Sở GD-ĐT đã phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tổ chức chuỗi hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp sau THCS cho HS lớp 9 trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giúp các em tự tin đưa ra lựa chọn cho tương lai.
TS. Tô Nhi A trao đổi với HS huyện Long Điền trong chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. |
Nhiều con đường, một đích đến
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động, thành viên Ban Tư vấn chia sẻ, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài 65% HS có cơ hội vào THPT công lập thì có 35% cần phải được hướng nghiệp để đưa ra lựa chọn tiếp tục theo học tại các trường THPT tư thục, Trung tâm GDTX hay theo phân luồng giáo dục nghề nghiệp. “Dù có nhiều lựa chọn, nhưng tất cả những con đường đó đều đi tới cái đích cuối cùng là tạo dựng nguồn nhân lực cho tương lai”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông nhận định, Bà Rịa-Vũng Tàu đang thiếu nhân lực nhưng nhiều người lại đang thất nghiệp ngay trên chính “sân nhà”. Thực trạng đó cho thấy: “Không có trường nào “hot”, ngành nào “hot”, mà chỉ có chính chúng ta “hot” mà thôi!”.
Theo ông, đất nước đang trong quá trình hội nhập, có nhiều ngành nghề. Song, 8 nhóm ngành cơ bản là: Công nghệ kỹ thuật (công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, phần mềm, công nghệ cơ khí…); Khoa học tự nhiên (kiến trúc, công nghệ xây dựng, thiết kế, môi trường…); Kinh tế tài chính- hành chính, pháp luật; Khoa học xã hội nhân văn (tâm lý, Xã hội học, du lịch, nhà hàng khách sạn…); Sư phạm; Chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp công nghệ cao; Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Dù bất cứ nhóm ngành nào thì trong tương lai đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là những người lao động có kiến thức phổ thông, có kiến thức nghề nghiệp, giỏi nghề, có kỹ năng, kỷ luật, công nghệ và ngoại ngữ. Việc tiếp cận nghề nghiệp một cách đúng đắn sẽ giúp các em loại bỏ được nỗi sợ hãi mang tên “thất nghiệp”.
Để xác định được phương hướng cho mình trong vô vàn lựa chọn, trước hết, các em HS cần nhận thức được trong khoảng 10 năm nữa, các em mong muốn mình làm công việc gì, kiếm tiền bằng cách nào. Ở độ tuổi này, các em có thể chưa “gọi tên” đươc công việc cụ thể nhưng phải xác định được dạng lao động mà mình muốn tham gia. Từ dạng lao động, các em lựa chọn học lên THPT hay theo học tại các trường nghề.
TS. Tô Nhi A, chuyên gia Tâm lý-Kỹ năng
|
Thoát khỏi “nỗi ám ảnh” không được vào công lập
Theo TS.Tô Nhi A, chuyên gia tâm lý-kỹ năng, không vào THPT công lập không có nghĩa là cánh cửa tương lai đóng lại. Các em vẫn còn những con đường khác, phương thức khác để đến được đích cuối cùng là trở thành nguồn lao động. Không đủ khả năng để đi con đường này thì vẫn có những con đường khác phù hợp hơn với năng lực và điều kiện của mình. Sự lựa chọn này được đưa ra dựa trên các căn cứ: năng lực học tập, kinh tế gia đình, mong muốn được sớm bước chân vào thị trường lao động hoặc muốn tập trung học tập…
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cũng nhắn nhủ tới các em HS hãy thoát khỏi “nỗi ám ảnh” mang tên “vào THPT công lập”, bởi đó không phải là yếu tố để xã hội và nhà tuyển dụng nhìn nhận, đánh giá giá trị của các em.
Dù khát vọng của cha mẹ là chính đáng, nhưng việc học là lựa chọn của con. Hãy bình tĩnh để thảo luận, lắng nghe và đồng hành, hỗ trợ để lựa chọn con đường phù hợp nhất với con mình, chứ không phải với “con nhà người ta”. Tương lai của con là con đường rất dài, nên không thể tính bằng chặng đường 2-3 năm. Mọi sự ép buộc có thể trở thành nguyên nhân của sự bùng nổ phức tạp.
Theo các thành viên Ban Tư vấn, sự lựa chọn ngoài công lập có những ưu điểm riêng và luôn mở ra cho các em HS cơ hội để học lên các bậc học cao hơn. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Long Điền-Đất Đỏ chia sẻ, theo học tại các trung tâm GDTX, sau 3 năm học, các em vẫn được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT với HS THPT để có được tấm bằng tốt nghiệp do Bộ GD-ĐT cấp, không có sự phân biệt giữa THPT với GDTX. Đồng thời, có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH, CĐ.
Ngoài ra, học tập tại các trung tâm GDTX, các em được hưởng quyền lợi tương đương với THPT công lập, với mức học phí tương đối thấp (năm 2022 là 70 ngàn đồng/tháng). Các trung tâm GDTX có chính sách miễn giảm học phí cho HS thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó, ngoài học văn hóa, nhiều trung tâm còn phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo một số nghề trình độ sơ cấp. Khi ra trường, các em có thể sở hữu cả bằng tốt nghiệp THPT và bằng sơ cấp nghề để có thể liên thông CĐ-ĐH.
Còn với lựa chọn theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, HS được trợ cấp, miễn, giảm học phí và ưu tiên trong tuyển sinh và có cơ hội sớm bước chân vào thị trường lao động hoặc tiếp tục học liên thông để theo đuổi giấc mơ học tập.
Đại diện Trường Phổ thông CĐ FPT Polytechnic (trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT) cho hay, nhằm phát triển SV theo định hướng “Học nhanh-Làm sớm”, cung cấp năng lực lao động trẻ toàn cầu, SV của trường được nhận bằng CĐ chính quy chỉ sau 3 năm học tập. Hiện nay, có tới 97,7% SV của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI