Nói mớ có phải là bệnh hay không?

Thứ Sáu, 23/06/2023, 17:08 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi năm nay 27 tuổi, sức khỏe bình thường và chưa lập gia đình nhưng theo người nhà kể lại là khi ngủ, tôi thường xuyên nói mớ, lúc nói nhỏ, lúc nói lớn. Vậy tôi có bị bệnh gì về thần kinh hay không?

Trả lời: Nói mớ (hay còn gọi là nói mơ) là hiện tượng tự nhiên trong giấc ngủ của nhiều người, phát xuất từ những giấc mơ mà người ấy gặp phải trong khi ngủ. Có người chỉ thì thầm khi nói mớ nhưng cũng có người nói rất lớn, thậm chí la hét, khóc lóc nếu giấc mơ ấy là ác mộng.

Trung bình người trưởng thành ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ được chia thành 2 chu kỳ lớn, đó là NREM và REM. Chu kỳ NREM lại chia làm 4 chu kì nhỏ là ngủ lơ mơ, tiếp theo đến ngủ nông, ngủ sâu rồi ngủ rất sâu. Xen kẽ giữa các chu kỳ này là giấc ngủ REM, tuy ngủ nhưng mắt vẫn chuyển động dù đã nhắm.

Giấc mơ khi ngủ thường xuất hiện trong chu kỳ REM. Theo các chuyên gia thần kinh, nó có thể là những ảo giác xảy ra trong một số giai đoạn của giấc ngủ dựa theo những gì ban ngày ta đã nhìn thấy, nghe thấy hoặc do tập trung suy nghĩ về một chuyện gì đó trước lúc ngủ. Sau khi tỉnh giấc, ta có thể nhớ toàn bộ, nhớ một phần hay quên hết giấc mơ ấy.

Cho đến nay, ngành tâm thần học vẫn chưa hoàn toàn chứng minh được vai trò của giấc mơ khi ngủ, chẳng hạn như mơ thấy mình tắm sông mặc dù từ lúc sinh ra cho đến lúc nằm mơ, người ấy chưa hề tắm sông bao giờ.

Nhưng cũng có những giấc mơ hình thành bởi những gì đã nhìn thấy, chẳng hạn như mơ thấy lửa sau khi chứng kiến một vụ cháy nhà, mơ thấy bị cá sấu tấn công sau khi xem chương trình truyền hình nói về động vật hoang dã.

Bác sĩ Sigmund Freud, bậc thầy về phân tâm học giải thích: Khi ngủ mơ, hạch hạnh nhân trong não là bộ phận hoạt động nhiều nhất. Nó là cách giúp não bộ phản ứng với những gì đang diễn ra trong giấc mơ, thể hiện qua việc cử động chân tay, nói thầm, nói ú ớ không thành câu hoặc vùng vẫy, la hét (dân gian gọi là bị bóng đè).

Vẫn theo bác sĩ Sigmund Freud, ngành tâm thần học chia giấc mơ thành 2 dạng. Một là nằm mơ thấy những chuyện vui (mơ đi du lịch, mơ thấy người yêu, mơ trúng số…), người mơ bật cười khanh khách hoặc hoa chân múa tay, hoặc nói những câu rời rạc nhưng có liên quan đến giấc mơ rồi khi tỉnh dậy, người mơ chỉ nhớ được một phần của giấc mơ hoặc quên hẳn.

Dạng nằm mơ thứ 2 là ác mộng. Người mơ thấy những chuyện khủng khiếp đang xảy ra chung quanh mình hoặc đổ xuống đầu mình khiến người đó la hét, cào cấu, thậm chí ngồi bật dậy, khóc. Khi tỉnh lại, người mơ nhớ rất rõ giấc mơ nên về mặt tâm lý, nó gây ra hiện tượng lo lắng sợ hãi.

Ác mộng cũng có thể xuất hiện do gặp những chuyện căng thẳng, bất hạnh trong đời sống hoặc đôi khi là phản ứng với một số loại thuốc. Theo khảo sát, mỗi người sẽ gặp một vài cơn ác mộng trong suốt cuộc đời nhưng nếu gặp ác mộng thường xuyên thì đó là dấu hiệu của hội chứng rối loạn giấc ngủ, cần thăm khám và điều trị.

Ngoài mơ vui, mơ ác mộng, còn có một hình thức nữa là mơ thấy người thân, quen đã mất. Các khảo sát cho thấy người gặp phải giấc mơ này có lòng tiếc thương với người thân, quen, của mình, hoặc chịu ơn sâu nặng, hoặc có những lỗi lầm nào đó với người đã khuất mà chưa kịp sửa chữa khi người ấy còn sống. Ám ảnh dai dẳng về lòng thương tiếc hay ân hận hình thành nên giấc mơ.

Vì thế, dấu hiệu nói mớ trong khi ngủ của bạn là hình thức phản ứng với giấc mơ. Nó hoàn toàn không nguy hiểm gì nên không cần phải điều trị. Để hạn chế, bạn nên xem lại cách sống của mình vì thiếu ngủ kéo dài hoặc quá mệt mỏi, lo lắng, buồn rầu hoặc quá hưng phấn cũng có thể gây ra chuyện nói mớ lúc nằm mơ.

Bác sĩ LÊ DUY

(BV Tâm Trí TP.HCM)

;
.