.

Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Cập nhật: 20:39, 15/06/2023 (GMT+7)

Sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi, xây dựng, hoàn thiện và công bố đề thi tham khảo. Đồng thời, rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để chuẩn bị cho hội đồng ra đề thi.

Về công tác ra đề thi, Bộ đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; tổ chức thẩm định phần mềm hỗ trợ hội đồng ra đề thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Hội đồng ra đề thi bắt đầu làm việc trong khu vực cách ly từ ngày 2/6.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT để quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng ký dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Đến thời điểm này, thí sinh đã hoàn thành việc đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Cả nước có tổng số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 943.340 thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh, chiếm 92,91% tổng số thí sinh… Toàn quốc có 2.273 điểm thi, 44.661 phòng thi. Bộ đã huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục ĐH để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 Sở GD-ĐT.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, ban chỉ đạo thi các địa phương ưu tiên chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị cho kỳ thi. “Cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất, nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị. Yếu tố con người cũng là rất cần thiết. Những điều đó mới bảo đảm được các khâu diễn ra an toàn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý các địa phương không được bỏ qua bất cứ khâu nào trong quy trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi. Trong đó cần chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ coi thi và lực lượng phối hợp. Các địa phương xây dựng nhiều phương án, đề phòng trường hợp bất thường, thiên tai, bảo đảm quá trình in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi, bài thi an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, ban chỉ đạo thi các địa phương cần xây dựng kế hoạch truyền thông về kỳ thi bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác.

HOÀNG DƯƠNG

.
.
.