quá”. Bà Ngọc cho hay, bà làm nghề thu mua ve chai, thu nhập không được bao nhiêu nên rất lâu rồi chưa được ăn một tô phở đàng hoàng. “Đi rạc chân cả ngày được bao nhiêu tiền đâu, một tô phở ít nhất cũng 30-35 ngàn đồng nên tui không dám ăn. Thèm thì mua một bịch phở gói 8.000 đồng về chế nước sôi, ăn đã ngon rồi. Hôm nay được ăn tô phở có thịt bò, bánh phở tươi, nước lèo ngọt như này mà có 5.000 đồng thôi”, bà Ngọc xúc động nói.
Ông Lương Văn Nhân thưởng thức “bát phở yêu thương” tại quán phở Hải. |
Ở bàn bên cạnh, ông Lương Văn Nhân (trọ tại 176 Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) cũng đang thưởng thức “bát phở yêu thương” hương vị Hà Nội. Ông Nhân cho biết, nghe con trai nói thứ 5 hàng tuần quán có bán phở với giá chỉ 5.000 đồng/suất nên thay vì ăn cơm sáng ở nhà, ông Nhân đến thưởng thức món phở. Ông Nhân làm nghề sửa xe máy, thu nhập không cao, để có tiền nuôi vợ, con và trả tiền thuê nhà hàng tháng đã vất vả nên bản thân ông cũng chẳng mấy khi được ăn ngon. “Tô phở 5.000 đồng mà tử tế, tươm tất. Tôi ăn no căng bụng”, ông Nhân nhận xét.
Tấm lòng sẻ chia
Bà Nguyễn Thị Hợi, chủ quán phở Hải cho biết, bà quê ở Hà Nội, đến TP.Vũng Tàu sinh sống và mở quán phở đã hơn 10 năm nay. Tại địa chỉ 30 Tôn Thất Tùng (phường 7), bà Hợi thuê 6 triệu đồng/tháng, tầng trên gia đình ở, tầng dưới bà mở quán bán phở. “Cuộc sống gia đình tôi không dư dả, vẫn chưa có nhà cửa ổn định nhưng mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người nên tôi muốn làm chương trình bát phở yêu thương để mang đến những tô phở thơm ngon cho những người lao động nghèo”, bà Hợi tâm sự.
Vậy là 3 tuần qua, cứ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ và chiều từ 16 giờ đến 20 giờ thứ 5 hàng tuần, quán lại mang những “bát phở yêu thương” cho người khó khăn. Theo bà Hợi, trung bình mỗi ngày quán bán hơn 100 tô. Để có được những “bát phở yêu thương”, thứ 5 hàng tuần bà chuẩn bị thêm 20-30 tô nữa. Vì vậy, bà phải dậy từ 3 giờ sáng và trưa thứ 5 cũng không kịp nghỉ ngơi để buổi chiều vẫn có những bát phở yêu thương cho những người buổi sáng còn chưa kịp thưởng thức.
Thấy việc làm của bà ý nghĩa, cậu con trai Hà Nhật Hải Long (27 tuổi) cũng không nề hà, dậy sớm phụ mẹ nhặt rau, thái thịt, bưng bê phục vụ khách… Anh Long nói: “Bát phở là tâm niệm muốn san sẻ yêu thương của mẹ tôi đến với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nhìn mẹ tôi chăm chút từng bát phở, nhìn những người lao động vất vả vui mừng khi được thưởng thức một tô phở nóng hổi mà có lẽ lâu lắm rồi họ mới được ăn, thì những phụ giúp của tôi trở nên quá bé nhỏ”.
Bà Hợi cho biết thêm, nếu không lấy tiền thì khách hàng sẽ ngại không dám ăn, 5.000 đồng/tô là mức giá tượng trưng để người khó khăn thấy họ đang ăn tô phở mà họ trả tiền chứ không phải xin ai. “Tôi làm tô phở phục vụ họ không chỉ bằng mức giá yêu thương mà hơn cả là bằng tấm lòng sẻ chia”, bà Hợi chia sẻ.
Quán phở Hải bán nhiều loại phở như phở bò, phở gà, phở sốt vang, phở trộn, phở cuốn, phở chiên phồng… với hương vị phở Hà Nội. Mỗi tô có mức giá từ 35-50 ngàn đồng. Tuy nhiên, chương trình “bát phở yêu thương” dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn chỉ tính 5.000 đồng/tô mà vẫn đầy đủ như những tô phở bình thường khác. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ