Giữa phố biển Vũng Tàu bộn bề, sôi động thì lại có một không gian đậm chất miền núi là quán cà phê Mường Vang (1844/12C, Võ Nguyên Giáp, phường 12). Quán gây ấn tượng với nhiều người bởi phong cách mang đậm sắc màu Tây Bắc.
Mường Vang điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Trong ảnh là nhóm du khách đến từ Vũng Tàu chek-in tại cà phê Mường Vang. |
Giữ gìn văn hóa miền núi
Trong căn nhà sàn tại “Mường Vang”, hương cà phê lan tỏa khắp các ngóc ngách đánh thức tất cả giác quan của mọi người. Ngôi nhà sàn được nhiều người tìm đến uống cà phê phần nhiều cũng là để hòa mình vào một không gian văn hóa khó có thể kiếm tìm ngay giữa lòng phố biển. Cùng với đó là các bộ trang phục, phụ kiện của dân tộc ở Tây Bắc được trưng bày tại quán.
Chị Trương Thị An (SN 1972), chủ quán cho biết, chị sinh ra và lớn lên giữa bản Mường, Hòa Bình. Vào đây lập nghiệp đã hơn 30 nhưng tình yêu dành cho quê hương miền Tây Bắc không bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí của chị. “Những bộ váy áo xúng xính sắc màu, những điệu múa và tiếng cồng chiêng vang xa giữa vùng núi rừng thăm thẳm, hòa cùng tiếng lách cách của đống lửa đêm hội bản mừng mùa lúa chín - tất cả như quyện vào nhau tạo nên những thanh âm tuyệt vời mà cả tuổi thơ tôi đã trải qua. Đó là ý tưởng để tôi muốn mang cả cái bản Mường xinh đẹp ấy vào Vũng Tàu”, chị An tâm sự.
Tổng diện tích của quán chỉ khoảng 300m2, được chị An tự tay chị thiết kế tỉ mẩn. Cách bài trí đậm chất nghệ thuật, những bức tranh, tấm bảng hiệu làm bằng gỗ rất mộc mạc được khắc những câu thơ, câu châm ngôn của đồng bào dân tộc ở Tây Bắc do chị tự đặt tại xưởng gỗ khắc. Mái ngói, tường gạch đã phủ lớp rêu phong theo thời gian gợi cảm giác xưa cũ. Tấm rèm thêu thổ cẩm cũng trở thành nét đặc trưng tạo nhận diện cho quán cà phê mang phong cách đậm sắc màu dân tộc vùng cao.
Ấn tượng khi bước vào quán ở ngay lối vào là những bắp ngô phơi khô trên trần. Đây là phong tục của nhiều dân tộc vùng Tây Bắc, họ thường treo lương thực như lúa, ngô, lạc trên gác nhà sau khi thu hoạch xong để tích trữ, tránh ẩm mốc, giữ giống cho mùa vụ sau. Chị An đã phải vào nhiều bản làng vùng cao để sưu tầm những nông cụ sản xuất của người dân, tự tay chọn lựa từng tấm vải thổ cẩm để may nệm cho ghế, làm điểm nhấn cho quán. Sưu tầm các nhạc cụ của dân tộc Tày, Nùng; trang phục dân tộc của Mường, Mèo, Thái, thậm chí những bắp ngô đó chị cũng vận chuyển từ Lai Châu vào.
Là một thanh niên trẻ yêu thích khám phá các nét văn hóa dân tộc, anh Bùi Đức Bình (25 tuổi, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) rất ấn tượng với phong cách thiết kế và trang trí tại Mường Vang, tạo không gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. “Vừa đi chơi biển vừa được trải nghiệm văn hóa Tây Bắc ở thành phố xinh đẹp thì còn gì bằng. Điều ấn tượng nữa đối với chúng tôi chính là nỗ lực của chị chủ khi cố gắng gửi gắm những nét văn hóa Tây Bắc qua một không gian nhỏ của quán”, anh Bình nói. |
“Bảo tàng dân tộc thu nhỏ của Tây Bắc”
Tầng dưới là không gian cho khách uống cà phê, còn tầng trên với bảng “Nhà của Mị ở đây” là nơi để hơn 50 trang phục của các dân tộc cùng hơn 200 phụ kiện được chị An sưu tầm. Sau một thời gian hoạt động, Mường Vang còn được rất nhiều bạn trẻ ưu ái, đặt cho biệt danh là “Bảo tàng dân tộc thu nhỏ của Tây Bắc”. Chị An nói, mong muốn của chị là quán cà phê này trở thành không gian ai cũng muốn đến để tìm những phút giây thoải mái, thư thái.
Sinh ra và lớn lên ở TP.Vũng Tàu, chị Phạm Thị Thu Hồng cho biết, chị chưa đi du lịch ở Tây Bắc lần nào. Khi được trải nghiệm tại quán cà phê Mường Vang, cả gia đình chị cảm thấy rất ấn tượng với không gian độc đáo, mang theo âm hưởng núi rừng. “Đồ vật trang trí rất khéo léo đan xen với những vật dụng thân thuộc của đồng bào vùng cao với thổ cẩm, chiêng, trống. Con gái và cha mẹ tôi rất thích khi được khám phá không gian thu nhỏ của Tây Bắc ở đây”.
Lặng thinh giữa lòng phố biển, ngôi nhà sàn Mường Vang vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ bình dị. Mỗi một góc cạnh đều được chủ nhân của quán chăm chút và trang trí tỉ mẩn. Đó là lý do khiến nơi đây trở thành điểm check-in hấp dẫn của nhiều vị khách.
Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG