.

Đêm cào dắt mưu sinh

Cập nhật: 18:00, 05/05/2023 (GMT+7)

Vùng biển Bãi Sau mùa này dịu sóng, đêm xuống nước rút để lại những bãi cát dài mênh mang. Phía dưới biển, ở mực nước chỉ lấp ló đến đầu gối chân, những người đàn ông đầu đội đèn pin, tay thoăn thoắt nhấn - nhả, vừa đi vừa giật lùi lại phía sau. Đó là những người mưu sinh bằng nghề cào dắt ở vùng biển mặn.

Những ngư dân mưu sinh bằng nghề cào dắt ở biển Bãi Sau, TP. Vũng Tàu.
Những ngư dân mưu sinh bằng nghề cào dắt ở biển Bãi Sau, TP. Vũng Tàu.

7 giờ tối, phóng chiếc xe máy chạy từ xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), anh Trần Văn Đức nhanh chóng đưa chiếc cào xuống biển để bắt đầu công việc.

Vẫn là đoạn bờ biển dài 3-4km khu vực Bãi Sau phía đối diện với khách sạn Green như ngày thường, anh Đức xỏ chiếc đai kéo vào eo, đội chiếc đèn pin lên đầu, hạ thấp chiếc cào có gắn sẵn đoạn lưới màu xanh rồi tiến về phía biển.

Tay trái anh cầm sợi dây thừng nối từ thắt eo xuống dưới cào để kéo cào đi, tay phải anh dơ cao lên cây tre cứ một cái nhấp thì một cái nhả, anh đi lùi dần phía sau theo chiều ngang của bãi biển.

Ở dưới chân cào những con dắt nhỏ trắng đục chui tọt vào lưới. Khoảng 15 phút sau, khi lưới đã nặng, anh Đức dừng lại rũ cát cho sạch rồi đưa dắt lên bờ, bỏ vào bao.

Ông Trần Văn Ngân đưa dắt lên bờ sau khi lưới đã nặng.
Ông Trần Văn Ngân đưa dắt lên bờ sau khi lưới đã nặng.

Anh Đức cho biết, năm nay 19 tuổi nhưng có hơn 10 năm gắn bó với công việc ở biển. Gia đình anh quê ở Kiên Giang làm nghề biển, đến Phước Tỉnh lập nghiệp cũng bám biển mưu sinh.

“Mùa này thủy triều chưa cao, biển êm, mưa chưa đến nên dắt nhiều. Tôi tranh thủ làm kiếm thêm thu nhập. Ngày vừa vừa cũng được 50-70kg dắt, ngày nhiều cào được cả trăm ký. Nhưng công việc này cực lắm, chỉ có đàn ông mới kham nổi”, anh Đức nói.

Nhìn đôi bàn tay, bàn chân nhăn nheo vì cả đêm dầm mình dưới nước biển của anh cũng đủ hiểu sự vất vả của công việc. Dưới ánh đèn pin lờ mờ, từng giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rạm đen. Anh Đức nói thêm, nghề cào dắt không khó đâu nhưng nhìn những chiếc cào vậy thôi chứ đi dưới nước biển nặng lắm, chưa kể cào được dắt thì vui nhưng càng cào thì tay càng nặng.

Phía ngoài xa kia, ông Trần Văn Ngân cũng đang thoăn thoắt nhấn - nhả. Ông Ngân được xem là lớp nghề cào dắt kỳ cựu ở vùng biển Bãi Sau này. Theo ông Ngân, biển Vũng Tàu dắt xuất hiện quanh năm nhưng sau Tết Nguyên đán trở đi đến tháng 7 dương lịch được gọi là mùa dắt ở Vũng Tàu vì dắt nhiều đến nỗi tràn lên cả bãi cạn và bỏ xác ở đó.

Chia sẻ kinh nghiệm cào dắt, ông Ngân nói thêm, nơi cào dắt thường là những bãi cát sát trên biển có độ sâu từ 0,5 - 1 mét so với mặt nước biển. Người cào một tay cầm cán tre, tay còn lại tì vào thắt lưng đi với thế giật lùi như vậy dắt mới vào được vợt.

“Trung bình cào một lượt là 15-20 mét tính ra khoảng trên 10km mỗi buổi và ngâm mình trong nước biển liên tục suốt 5-6 tiếng đồng hồ. Hôm nào thư thả thì làm đến 23 giờ, cha con tui về. Hôm khỏe tui ráng thêm chút đỉnh thì cũng phải 1-2 giờ sáng mới rời biển được”, ông Ngân nói.

Anh Lưu Văn Mến (29 tuổi) bận việc gia đình nên công việc cào dắt của anh bắt đầu trễ hơn mọi người khoảng một tiếng đồng hồ. 20 giờ mới có mặt ở khu vực Bãi Sau, anh Mến thoăn thoắt vào việc. Vừa đi giật lùi, vừa nhìn những con dắt nhỏ nhắn chui vào lưới, anh Mến giải thích, chiếc cào dắt này là bộ đồ nghề anh đặt làm riêng cho những người làm nghề.

Theo đó, dụng cụ cào dắt được thiết kế đặc biệt, có mặt cào làm bằng răng cưa từ inox, miệng cào dài chưa tới 1m nằm gọn trong khung sắt hình chữ nhật để có thể cắm sâu được vào lòng cát và di chuyển một cách dễ dàng hơn. Phía sau là túi của vợt làm bằng lưới xiết mắt nhỏ, vừa đủ không để cho dắt lọt ra ngoài, nhưng vẫn đảm bảo đãi được cát ra ngoài. Túi vợt thường dài từ 2-3m.

Theo anh Mến, ngày trước, người dân ven biển chỉ nạo dắt (dùng vợt nạo dắt ở dưới cát) về để luộc lấy nước, đãi lấy ruột nấu canh, nấu cháo hoặc xào xúc bánh tráng. Ngoài ra, dắt được dùng làm thức ăn cho tôm, cua, cá. Nhu cầu bên thu mua cần số lượng lớn nên khu vực đánh bắt được mở rộng, ngư dân làm nghề này thường đi thăm các bãi biển trong tỉnh, thấy chỗ nào có nhiều dắt sẽ lập thành từng nhóm từ 10-20 người để cào dắt.

Dắt biển có vỏ trắng, giòn, ruột nhỏ nhưng thơm nên người ta mua về chỉ cần xay nhuyễn là có thể làm thức ăn cho tôm, cua. “Tôi thường làm từ 19-23 giờ, đầy bao thì khoảng 100kg, với giá bán cho thương lái từ 3.500-4.000 đồng/kg tùy từng hôm thì cũng kiếm được 350-400 ngàn đồng/đêm. Công việc tuy vất vả chút nhưng cũng có thu nhập hơn những nghề khác”, anh Mến nói.

Anh Trần Văn Đức làm việc cật lực để có thể cào được 100kg dắt mỗi đêm.
Anh Trần Văn Đức làm việc cật lực để có thể cào được 100kg dắt mỗi đêm.

Trong khi đó, ông Hà Bá Hùng (ở trọ tại đường Đô Lương, TP.Vũng Tàu) cho biết, những ngày đi cào dắt từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau mới về, có hôm lại đi từ 19-23 giờ thì về.

Giờ đi và về không cố định vì do thủy triều lên xuống mỗi ngày khác nhau. Thường thì bãi dắt xuất hiện khi thủy triều xuống. Lấy dắt tuy không khó, nhưng vất vả vì phải dùng sức nhiều để cào dắt nằm ở dưới cát, rồi đãi cát.

Muốn lấy dắt đúng bãi thì phải có kinh nghiệm, đon chừng được thủy triều lên, xuống. Nhiều hôm đi muộn là phải cào ở khu vực nước sâu, vất vả hơn nhiều so với lấy ở khu vực sóng ngả. “Còn tuổi cao như tui, khi lấy phải lựa vào luồng nước chảy, lựa con sóng, thuận theo chiều nước để cho đỡ mệt”, ông Hùng nói.

Tôi rời đi khi phía biển những chiếc đèn pin của ngư dân vẫn lấp lóe dưới mặt nước. Những người cào dắt vẫn cặm cụi mưu sinh khiến cho nhịp sống của vùng biển mặn vốn náo nhiệt trở nên bình yên, đáng yêu đến lạ thường.

Dắt thuộc họ nhuyễn thể hai mảnh vỏ, là họ hàng với nghêu, sò, thu hài…Loài này hay bị nhầm lẫn với con hến hoặc con ngao, chỉ những ai đã quen thuộc mới dễ dàng nhận ra chúng. Dắt biển thường có màu trắng đục và có kích thước nhỏ hơn hến. Chúng thường trốn xuống dưới cát để tránh kẻ thù, bảo vệ chính mình và đồng thời cũng tìm kiếm thức ăn.


Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.