Chưa thể lơ là với dịch bệnh COVID-19
Từ tháng 4 đến nay, số ca mắc COVID-19 trên cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng đều tăng trở lại. Kéo theo đó, số bệnh nhân phải nhập viện điều trị cũng gia tăng. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đông đảo phụ huynh ở TT.Long Hải (huyện Long Điền) đồng thuận cho con tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. |
Đã có trường hợp tử vong
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2023, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, chỉ có 317 trường hợp.
Nhưng, từ tháng 4, số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng mạnh, gấp 39 lần so với tháng 3. Đặc biệt, trong thời gian từ ngày 25/4 đến 8/5, toàn tỉnh đã ghi nhận 470 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1 ca tử vong. Đây là bệnh nhân lớn tuổi, ngụ ở phường 7 (TP.Vũng Tàu).
Người dân cần chủ động đăng ký tiêm vắc xin ở trạm tế xã, phường
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin COVID-19 cũng như các vắc xin phòng bệnh khác, qua thời gian miễn dịch đều giảm dần.
Vì vậy, những người đã từng mắc COVID-19, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch cần chủ động đăng ký tiêm các mũi tăng cường để phòng bệnh.
Thời gian tới, sẽ không tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 liên tục thường xuyên như trước đây mà lồng ghép vào công tác tiêm chủng mở rộng. Mỗi trạm y tế xã, phường sẽ có 3-4 buổi tiêm/tháng, tuỳ theo trạm đó ở vùng thuận lợi hay vùng đi lại khó khăn có thể tổ chức 2 buổi/ tháng.
|
Người bệnh được phát hiện nhiễm COVID-19 khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Vũng Tàu. Sau khi được bác sĩ tư vấn tình trạng sức khỏe, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà điều trị (có viết giấy cam kết). Tuy nhiên, người bệnh đã không qua khỏi và tử vong tại nhà vào ngày 6/5.
Cũng theo CDC tỉnh, đến ngày 8/5, toàn tỉnh có 30 bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Vũng Tàu có 21 ca, Bệnh viện Bà Rịa 9 ca. Những ca bệnh này có mức độ bệnh từ trung bình đến nặng. Hai bệnh viện này đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để tiếp nhận và điều trị cho người nhiễm COVID-19.
Bác sĩ Phạm Lương Tri, Phụ trách Khoa Nhiễm, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện có dấu hiệu gia tăng. Phần lớn bệnh nhân đều là người lớn tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền như: phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ… và đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tính từ giữa tháng 4 đến nay, khoa có khoảng 10 bệnh nhân nặng, nhưng sau thời gian điều trị, đa số người bệnh đã có kết quả âm tính với COVID-19. Hiện chỉ còn 1 ca bệnh nặng, đang thở máy không xâm lấn và tình trạng sức khỏe có cải thiện.
Bác sĩ Phạm Lương Tri khuyến cáo: “Số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại, lo ngại nhất cho những người cao tuổi và có bệnh nền. Vì thế, mỗi người dân cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, gồm 2K (khẩu trang, khử khuẩn), vắc xin, thuốc, điều trị, ý thức và các biện pháp khác. Qua đó, giúp phòng và ngăn ngừa lây nhiễm bệnh cho bản thân và cộng đồng”.
Bệnh viện Vũng Tàu thực hiện test nhanh COVID-19 đối với các bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. |
Vắc xin vẫn là cách phòng bệnh tốt nhât
Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, nhiều người dân đã chủ động đến các trạm y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh.
Những người cần ưu tiên tiêm vắc xin
“Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại”.
(Theo khuyến cáo WHO)
|
Đơn cử, ngày 8/5, gia đình anh Nguyễn Văn Cường; gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung (TT.Long Hải, huyện Long Điền) đã chủ động đưa con trai đang học tại Trường TH Lương Thế Vinh (TT. Long Hải) và con gái học lớp 5-6 tuổi của Trường MN Sơn Ca (TT.Long Hải) tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19.
Điều đáng nói là, trước đây, các gia đình này từng được nhà trường, tổ dân phố vận động đưa con đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Nhưng họ đều có chung băn khoăn và lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 đối với trẻ em.
Lần này thì khác, ngoài việc hiểu rõ hơn về lợi ích vắc xin COVID-19, họ đã nhận thấy, việc được tiêm vắc xin COVID-19, các con sẽ tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe, yên tâm hơn khi tham gia các hoạt động nơi đông người.
Theo lãnh đạo một số trạm y tế trên địa bàn tỉnh, từ giữa tháng 4 đến nay, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có vắc xin. Nhiều người đã tự giác đến các trạm để đăng ký tiêm vắc xin.
Sau khi hoàn thành tiêm 37.200 liều vắc xin trong các tháng 2,3,4/2023, Sở Y tế đã tiếp tục phân bổ 31.390 liều cho các địa phương để tổ chức tiêm trong tháng 5 và 6/2023, trong đó có 19.800 liều dành tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi và 11.590 liều cho người từ 18 tuổi trở lên.. |
Bài, ảnh: TUỆ LÂM
Nguy cơ dịch COVID-19 vẫn ở mức cao
Ngay sau khi WHO công bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc công bố này không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn.
WHO đánh giá rủi ro nguy cơ về COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, dù số mắc và số ca tử vong giảm trên toàn cầu nhưng từng khu vực vẫn có sự gia tăng. WHO luôn nhắc các nước không được chủ quan, cảnh giác với các biến thể mới xuất hiện.
Trước câu hỏi khi nào Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19, GS.TS Phan Trọng Lân cho hay, hiện nước ta không còn hạn chế đi lại, trong khi bản chất của SARS-CoV-2 vẫn có thể di chuyển trên những người khỏe mạnh, vượt qua hàng rào hành chính. Do đó, phòng, chống dịch COVID-19 mang tính toàn cầu, không riêng một quốc gia, một địa phương. Miễn dịch COVID-19 sẽ giảm theo thời gian và dịch vẫn có thể xuất hiện làn sóng mới từ khu vực này đến khu vực khác.
HỒNG PHƯƠNG
(Tổng hợp)