Báo động tình trạng người trẻ bị suy thận

Thứ Sáu, 12/05/2023, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh suy thận thường tiến triển âm thầm cho đến khi bộc lộ những dấu hiệu của bệnh. Lúc này, bệnh đã rơi vào tình trạng nặng, ở giai đoạn cuối. Điều đáng tiếc căn bệnh này xảy ra với không ít người trẻ tuổi. Cuộc sống của họ phải gắn liền với máy lọc thận.

Mới 27 tuổi nhưng chị N.T.A.N. ở TP.Vũng Tàu bị suy thận 4 năm.
Mới 27 tuổi nhưng chị N.T.A.N. ở TP.Vũng Tàu bị suy thận 4 năm.

17 tuổi đã suy thận giai đoạn cuối

Năm nay em P.N.P.T., (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) 17 tuổi, nhưng chỉ nặng 38kg. Hồi tháng 9/2022, bỗng dưng 2 chân của em bị sưng. Người nhà đưa em đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để khám. Bác sĩ thông báo, T. bị suy thận giai đoạn cuối. Người thân và em T. bị sốc và suy sụp tinh thần. Để kéo dài sự sống, bác sĩ chỉ định em phải lọc máu định kỳ 3 lần/tuần.

Thời gian đầu, P.N.P.T lọc máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Do đường sá xa xôi, đi lại vất vả, trong khi em vẫn còn muốn tiếp tục đến trường nên gia đình xin cho em chuyển về lọc máu tại Bệnh viện Bà Rịa. Kể từ đó đến nay, buổi sáng em đến trường học tập, buổi chiều em được bố hoặc mẹ chở đến Bệnh viện Bà Rịa lọc máu.

T. chia sẻ, trước đó em sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ nên cơ thể khỏe mạnh, chưa khi nào thấy bất thường về sức khỏe. Người thân của em cũng không có ai bị bệnh này. Vì thế, khi nghe tin mình bị bệnh nặng, em rất bất ngờ và hoảng sợ. “Em không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Bây giờ bệnh nặng nên phải kiên trì và chịu khó đi lọc máu định kỳ với hy vọng kéo dài sự sống”, T. buồn bã nói. 

Một trường hợp khác cũng rất đáng tiếc khi mới 27 tuổi mà bị suy thận, phải lọc máu định kỳ suốt 3 năm nay. Đó là chị N.T.A.N., (27 tuổi, đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu). Chị N. kể, trước đây chị làm phục vụ bàn cho một quán ăn ở Bến Tre. Chị thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, thậm chí một tháng chị xỉu 1-2 lần. Thế nhưng, chị vẫn không đi khám bệnh. Chị cho rằng, công việc vất vả nên mệt. Có khi mệt quá, chị đến cơ sở y tế truyền đạm nhằm hỗ trợ, phục hồi sức khỏe. Đến năm 2020, khi thường xuyên bị ngất xỉu, sức khỏe giảm sút nhanh chóng nên chị N. mới đi khám và phát hiện bị bệnh thận.

Điều đáng nói, đã biết bệnh nhưng chị không thực hiện điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chị nghe lời người quen uống thuốc dân gian chữa căn bệnh này. Khoảng 1 năm uống thuốc nam, bệnh của chị không thuyên giảm, ngược lại càng trở nặng hơn khi gây tràn dịch qua phổi tới tim, gây chướng bụng, phù toàn thân. Lúc này, chị N. mới trở lại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị bị suy thận, suy tim giai đoạn cuối. Chị bắt đầu được lọc máu tại Bệnh viện Vũng Tàu từ năm 2021 đến nay, 2 lần/tuần. Chị N. nói: “Nhà tôi có người thân bị bệnh thận. Tôi còn chủ quan không điều trị khi mới phát hiện bệnh mà uống thuốc nam. Vì vậy, bệnh trở nặng lúc nào không hay”.

Xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm

Theo bác sĩ của Bệnh viện Vũng Tàu, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đến bệnh viện khám và phát hiện suy thận khi bị thiếu máu nặng gây mệt mỏi, chóng mặt, cơ thể bị phù nề, khó thở. Một số bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ đã vô tình phát hiện bị bệnh thận giai đoạn cuối.

Có nhiều nguyên nhân gây suy thận mạn tính, trong đó các bệnh lý ở cầu thận như: Viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh lý hệ thống và tự miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì)... Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh suy thận mạn ở Việt Nam. Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp không được điều trị, kiểm soát tốt cũng là nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính.

Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như: Sỏi tiết niệu, nhiễm trùng mạn tính ở thận, các bệnh thận bẩm sinh và di truyền. Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian dài hoặc sử dụng một số thuốc để chữa trị các rối loạn bệnh lý cũng có thể làm tổn thương thận và dẫn đến suy thận mạn.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu) cho hay, khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối cũng là lúc chức năng của thận còn dưới 10% mức bình thường. Do đó, cần phải thực hiện các biện pháp điều trị thay thế chức năng thận như lọc máu hoặc ghép thận.

Theo bác sĩ Phương Nga, bệnh suy thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng đến giai đoạn cuối. Vì thế, muốn phát hiện bệnh sớm phải xét nghiệm đình kỳ. Đặc biệt ở các đối tượng nguy cơ cao, nhất là người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và gia đình có người bệnh thận, cần làm xét nghiệm tầm soát định kỳ, mỗi năm 2 lần, còn những người khác thực hiện xét nghiệm 1 năm 1 lần. “Để phòng tránh suy thận, cần thực hiện lối sống lành mạnh; uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng; không ăn mặn; tránh sử dụng thuốc bừa bãi. Người có bệnh nền cần phải được kiểm soát tốt, phòng tránh gây ra các biến chứng”, bác sĩ Phương Nga nói thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Toàn tỉnh có 4 cơ sở y tế thực hiện lọc máu định kỳ cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, gồm: Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu, TTYT huyện Xuyên Môc và TTYT Vietsovpetro. Chỉ tính riêng 2 bệnh viện đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi bị suy thận mạn tính chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó, Bệnh viện Vũng Tàu có 40/155 bệnh nhân, Bệnh viện Bà Rịa 71/260 người bệnh.

 

 

;
.