Rắn chàm quạp rất nguy hiểm
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị rắn chàm quạp cắn. Trong đó có trường hợp nặng, gây nhiều tổn thương và nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phát, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) kiểm tra lại vị trí bị rắn cắn cho người bệnh. |
Nên đến bệnh viện ngay khi bị rắn cắn
18 giờ ngày 4/4, ông P.T.L. (SN 1966, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) ra vườn tắt vòi tưới nước cho cây nhãn. Do trời nhá nhem tối, ông lại chủ quan không đeo ủng khi ra vườn. Vì thế, ông giẫm phải rắn chàm quạp và bị cắn 2 mũi vào bàn chân phải.
Vết rắn cắn đau khiến ông L. xây xẩm mặt mày, không đi nổi, phải nhờ người thân cõng vào nhà. Thế nhưng, ông vẫn không đi đến bệnh viện. Ông tin vào lời giới thiệu của người quen nên đến nhà thầy lang trong xã nhờ lấy nọc rắn và chữa trị.
Tuy nhiên, biện pháp điều trị dân gian này không mang lại hiệu quả. Sau một ngày, bệnh tình trở nặng khi thấy chân nhức và sưng đến tận đầu gối, lúc này người nhà mới đưa ông vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Theo ông L., vườn nhãn nhà ông thường xuyên xuất hiện rắn chàm quạp. Vì thế, mỗi khi đi làm vườn ông đều đi ủng bảo vệ. Hôm đó, do chủ quan, chỉ nghĩ là ra tắt vòi nước nên không đi ủng. “Trong làng của tôi đã có người tử vong do rắn chàm quạp cắn mà không đi bệnh viện kịp thời”, ông L. cho biết.
Theo bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa), bệnh nhân L. vào viện trong tình trạng sưng nề, bầm tím, nổi bóng nước rải rác ở bàn chân phải và lan đến trên khớp cổ chân, có rỉ máu và dịch ở bàn chân. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết dưới da dạng chấm, từng mảng rải rác toàn thân.
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân L. bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu. Đây là những biểu hiện của tình trạng bệnh đã nặng, người bệnh đến viện khá trễ. Công tác xử lý sau khi bị rắn chàm quạp cắn chưa khoa học của người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phát, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, bệnh nhân L. đã được nhân viên y tế vệ sinh vùng bị tổn thương do rắn cắn; sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng. Người bệnh được truyền 3 đơn vị huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp và bổ sung thêm dịch truyền cùng 1 đơn vị hồng cầu lắng.
Trong đó việc truyền huyết thanh có tác dụng trung hòa độc của rắn trong cơ thể người bệnh. Sau mấy ngày điều trị, tình trạng đông máu đã ổn, triệu chứng sưng nề đã giảm. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội tổng hợp tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe.
Rắn chàm quạp hay còn gọi là rắn lục mã lai, rắn lục nưa… thường sống ở khu vực có nhiều cây cối rậm rạp. |
Đi ủng, đeo bao tay khi làm vườn để phòng tránh
Rắn chàm quạp hay còn gọi là rắn lục mã lai, rắn lục nưa… Rắn có màu nâu hay đỏ nâu, dài khoảng 0,2-1m, nặng 100-2.000g, đầu hình tam giác, dọc theo sống lưng có nhiều tam giác màu nâu đối xứng giống cánh bướm.
Sau khi cắn, rắn chàm quạp thường nằm yên tại chỗ, không di chuyển nên nhận diện dễ dàng. Đây là một loại rắn độc rất nguy hiểm thường gây tai nạn ở các nước vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Rắn cắn gây tử vong cao cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm, do đặc tính rắn có thói quen nằm cuộn dưới lá cây khô nên khó phát hiện. Loại rắn này hay sinh sống tại các vùng sản xuất nông nghiệp như vườn cao su, điều hoặc bụi cây rậm.
Khi người dân tác động hay giẫm lên thì rắn mới cắn. Do vậy, khoảng 70% người bệnh bị rắn cắn ở bàn chân; số còn lại cắn ở tay và các bộ phận khác trên cơ thể. Khi bị rắn cắn, người bệnh không đến bệnh viện sớm sẽ gây các biến chứng nguy hiểm như rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu da niêm… gây tử vong cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phát khuyến cáo, khi bị rắn chàm quạp cắn cần phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn. Băng ép vết thương bằng băng thun từ vị trí bị rắn cắn đến gốc chi. Không được garo bởi khi mở garo đột ngột sẽ làm độc tố của rắn chảy về tim, gây nguy hiểm hơn khi không garo. Người bệnh hạn chế vận động và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ xử lý kịp thời.
“Đối với người lao động ở các khu vực nông thôn có nhiều nguy cơ bị rắn chàm quạp cắn thì phải sử dụng các biện pháp như đi ủng, đeo bao tay… để bảo vệ bản thân, tránh bị rắn cắn”, bác sĩ Nguyễn Tấn Phát thông tin.
3 tháng đầu năm, Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận và điều trị cho 10 trường hợp bị rắn chàm quạp cắn ở huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ. Hầu hết các bệnh nhân đều vào viện sớm, chưa có biểu hiện rối loạn đông máu nên không gây nguy hiểm cho người bệnh. Hiện Bệnh viện Bà Rịa là cơ sở y tế duy nhất trên địa bàn tỉnh có dung dịch huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp. |
Bài, ảnh: TUỆ LÂM