Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường, đái đường) là bệnh gây ra bởi rối loạn chuyển hóa chất đường trong máu khiến lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn bình thường.
Kiểm tra đường huyết thường xuyên là biện pháp nhằm phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ. |
Với người khỏe mạnh thì khi xét nghiệm, chỉ số đường huyết lúc đói thường dưới 110 mg/dl. Từ 126mg/dl trở lên là có dấu hiệu tiểu đường. Có 2 loại bệnh lý tiểu đường là tiểu đường loại 1 (type 1) và tiểu đường loại 2 (type 2).
Tiểu đường loại 1 có nguyên nhân tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây giảm tiết chất insulin hoặc không tiết ra insulin khiến lượng insulin trong máu rất ít, không thể điều hòa lượng đường trong máu, phần lớn xảy ra ở trẻ em và những người dưới 20 tuổi.
Tiểu đường loại 2, insulin ở tuyến tụy vẫn tiết ra bình thường nhưng khả năng điều hòa lượng đường trong máu giảm hoặc không điều hòa được. Bệnh phổ biến ở những người trên 40 tuổi.
Ngoài 2 loại trên, tiểu đường còn có 1 loại chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai, gọi là tiểu đường thai kỳ. Ở những người này, nhau thai sẽ tạo ra các chất nội tiết nữ như estrogen, progesterone, tác động vào các thụ thể insulin ở tế bào đích làm tăng đề kháng insulin. Nếu tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để vượt qua sự đề kháng này, sẽ dẫn đến tích tụ đường trong máu, gọi là tiểu đường thai kỳ.
Các dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ
Mặc dù tiểu đường thai kỳ có thể sẽ hết sau khi sản phụ sinh con nhưng sản phụ cần được theo dõi và điều trị trong suốt thời gian mang thai để tránh các biến chứng xấu ảnh hưởng đến mẹ và bé.
Tiểu đường thai kỳ thường có những dấu hiệu sau:
Tiểu nhiều lần trong ngày, mệt mỏi, mờ mắt, khát nước liên tục, tăng cân quá nhanh, có người thân (cha mẹ, anh chị em…) mắc bệnh tiểu đường loại 2, trước khi mang thai có lượng đường trong máu cao nhưng chưa đủ để kết luận là đã bị tiểu đường (hiện tượng này được gọi là tiền tiểu đường), có tiền sử mắc bệnh tiểu đường ở lần mang thai trước, trên 35 tuổi, từng sinh con nặng hơn 4kg, từng bị thai lưu, sinh con dị tật, sinh non, đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ, thực hiện trong khoảng thời gian từ tuần thứ 24 đến 28 của tuổi thai.
Những biến chứng khi bị tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thai phụ mà còn tiềm ẩn một số nguy cơ cho em bé, chẳng hạn như thai nhi tăng trưởng quá mức, thai to (trẻ chào đời nặng hơn 4kg), sinh non hoặc phải can thiệp để sinh sớm hơn vì thai quá lớn, thai bị dị tật, đôi khi trẻ chào đời với lượng đường trong máu quá thấp gây hạ đường huyết, co giật nghiêm trọng, tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh, nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường loại 2 khi trưởng thành. Ngoài ra tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến thai nhi tử vong trước hoặc ngay sau khi sinh.
Với thai phụ, biến chứng tiểu đường có thể gây ra cao huyết áp và tiền sản giật. Đây là 2 biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ, đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. Nó làm tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 khi lớn tuổi.
Điều trị và phòng ngừa
Trong quá trình mang thai, nếu đã được chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ, bà bầu cần thực hiện nhưng bước sau:
Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý mua thuốc tiểu đường về sử dụng.
Tuân thủ chế độ ăn dành cho người bệnh tiểu đường theo bàng hướng dẫn của bác sĩ. Chế độ này đáp ứng việc duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn nhưng vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi và duy trì cân nặng hợp lý.
Tập thể dục hàng ngày bằng những bài tập mà ngành y soạn riêng cho thai phụ, thường từ 15 đến 30 phút. Điều này giúp cơ thể thai phụ sản xuất và sử dụng insulin hiệu quả hơn, từ đó kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Nếu có điều kiện, nên mua máy thử đường huyết và tự kiểm tra theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc này nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị, xem cơ thể bạn có đáp ứng tốt với phác đồ của bác sĩ hay không.
Hầu hết lượng đường trong máu của thai phụ sẽ giảm xuống sau khi sinh con. Tuy nhiên vẫn có từ 30 đến 50% phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai rồi phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2. Vì thế bác sĩ sẽ đề nghị thai phụ xét nghiệm đường huyết từ 4 đến 12 tuần sau khi sinh để theo dõi khả năng phát triển bệnh tiểu đường.
Cần lưu ý rằng không có biện pháp nào có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường khi mang thai nhưng nếu bạn tuân thủ những vấn đề đã nêu ở trên, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể.
BS NGUYỄN GIANG HỒNG
(Nguyên Trưởng khoa Sản, BV Quận 3 TP.HCM)