Tôi rời quân ngũ, xa tờ báo lính nhiều gắn bó, chọn thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp, nắng ấm quanh năm để lập nghiệp khi bước vào tuổi 38, đúng thời điểm chuẩn bị phong cấp hàm trung tá, sự nghiệp đang thuận lợi, đang được Báo Quân đội Nhân dân quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Đường Quang Trung-Hạ Long (Bãi Trước, Vũng Tàu). Ảnh: HOÀI ÂN |
Yêu quân đội, nơi đã rèn giũa mình nên người, khi tới Vũng Tàu, tôi đã chủ động gặp tướng Nguyễn Minh Ninh (Năm Ninh), Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đứng nghiêm chào theo điều lệnh quân đội, có phần tếu táo:
- Báo cáo, xin được gặp Tướng quân 30 phút!
Ông cười vui:
- Chào nhà báo, gặp nhau 60 phút rồi ta đi lai rai!
Chúng tôi siết chặt tay nhau theo phong cách Nam bộ, cười hồ hởi, chuyện nổ như ngô rang. Trước mặt tôi là người lính chiến trong trận đánh nổi tiếng chiến dịch Bình Giã tháng 12/1964. Lúc đó, 2 trung đoàn chủ lực phối hợp với dân quân du kích địa phương tấn công ấp chiến lược Bình Giã trên hương lộ 327, cách thị trấn Bà Rịa 18km về phía Bắc. Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Nguyễn Minh Ninh, vị tướng mà tôi tìm gặp đầu tiên khi tới Vũng Tàu chính là một trong những người lính chiến tham gia trận đánh nổi tiếng Bình Giã năm xưa.
Năm 1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập, trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo với 3 huyện của tỉnh Đồng Nai. Tướng Nguyễn Minh Ninh được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (lâm thời). Một thời gian ngắn, sau khi ổn định tổ chức, ông chính thức được Đại hội Đảng bộ bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, HĐND bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh. Vốn là người lính chiến xông pha trận mạc, ông bắt tay ngay vào công việc mới với niềm tin, khát vọng và trách nhiệm cao nhất. Điểm mạnh ở ông là lòng nhiệt huyết, miệng nói tay làm, con người của hành động, của công việc. Cái khó của ông là chưa được đào tạo cơ bản kiến thức quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa - xã hội. Cấp trên nói: “Thôi thì vừa làm vừa học, dựa vào tập thể và các chuyên gia, miễn là có tấm lòng, trong sáng, dám chịu trách nhiệm đến cùng với dân”.
Có thể nói trong những năm đầu thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công việc bộn bề, bao khó khăn dồn đến, Chủ tịch, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh đã biết lắng nghe, chịu khó học và đưa ra nhiều sáng kiến, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh làm thay đổi bộ mặt quê hương.
Nguyễn Minh Ninh quý trọng báo chí, đánh giá cao vai trò truyền thông, biết dựa vào báo chí để tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu các quyết sách của mình, cũng là của tập thể lãnh đạo tỉnh. Tư duy của ông về báo chí thông thoáng, không đóng cửa, khuyến khích báo chí tôn trọng sự thật. Ông ghét lối viết báo tô hồng, điều mà không phải người lãnh đạo nào cũng có được.
Năm 1992-1995, báo chí của tỉnh viết một loạt bài điều tra phê phán tệ nạn chặt chém du khách, tình trạng rác thải trên bãi tắm, gây ô nhiễm môi trường. Có luồng ý kiến tỏ ra khó chịu, chê trách báo chí tỉnh nhà “vạch áo cho người xem lưng”. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Ninh lại có cách nhìn khác. Ông cho rằng báo chí viết như vậy là tốt, điều quan trọng là sự thật, các cơ quan có trách nhiệm, kể cả chủ tịch tỉnh phải xem xét, kiểm tra nhà báo nói như vậy đúng sai như thế nào; sai thì rút kinh nghiệm, đúng thì tỉnh phải tiếp thu phê bình; mọi người chung tay tìm giải pháp khắc phục, làm cho bãi biển sạch đẹp, kiểu làm ăn chụp giựt không còn chỗ trú chân ở một thành phố du lịch văn minh, thân thiện.
Chuyện xảy ra mấy chục năm trước, đặt vào bối cảnh thời kỳ đó, tư duy người lãnh đạo của một địa phương là rất đáng nể, ghét bệnh thành tích.
Một trong những sáng kiến và cũng là quyết sách của vị tướng này, cũng là của tập thể lãnh đạo tỉnh là “Tạo vốn từ quỹ đất”, “Đổi đất lấy công trình”. Các DN ứng vốn làm đường, làm các công trình phúc lợi xã hội, thay vì thanh toán bằng tiền, tỉnh sẽ trả lại vốn bằng nguồn quỹ đất. Dạo ấy, Bà Rịa - Vũng Tàu thay đổi nhanh, bộ mặt thành thị và nông thôn thay đổi diện mạo, khoác lên mình tấm áo mới. Hệ thống đường giao thông của Bà Rịa - Vũng Tàu từ thời kỳ đó phần lớn được tạo dựng từ nguồn vốn bằng quỹ đất.
Tuyến đường ven biển Vũng Tàu: Hạ Long - Trần Phú, một bên là núi Lớn - núi Nhỏ, một bên là biển, sau một năm giao cho Công ty Xây dựng Dầu khí chịu trách nhiệm thi công bằng nguồn vốn của công ty - tỉnh thanh toán lại bằng quỹ đất. Trong điều kiện tỉnh thiếu vốn, cách làm này được coi là năng động sáng tạo, cơ sở hạ tầng, bộ mặt Bà Rịa - Vũng Tàu khang trang hẳn lên.
Đường ven biển Trần Phú - Hạ Long là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam. Thành công này được lãnh đạo tỉnh vận dụng cho một số công trình khác, nâng cấp và làm mới tuyến đường Phú Mỹ - Ngãi Giao và nó cũng trở thành một trong những tuyến đường đẹp nhất Việt Nam.
Nhiệt huyết, quyết liệt, thời gian tướng Nguyễn Minh Ninh làm Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã góp phần đem lại diện mạo mới cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng cũng chính thời kỳ này, một số đơn thư khiếu nại tố cáo về ông được gửi tới một số cơ quan có trách nhiệm của Trung ương. Trong một buổi tối, tôi và hai đồng nghiệp Báo Quân đội Nhân dân hỏi ông, với tư cách là những người lính với nhau. Ông bình thản:
- Tôi vui vì đã cùng tập thể lãnh đạo tỉnh làm được nhiều việc và cũng đã khai phá - vỡ vạc ra nhiều vấn đề. Có làm thì có sai, sai mức độ nào thì cấp trên đã phân xử. Điều tự hào là tôi vẫn giữ nguyên vẹn bản chất người lính – anh bộ đội Cụ Hồ.
Ông thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng sống vô tư, thanh thản với bạn bè, đồng chí, đồng đội. Vợ chồng ông được dịp đi đây đi đó du lịch thăm thú đất nước, đồng đội. Gặp lại mấy anh em báo chí, ông rất vui, chuyện “đổi đất lấy công trình” ngày nào lại nổ như ngô rang. Lúc còn minh mẫn sức khỏe ổn định, trong một cuộc hội thảo về lịch sử Đảng bộ Bà Rịa - Vũng Tàu, cử tọa mời ông phát biểu, ông cười vui sảng khoái, ngắn gọn:
- Tôi rất lắng nghe, khi có dự thảo lịch sử đảng bộ, tôi sẽ đóng góp ý kiến, vì đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm. Thời kỳ tôi làm Chủ tịch tỉnh, tôi có sai, nhưng cái sai của tôi chỉ vì mong muốn cho tỉnh nhà, quê hương khấm khá lên, dân được đổi đời.
***
Khi bài viết này lên khuôn, ngày 12 tháng 6 năm 2023, Cựu Chủ tịch UBND tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Minh Ninh đã về thế giới người hiền. Ông ra đi nhẹ nhàng, thanh thản để lại bao tiếc thương cho gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội, bạn bè và nhân dân tỉnh nhà. Bài viết này của một người em – kém ông hơn một giáp nhưng cũng là một người lính, hơn thế có những năm tháng làm việc gần gũi bên ông, ngồi dự các cuộc họp do ông chủ trì, lắng nghe những quyết sách đổi mới mà ông đưa ra. Tôi hiểu ông ở ý chí, khát vọng, lòng nhân ái, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu, lúc đúng thì ông khiêm nhường, lúc sai ông sẵn sàng gánh chịu, không đổ lỗi cho ai.
Bài viết này thay cho nén tâm nhang vĩnh biệt ông, bằng tình cảm trân trọng - chuyện một thời, bao kỷ niệm không thể quên!
PHẠM QUỐC TOÀN