Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2023-2024 khép lại, sẽ có gần 6.500 HS (tính cả HS phổ cập) không tiếp tục vào lớp 10 công lập. Tuy nhiên, có rất nhiều cánh cửa khác đang mở ra để các em lựa chọn. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT để làm rõ hơn về những lựa chọn này.
Sở GD-ĐT đã tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho HS THCS trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: HS lớp 9 tại TP. Vũng Tàu tham dự chương trình Tuyển sinh, hướng nghiệp HS sau THCS. |
.Phóng viên: Thưa ông, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập vừa khép lại. Trên địa bàn tỉnh sẽ có bao nhiêu học sinh không vào lớp 10 công lập?
- Ông Nguyễn Văn Ba: Kết thúc năm học 2022-2023, tổng số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh là 18.433 em. Theo thống kê tới thời điểm này, toàn tỉnh sẽ có gần 6.500 HS không vào lớp 10 công lập. Trong đó có hơn 2.600 HS không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và khoảng 3.800 HS đăng ký dự thi nhưng không giành được “tấm vé vào công lập”. Con số này tương đương với khoảng 35% HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh.
.Không vào công lập, gần 6.500 HS sẽ có những lựa chọn nào khác, thưa ông?
- Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 522/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp…
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12/9/2019 để triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, tỷ lệ phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào THPT đối với năm học 2023-2024 là 65% và tiếp tục giảm dần đến năm học 2025-2026 còn 60%. Những HS không vào lớp 10 công lập sẽ tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, các trường THPT ngoài công lập và Trung tâm GDTX.
Những năm gần đây, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS THCS đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và sự phối hợp của phụ huynh, HS. Ngay từ bậc THCS, các em đã được tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm, tư vấn hướng nghiệp, giúp các em đưa ra lựa chọn đúng đắn và phù hợp nhất sau khi tốt nghiệp THCS.
.Ông có thể phân tích rõ ưu điểm của từng lựa chọn để phụ huynh và HS hiểu rõ hơn?
- Không vào THPT công lập nhưng vẫn có nguyện vọng được tiếp tục học tập, các em HS có 3 lựa chọn:
Thứ nhất, tiếp tục theo học tại các trường THPT ngoài công lập. Với lựa chọn này, các em không cần thi tuyển mà nộp hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả học tập, rèn luyện ở bậc THCS. Khi các em theo học THPT ngoài công lập, chương trình học, việc kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH-CĐ của các em không khác biệt so với HS công lập.
Thứ hai, các em có thể lựa chọn theo học tại các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh. Theo chương trình GDPT mới, với GDTX, các môn học tương tự như THPT công lập. Tuy nhiên, các em sẽ không phải học 2 môn là: Ngoại ngữ và Giáo dục Kinh tế pháp luật nên chương trình sẽ nhẹ nhàng hơn. Sau khi hoàn thành chương trình, các em được dự thi tốt nghiệp THPT. Nếu đậu tốt nghiệp, các em được cấp bằng tốt nghiệp THPT như HS THPT công lập mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Đặc biệt là được sử dụng kết quả học tập THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.
Thứ ba, lựa chọn tiếp tục theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo quy định, HS tốt nghiệp THCS theo học nghề sẽ được miễn học phí học. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, các em có thể bước chân ngay vào thị trường lao động.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc, Trường CĐ Quốc tế Tuệ Đức VABIS… còn phối hợp với các Trung tâm GDTX dạy các môn văn hóa trong chương trình GDTX cấp THPT, giúp HS có thể dự thi để có được tấm bằng tốt nghiệp THPT.
.Ông muốn nhắn nhủ điều gì tới các em HS, các bậc phụ huynh và đặc biệt là những em mà kết quả thi không được như mong muốn?
- Tôi muốn gửi tới các em HS và phụ huynh một thông điệp: Dù vào học công lập hay đi theo những lựa chọn khác như đã nói trên thì đó cũng chỉ là những con đường khác nhau đưa các em đến với cái đích cuối cùng là trở thành nguồn nhân lực.
Mỗi em có sở trường và kỹ năng riêng. Việc không vào THPT công lập không phải là thước đo đánh giá toàn diện phẩm chất và năng lực của các em. Do đó, nếu không tiếp tục theo học THPT công lập, các em cũng đừng mặc cảm, tự ti. Hãy giữ tâm lý bình tĩnh, giữ tinh thần sáng suốt, sức khỏe ổn định để đưa ra cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất với năng lực, sở trường, sở thích, điều kiện… của bản thân. Khi các em chọn ngành nghề đúng sở trường, năng lực, nhu cầu xã hội, các em sẽ có cơ hội việc làm rộng mở, trở thành người có ích cho xã hội, đó mới là thành công thực sự.
Về phía phụ huynh, không nên tạo áp lực nặng nề ép con em mình phải vào công lập. Hãy quan sát, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, động viên tinh thần nếu con em mình không giành được tấm vé vào công lập. Phụ huynh hãy là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững cho các em trên hành trình đi tới tương lai.
.Xin Cảm ơn ông!
Sở GD-ĐT, Sở LĐTBXH và các địa phương sẽ quan tâm, hỗ trợ các em HS không vào công lập, không để các em bị bỏ lại phía sau. Tất cả những HS không vào công lập nhưng có nguyện vọng được tiếp tục học tập sẽ được tạo điều kiện tối đa để bảo đảm quyền lợi học tập của mình. |
KHÁNH CHI
(Thực hiện)