Nỗi đau từ những vụ tai nạn lao động
Bất cẩn trong quá trình làm việc, DN chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn vệ sinh lao động là nguyên nhân chính gây ra những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm.
Đại diện LĐLĐ tỉnh đến thăm, chia buồn với chị Vũ Thị Hoa Mai (1172/12/12 đường 30/4, TP.Vũng Tàu) có chồng tử vong do TNLĐ. |
Mất mát quá lớn
Từ ngày anh N.T.H., (SN 1990) tử vong do TNLĐ, ngôi nhà nhỏ của chị Vũ Thị Hoa Mai (1172/12/12 đường 30/4, TP.Vũng Tàu) trở nên cô quạnh. Cô con gái 3 tuổi thường xuyên quấy khóc và đòi ba làm chị khó cầm lòng. Chị Mai kể, chồng chị làm công nhân cho một công ty xây dựng ở phường Thắng Tam. Giữa tháng 11/2022, trong lúc di chuyển lên tầng 2 của công trình để làm việc, anh H. không may bị ngã. “Nghe người bạn báo anh bị tai nạn, tôi tức tốc chạy vào viện. Tuy nhiên, khi tôi đến nơi thì anh ấy đã mất”, chị Mai vừa lau nước mắt vừa kể.
Khi còn sống, anh H. chịu khó, chăm chỉ làm việc nên kinh tế gia đình tạm ổn định. Anh còn là người hiền lành và hết mực thương yêu vợ con. Từ khi mất đi trụ cột chính của gia đình, chị Mai rơi vào cảnh cơ cực. Một mình chị vừa phải làm ba vừa làm mẹ cáng đáng chăm sóc, nuôi dạy 2 con. “Tôi làm công nhân trong KCN Đông Xuyên hơn 10 năm nay, thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. Khi anh H. còn sống, đỡ đần được cho tôi rất nhiều thứ. Nhưng giờ với thu nhập này, 3 mẹ con sống rất vất vả. Tôi phải cho đứa con gái sau nghỉ học, nhờ bà ngoại trông để đỡ chi phí”, chị Mai ngậm ngùi nói.
Nhân Tháng hành động vì ATVSLĐ năm 2023, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã đến thăm, chia buồn với gia đình bà Lại Thị Kiều Diễm (40/29F đường Bạch Đằng,TP.Vũng Tàu) có con trai tử vong do TNLĐ. |
Gần 5 tháng kể từ khi người con trai đầu là anh N.Q.S. (SN 1997) tử vong do TNLĐ, cuộc sống gia đình bà Lại Thị Kiều Diễm (40/29F Bạch Đằng, TP.Vũng Tàu) bị đảo lộn. Trước cú sốc quá lớn này, bà suy kiệt tinh thần và đổ bệnh nên không còn đủ sức làm việc. Nhìn lên di ảnh của con, nước mắt bà chảy dài, miệng luôn gọi tên con.
Bà Diễm cho biết, con trai bà làm thợ mộc cho một xí nghiệp cơ khí tàu thuyền trên địa bàn phường 5 (TP.Vũng Tàu). Sức khỏe cha mẹ hạn chế nên anh trở thành lao động chính trong gia đình. Đầu tháng 1/2023, khi đang sửa chữa tàu, bất ngờ cấu kiện của một đơn vị đang thực hiện kéo tàu khác vào vị trí sửa chữa văng vào vùng thái dương, khiến anh tử vong tại chỗ. “Nghe tin con bị nạn, tôi như người mất hồn. Cháu ra đi khi tuổi đời còn trẻ. Biết đến khi nào tôi mới nguôi ngoai thương nhớ về con”, bà Diễm nghẹn ngào nói.
2 nạn nhân trên nằm trong số rất nhiều trường hợp TNLĐ để lại nỗi xót xa cho người thân. Điều đau lòng hơn là những vụ TNLĐ để lại hậu quả năng nề, cướp đi sinh mạng và sức khỏe của nhiều người có tuổi đời còn khá trẻ. Trong khi những người này đang là lực lượng lao động chính, là chỗ dựa vững chắc cho các gia đình.
Lỗi từ hai phía
Theo Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh, tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp tại các DN, đặc biệt tại các công trình xây dựng, gia công cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng. Nguyên nhân các vụ TNLĐ làm chết người trong năm 2022 do nhận thức của người sử dụng lao động lẫn người lao động (NLĐ). Chủ sử dụng lao động không thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; không xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, không nhận diện đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trong khi đó, NLĐ không tuân thủ nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ. Các cá nhân, nhóm thợ riêng lẻ nhận thầu công trình xây dựng nhưng không được tập huấn về ATVSLĐ…
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, để phòng, chống, làm giảm thiểu nguy cơ TNLĐ, thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ trong các DN phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề. Đồng thời, phối hợp với LĐLĐ tỉnh, Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATVSLĐ và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Ông Khánh cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở nhận thức của chủ sử dụng lao động và NLĐ trong thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Vì thế, chủ các DN cần nghiên cứu, thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ; đưa ra các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện nơi lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo đúng chương trình, nội dung, thời gian theo quy định, bảo đảm 100% NLĐ được huấn luyện ATVSLĐ trước khi bố trí làm việc. “NLĐ cần tuân thủ các quy định, nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ”, ông Khánh nói thêm.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 261 vụ TNLĐ làm 263 người bị nạn. Trong đó có 18 vụ TNLĐ làm chết 18 người. Ngoài ra, 17 cá nhân bị xử lý kỷ luật; 7 DN, NLĐ bị xử phạt 247,5 triệu đồng do vi phạm các quy định về ATVSLĐ. |
Bài, ảnh: TUỆ LÂM