Vì sao thi đánh giá năng lực hút thí sinh?
Bắt đầu tổ chức từ năm 2018, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh liên tục xác lập những kỷ lục mới về số lượng thí sinh tham dự và cơ sở giáo dục ĐH-CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển. Đâu là lý do khiến cho kỳ thi này ngày càng được “ưa chuộng”?
Năm 2023, lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cán mốc 90 ngàn thí sinh chỉ trong đợt 1. Trong ảnh: Thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Dầu khí Việt Nam phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực. |
Cán mốc 90 ngàn thí sinh dự thi
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH quốc gia TP. Hồ Chí Minh chính thức được tổ chức từ năm 2018. Trong năm đầu tiên tổ chức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có 121 thí sinh đăng ký dự thi. Đến năm 2019, con số này tăng hơn 10 lần, đạt 1.327 thí sinh. Trong những năm tiếp theo, lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi này không ngừng gia tăng. Năm 2020 là 1.934 thí sinh, năm 2021 là 2.088 em, năm 2022 là 2.972 em.
Đặc biệt, năm 2023, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 91.445 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi Đánh giá năng lực chỉ trong đợt 1. Đây là số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất trong các đợt thi từ trước đến nay, tăng gần 6.500 thí sinh so với số đăng ký thi đợt 1 năm trước. Riêng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, con số này là gần 2.700 thí sinh, tương đương với số thí sinh dự thi của cả 2 đợt năm 2022.
Đánh giá xu hướng thi đánh giá năng lực, cán bộ quản lý các trường THPT đều cho rằng trong những năm gần đây, xu hướng dự thi ngày càng tăng. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) nhận định: “Trong mấy năm trở lại đây, số lượng thí sinh dự thi đánh giá năng lực ngày càng tăng. Tại Trường THPT Châu Thành, chỉ riêng đợt 1 này đã có hơn 360 HS dự thi, chiếm tới trên 90% HS lớp 12 của trường”.
Vì sao kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng thu hút thí sinh? Lý giải điều này, thầy Lâm nhận định, đây là “kênh” xét tuyển ĐH rất tốt, đánh giá một cách toàn diện năng lực của HS trước khi vào học ĐH. Phương thức này đã mở thêm 1 cơ hội cho HS trúng tuyển sớm vào các trường ĐH.
Đồng quan điểm, thầy Hồ Sĩ Nhật Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) cho rằng, kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ giúp HS tăng cơ hội trúng tuyển, làm giảm áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn tạo cơ hội để HS thử sức, rút kinh nghiệm. Nếu chưa hài lòng với kết quả thi đợt 1, các em có thể tiếp tục dự thi đợt 2.
Còn theo cô Nguyễn Thị Lan Đài, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), hiện nay, số trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này ngày càng tăng. Hiện đã có hơn 90 trường đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Cùng với đó, nhiều trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay dự kiến tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực tối thiểu đạt 45%. Đó là những lý do khiến kỳ thi này ngày càng “hút” thí sinh.
Theo TS.Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, việc quản lý ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi, chấm thi, đánh giá câu hỏi đều được thực hiện với hệ thống phần mềm chuyên dụng, tương đương với các tổ chức đánh giá uy tín trong khu vực và trên thế giới. Bài thi này được xây dựng với cùng cách tiếp cận như bài thi SAT của Hoa Kỳ và bài thi TSA của Anh.
Kết quả bài thi được xác định theo phương pháp trắc nghiệm hiện đại, cụ thể là lý thuyết đáp ứng câu hỏi - IRT. Các câu hỏi có độ khó, độ phân biệt khác nhau sẽ có đóng góp khác nhau vào tổng điểm. Kết quả đánh giá những năm qua cho thấy ngân hàng câu hỏi của kỳ thi này có độ giá trị, độ tin cậy và độ chọn lọc cao.
|
Bài thi đặc biệt
Cô Nguyễn Thị Lan Đài cho biết, bài thi đánh giá năng lực có tới 120 câu, bao hàm kiến thức tổng hợp của nhiều môn học, lĩnh vực với thời gian làm bài là 150 phút. Bài thi này đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng vận dụng, giải quyết vấn đề, có tư duy logic, chứ không đơn thuần là học thuộc lòng. Điểm khác biệt của bài thi còn ở chỗ không có “barem” điểm cụ thể cho từng câu hỏi. Điểm số của từng câu phụ thuộc vào số thí sinh trả lời đúng câu hỏi đó theo thống kê trên hệ thống. Câu hỏi có số thí sinh trả lời đúng càng ít thì điểm số càng cao và ngược lại.
Theo thầy Đinh Ngọc Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ), trước xu thế thi đánh giá năng lực ngày càng tăng, nhà trường đã quán triệt GV bộ môn nghiên cứu kỹ đề thi đánh giá năng lực để lồng ghép vào chương trình dạy học chính khóa. Trong đó đặc biệt chú trọng đến Toán thực tế, vì đó là một phần quan trọng trong đề thi. Đề thi đánh giá năng lực có kiến thức tương đối rộng, bao gồm cả kiến thức xã hội. Do đó, trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa, nhà trường chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức xã hội để HS dự thi đạt kết quả tốt hơn.
Về phía thí sinh, các em cũng cho rằng, với những điểm đặc biệt nói trên, “tự học” chính là chìa khóa để đạt kết quả cao với bài thi đánh giá năng lực. “Với đề thi đánh giá năng lực, chúng em chỉ có thể tự ôn tập và củng cố kiến thức trong quá trình học phổ thông. Từ kiến thức nền, chúng em phải rèn luyện cho mình tư duy logic, phân tích số liệu, suy luận, chứ không thể học thuộc lòng hay học tủ. Điều đó khiến em cảm thấy áp lực nhưng cũng rất hào hứng với kỳ thi này”, em Nguyễn Thị Như Quỳnh, HS lớp 12A10, Trường THPT Châu Thành chia sẻ.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI