Vì sao ngộ độc khí hầm cá có thể gây tử vong?

Thứ Bảy, 13/05/2023, 11:14 [GMT+7]
In bài này
.

Vừa qua, tại huyện Long Điền xảy ra vụ việc 2 ngư dân tử vong nghi do ngộ độc khí sau khi xuống hầm cá đưa người bị ngất xỉu lên khỏi hầm. Đây là loại ngộ độc cấp tính do khí độc tích tụ trong hầm cá và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tử vong cho ngư dân khi làm việc hoặc tiếp xúc với môi trường hầm cá.

Bác sĩ thăm khám cho 1 trường hợp bị ngộ độc tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bà Rịa (Ảnh minh họa)
Bác sĩ thăm khám cho 1 trường hợp bị ngộ độc tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bà Rịa (Ảnh minh họa)

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh, những hầm cá hoạt động lâu ngày không sử dụng có sự phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ làm bốc lên những luồng hơi chứa khí H2S, CO2, SO2, NO2, CH4… và các hợp chất lưu huỳnh làm cho hầm cá thiếu oxy.

Người xuống hầm cá lúc này sẽ không có oxy để thở và hít phải hơi khí độc dẫn đến ngộ độc. Đây là loại ngộ độc cấp tính. Khi bị ngộ độc, ban đầu nạn nhân có cảm giác hô hấp bị kích thích như thở nhanh hơn, sau đó thở chậm dần và lịm đi do ngạt khí.

Do đó, trước khi xuống hầm cá, ngư dân cần phải khơi thông luồng khí, xử lý hơi độc. Việc này khá đơn giản, chỉ cần bình tĩnh thực hiện các bước sau: Trước khi xuống hầm cá, ngư dân phải đốt một ngọn đèn đưa xuống trước. Nếu đèn cháy yếu, hay bị tắt thì tuyệt đối không xuống mà phải có biện pháp làm cho không khí lưu thông. Có thể sử dụng quạt công suất lớn thổi xuống hầm cá. Mục đích là để thay đổi dòng không khí độc bên trong các kho, hầm tạo luồng không khí mới trong sạch.

Khi có người xuống hầm cá để thực hiện công việc phải có ít nhất một người ở trên hầm cá quan sát, theo dõi người ở dưới thực hiện công việc. Cả hai phải mang dây an toàn và bảo hộ cá nhân phòng ngừa sự cố xảy ra.

Trong lúc người làm việc dưới hầm thì người trên hầm cần quan sát kỹ mọi động tĩnh bên dưới. Nếu thấy người dưới hầm cá ngạt hơi thì người ở trên hầm cá thực hiện biện pháp cứu hộ kéo dây an toàn để đưa người dưới hầm lên cấp cứu kịp thời.

Trong trường hợp phải xuống hầm để cứu nạn nhân, phải quạt, mang bình dưỡng khí. Khi nạn nhân bị ngạt khí được đưa ra, có thể xử trí ban đầu bằng hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, đưa nạn nhân vào bờ chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Ngoài hầm cá thì còn có nhiều loại ngộ độc khí thường xảy ra ở các hầm mỏ, hố sâu, giếng đào...  Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí tích tụ lại dưới đáy hồ/hầm, bể kín liên quan. Cách xử lý và cấp cứu cũng tương tự.

Bài, ảnh: NGUYỄN THI

 

;
.