Dầm mình dưới kênh nước đục vớt rác

Thứ Sáu, 09/06/2023, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Nơi làm việc của công nhân thoát nước Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam (Busadco) ngày nắng là kênh mương với rất nhiều rác rưởi, bùn đất và đủ thứ chất thải, còn ngày mưa họ phải dầm mình dưới nước, trực chốt tại các điểm nóng về ngập úng.

Ông Trương Văn Thành ra ngoài sau khi khơi thông ống cống.
Ông Trương Văn Thành ra ngoài sau khi khơi thông ống cống.

Chui vào cống nạo vét

7 giờ sáng, hàng chục công nhân thoát nước đã có mặt tại tuyến kênh thoát nước chính TP.Vũng Tàu bắt đầu từ đường Hoàng Hoa Thám để nạo vét, khơi thông dòng chảy. 

Nhanh chóng mặc áo lội nước, đội nón bảo hộ, ông Trương Văn Thành (54 tuổi, tổ 2, Xí nghiệp thoát nước Vũng Tàu-Busadco) chui vào trong cống thoát nước. Một tay ông cầm liềm, tay còn lại cầm cào vừa bớt rác ra ngoài vừa bứt cỏ để nước lưu thoát nhanh hơn.

10 phút sau, ông chui ra khỏi miệng cống, trán ướt đẫm mồ hơi, mặt lấm lem bùn đất. Ông Thành cho biết, nếu làm trong ống cống thì cứ 10-15 phút công nhân phải ra ngoài để thở vì không gian ở miệng cống chật hẹp, thiếu không khí. “Công việc tuy vất vả nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì thành phố này sẽ còn ngập nhiều hơn nữa”, ông Thành tâm sự. 

Phía ngoài tuyến kênh, hàng chục công nhân cũng dầm mình dưới làn nước đen ngòm vừa bứt cỏ, vớt rác, vừa nạo vét bùn đưa lên bờ. Ông Nguyễn Thanh Châu cho biết, nhờ có áo lội nước nên nước đen trên tuyến kênh không bị ám vào thân và chân. Tuy nhiên, công nhân vẫn phải tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước thải và rác thải mỗi ngày để khơi thông các tuyến kênh mương. “Hiện nhiều tuyến kênh thoát nước chính bị người dân lấn chiếm, xả rác và đổ chất thải xuống nên công việc của chúng tôi cũng rất vất vả”, ông Châu nói.

Giữa cái nắng hầm hập, 10 giờ trưa, ông Lê Văn Sáng (tổ 4, Xí nghiệp thoát nước Vũng Tàu) cùng các đồng nghiệp vẫn làm việc quần quật để nạo vét tuyến thoát nước trên đường Bacu. Người điều khiển máy tời, người bê từng thùng bùn từ dưới cống thoát nước lên. Ông Sáng cho biết, nhiều năm qua Busadco đã cải tiến công việc nạo vét cống thoát nước bằng thiết bị máy tời nạo vét hệ thống cống ngầm. Tuy nhiên, có những tuyến cống nhỏ, đường kính hẹp công nhân vẫn phải chui vào cống để làm thủ công, nạo vét và múc từng thùng bùn, đất ra ngoài.

Từ lòng cống đen ngòm sâu ngang đầu người với mực nước mấp mé ngang ngực, không khó để nhận ra mùi khó chịu đặc trưng của nước đen cống ngầm xộc thẳng vào mũi, vào họng... “Bùn đất không đáng ngại mà ám ảnh nhất là dầu mỡ đóng thành từng tảng lớn trong cống. Muốn khơi thông tuyến cống thì phải nạo hết tảng dầu mỡ rồi mới xúc được bùn, rác ra ngoài”, ông Sáng chia sẻ.

Công nhân thoát nước nạo vét, khơi thông kênh thoát nước chính TP.Vũng Tàu.
Công nhân nạo vét, khơi thông kênh thoát nước chính TP.Vũng Tàu.

Dầm mình trong mưa

Khi trời mưa to, mọi người tìm chỗ trú ẩn an toàn trong nhà thì công nhân thoát nước lại phải lao ra đường, dầm mình cả ngày trong mưa ở những vị trí ngập sâu. 

Ông Phan Xuân Quang (50 tuổi, ngụ xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) ngày nào cũng chạy chiếc xe máy cũ, cơm đùm cơm nắm sang Vũng Tàu làm việc. “Mấy hôm nay trời mưa miết, anh em chúng tôi phải làm việc liên tục, ngâm mình cả ngày dưới mưa để vớt rác, lật tấm đan cho nước nhanh lưu thoát. Kênh mương nào còn tắc thì mưa cũng phải lội xuống vớt bèo, vớt rác cho nước lưu thông”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, hơn 20 năm gắn bó với công việc thoát nước, tuy vất vả nhưng riết rồi thành quen. Hơn nữa, đây cũng là công việc giúp công nhân có thu nhập ổn định và góp phần làm cho thành phố sạch đẹp hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Xí nghiệp thoát nước Vũng Tàu cho hay, từ tháng 1-10 là những tháng cao điểm của nạo vét hệ thống thoát nước. Hiện xí nghiệp có khoảng 200 công nhân làm công việc tại các tổ nạo vét. Để góp phần giảm tải sức lao động, Busadco đã trang bị thêm nhiều máy tời, xe hút, ròng rọc vận chuyển bùn đất hỗ trợ công việc nạo vét hệ thống thoát nước… Ngoài ra, anh em còn được cấp phát mặt nạ chống độc, quần áo, mũ, găng tay, ủng bảo hộ, bình khí ô-xi khi làm việc trong những khu vực nguy hiểm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.