Áp lực đến từ… "một nửa"!
Thật lạ lùng có những đôi vợ chồng, khi nhìn thấy họ bao giờ ta cũng nghĩ đến hai từ “hạnh phúc”. Bởi vì không những nhà cửa khang trang mà họ đều nghề nghiệp ổn định, con cái lại lễ phép ngoan ngoãn. Bởi vì không bao giờ hàng xóm nghe tiếng vợ chồng họ cãi cọ nhau. Đã thế họ còn “xứng đôi vừa lứa” vì anh chồng cao ráo đẹp trai, lịch thiệp, biết lễ phép với người trên, biết quan tâm đến trẻ nhỏ trong khu phố; còn cô vợ trắng trẻo xinh xắn, miệng luôn cười tươi như hoa lúc chào hỏi bà con chòm xóm.
Minh họa: MINH SƠN |
Vâng, họ rất hạnh phúc và nhiều người cũng mơ gia đình mình được êm ấm như thế. Thế nhưng thật kỳ lạ, gần đây không chỉ một lần mà nhiều lần người chồng qua nhà tôi uống trà. Chính vì như thế mối quan hệ của tôi và anh ấy dần dần trở nên thân thiết hơn trước. Cả hai cùng tâm sự những câu chuyện mà nếu không thân tình, người ta khó có thể nói cho nhau nghe.
Hôm nào anh mang bộ mặt rầu rầu qua nhà tôi, vừa uống xong chén trà, anh nói ngay: “Tôi bị áp lực quá không biết chia sẻ với ai đây?”.
Nghe câu nói ấy, vốn... cũng thông minh nên tôi nói chắc công việc ở cơ quan có gì trục trặc chăng? Có thể do không hoàn thành nhiệm vụ nên bị trừ tiền thi đua, tiền thưởng hàng tháng, đã thế còn bị sếp hăm he hạ bậc lương chứ gì? Do nghĩ thế nên tôi an ủi: “Đi làm việc nhà nước, hoặc các công ty thì bao giờ cũng thế, không áp lực này thì cũng áp lực kia, chuyện đó bình thường thôi. Việc gì phải nghĩ ngợi, lăn tăn cho mệt cái đầu?”. Những tưởng nghe lời nói ấy, anh sẽ gật gù đồng ý nhưng anh trả lời ngay: “Không phải đâu tôi bị áp lực là do… vợ của mình”.
Ủa có chuyện gì thế nhỉ?
Sau khi nghe anh kể, tôi nhận ra không phải riêng cá nhân anh, mà tôi và bạn cũng có thể rơi vào trong hoàn cảnh này. Rằng, bạn tôi cho biết vào một ngày đẹp trời, bỗng dưng cô vợ đòi chồng đổi xe mới, đòi mua sắm nhiều thứ đắt tiền. Tại sao? Cô nói: “Chồng của bạn em vừa sắm cho nó chiếc xe mới cáu cạnh, đã thế còn mua tặng cái giỏ xách hàng hiệu nữa. Ước gì anh cũng như chồng người ta thì hay quá”.
Tâm lý của người ta kể ra cũng lạ hay đem chồng mình ra so sánh với người khác. Thế nhưng họ không nghĩ rằng, hoàn cảnh của mỗi người không giống nhau từ công ăn việc làm đến thu nhập kinh tế. Dù có thương vợ, muốn vợ mình cũng được như thế nhưng “lực bất tòng tâm” thì làm sao đây? Thẳng thừng từ chối e khó nói, vậy là nỗi lo cứ canh cánh trong lòng, một khi không giải quyết được nhu cầu đó thì chính nó lại tạo ra áp lực. “Nếu vợ tôi không có suy nghĩ đó, vẫn hài lòng với những gì đã và đang có thì cuộc đời tươi đẹp biết bao nhiêu”.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Điên tiết nhất vẫn là những câu nói dù thật, dù đùa, dù dịu dàng, dù cà khịa thì nghe cũng cáu tiết. Đại khái, “Anh xem kìa, cô X may phước quá, chắc kiếp trước có tu hay sao mà được chồng mua sắm cho nhiều thứ ghê”. Nói xong, bèn kể ra hàng loạt thứ rồi chép miệng thở ngắn thở dài: “Phải chi anh cũng tài ba lỗi lạc như chồng cô X thì mẹ con em sung sướng biết bao nhiêu”.
Câu nói ấy đúng hay sai?
Tôi nghĩ không sai. Chỉ có điều tội nghiệp cho người đàn ông nếu họ đã nỗ lực hết sức mình. Và, biết đâu trong thâm tâm họ cũng ao ước như thế, cũng mơ như thế nhưng rồi “lực bất tòng tâm”. Vậy phải làm sao? Cô vợ không thấu cảm lại nói bóng gió xa gần thì tội nghiệp quá. Dù vậy, quan điểm của tôi vẫn là tạo áp lực cho người đàn ông - người chồng, nhưng nếu cứ đem “chồng người ta” làm “chuẩn mực” thì đó mới là áp lực quá hớp - dù trong hoàn cảnh nào, giàu hoặc nghèo thì người đàn ông nào cũng méo mặt như chơi. Không khéo lúc đuối quá, họ bèn “bỏ của chạy lấy người” khiến mất “cả chì lẫn chài”.
Tôi lại nhớ đến một chi tiết trong truyện ngắn của Nam Cao, khi ở trong hoàn cảnh nghèo, bị quá nhiều áp lực phải kiếm tiền trong ngày, người chồng không thể nào lo cho vợ con nên tự chì chiết: “Anh... anh... chỉ là... một thằng... khốn nạn”. Cô vợ an ủi: “- Không!... Anh chỉ là một người khổ sở! Chính vì em mà anh khổ”.
Với câu trả lời chan chứa sự cảm thông này, tôi nghĩ, đối với người đàn ông- người chồng không còn thấy gánh nặng của áp lực nữa. Nó trở nên nhẹ hơn. Nói như thế vì trên đời này, một trong những nỗi khổ tâm, áp lực lớn nhất của đấng mày râu không phải thu nhập cao hay thấp, giàu hay nghèo mà chính là lúc người “đầu ấp tay gối” không cảm thông mà đem mình ra so sánh với “chồng người ta”.
LÊ MINH QUỐC