.
GỠ VƯỚNG CHO BỆNH VIỆN, TRUNG TÂM Y TẾ TUYẾN HUYỆN

Kỳ 1: Nan giải "bài toán" thiếu nhân lực

Cập nhật: 18:15, 21/03/2023 (GMT+7)

Đầu tháng 3/2023, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH), HĐND tỉnh tổ chức đợt khảo sát về tình hình tổ chức và hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) công lập trên địa bàn tỉnh. Qua đó ghi nhận, các đơn vị y tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập, nhất là vấn đề về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.

Kỳ 1: Nan giải "bài toán" thiếu nhân lực

Trong số 10 bệnh viện, TTYT tuyến huyện mà Ban VH-XH, HĐND tỉnh khảo sát, 9 đơn vị (trừ Bệnh viện Vũng Tàu) đang đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực do nhân viên y tế nghỉ việc, khó tuyển dụng. Tình trạng này ngày càng gia tăng và khó giải quyết dứt điểm.

Các thành viên trong Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thăm hỏi, động viên tinh thần làm việc của nhân viên y tế (Bệnh viện Vũng Tàu).
Các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thăm hỏi, động viên tinh thần làm việc của nhân viên y tế (Bệnh viện Vũng Tàu).

Thiếu nhân lực trầm trọng

Bệnh viện Bà Rịa là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng II, có quy mô 900 giường bệnh. Theo chỉ tiêu quy định tại Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV, bệnh viện phải có 1.355 nhân viên. Tuy nhiên, bệnh viện mới chỉ có 1.137 người (biên chế và hợp đồng), còn thiếu 218 người. Trong đó thiếu 29 bác sĩ, 10 dược sĩ, 135 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và 44 nhân viên khác.

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết, tính đến hết tháng 2/2023, bệnh viện có 86 nhân viên nghỉ việc, gồm: 38 bác sĩ, 26 điều dưỡng; 19 người chuyển công tác. Việc này khiến bệnh viện thiếu hụt nguồn nhân lực, gây khó khăn trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn.

Theo bác sĩ Dương Thanh, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng gia tăng là do thu nhập từ nguồn lương và các phụ cấp chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của họ. Mức lương chưa phù hợp với trình độ được đào tạo, chưa theo vị trí việc làm. Mô hình y tế tư nhân phát triển, nhu cầu tuyển dụng bác sĩ với các chính sách về tiền lương cao, chế độ đãi ngộ tốt hơn các đơn vị y tế công lập nên có sự dịch chuyển nguồn nhân lực từ y tế công sang tư, đặc biệt nguồn bác sĩ có chuyên môn hiếm. Hơn nữa, Bệnh viện Bà Rịa còn gặp khó khăn về tài chính, không có kinh phí đào tạo nên nhân viên y tế mất cơ hội đi học nâng cao chuyên môn.

“Một số nhân viên y tế phải tự túc kinh phí đi học tập dài hạn sau ĐH. Bệnh viện cũng chưa có các chính sách thu hút, giữ chân nhân viên y tế. Đây là những rào cản thu hút, giúp đội ngũ nhân viên gắn bó lâu dài tại đơn vị”, bác sĩ Dương Thanh nói.

Bệnh viện Bà Rịa là đơn vị y tế đang thiếu nhân viên nhiều nhất tỉnh, với 218 người. Trong ảnh: Các bác sĩ của Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) xem kết quả chụp X- Quang cho bệnh nhân.
Bệnh viện Bà Rịa là đơn vị y tế đang thiếu nhân viên nhiều nhất tỉnh, với 218 người. Trong ảnh: Các bác sĩ Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) xem kết quả chụp X- Quang cho bệnh nhân.

Tương tự, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự. Bệnh viện được giao 173 chỉ tiêu, nhưng đến nay đơn vị này mới có 131 người. Trong đó, bệnh viện thiếu trầm trọng nguồn nhân lực bác sĩ. Liên tục nhiều năm qua, bệnh viện chưa tuyển thêm được bác sĩ nào. Bác sĩ Hồ Lộc, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, bệnh viện có 11 bác sĩ thì chỉ 5 người có chứng chỉ hành nghề về tâm thần. Vì thế, việc thực hiện công tác khám chữa bệnh (KCB), phân công ca trực hằng ngày rất vất vả. Các bác sĩ thường xuyên được điều động tăng cường trực trong thời gian ra ca trực. Mặt khác, do không tuyển được bác sĩ tâm thần nhi nên bệnh viện chưa triển khai được khoa điều trị trẻ em.

Theo bác sĩ Hồ Lộc, bệnh viện có quy mô 200 giường bệnh. Sở Y tế đã trình Sở Nội vụ số lượng người làm việc thực tế cho bệnh viện là 327 người. Thế nhưng, so với số nhân sự hiện có, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn thiếu khoảng 60% số lượng người làm việc. “Bệnh viện gặp rất nhiều áp lực vì ngoài đặc thù bệnh nhân, việc thiếu nhân sự khiến nhân viên y tế bị quá tải công việc”, bác sĩ Hồ Lộc chia sẻ.

Nhiều bất cập

TTYT huyện Long Điền được giao 186 biên chế, gồm 129 người cho TTYT huyện và 57 người cho các trạm y tế. Đến nay, đơn vị mới có 157 người làm việc kể cả trạm y tế tuyến xã. Lãnh đạo TTYT huyện Long Điền cho rằng, TTYT có 100 giường bệnh nên việc giao cho đơn vị 129 biên chế là chưa đủ theo định biên của Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV. Theo thông tư này, TTYT huyện Long Điền phải có 140 biên chế.

Bác sĩ Dương Văn Muôn, Giám đốc TTYT huyện Long Điền phân tích, do chưa được phân bổ đủ định biên, không đủ bác sĩ làm công tác KCB nên việc bố trí cho nhân viên tham gia các lớp đào tạo chuyên khoa I, định hướng chuyên khoa chưa thể thực hiện. Một bất cập khác nữa, theo Thông tư 15/2018 của Bộ Y tế quy định một bác sĩ chỉ được khám tối đa 65 lượt bệnh nhân/ngày đã gây ra khó khăn cho đơn vị trong bối cảnh thiếu nhân lực mà khó tuyển dụng, nhất là đội ngũ bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề.

Các đơn vị y tế rất khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực điều dưỡng. Trong ảnh: Các điều dưỡng của Bệnh viện Bà Rịa chăm sóc người bệnh.
Các đơn vị y tế rất khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực điều dưỡng. Trong ảnh: Các điều dưỡng Bệnh viện Bà Rịa chăm sóc người bệnh.

“Thời gian qua, TTYT huyện Long Điền được Sở Y tế phân bổ về một số bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ của tỉnh, nhưng chưa thể KCB. Đây là những bác sĩ mới ra trường, phải trải qua thời gian thực hành 18 tháng mới được cấp Chứng chỉ hành nghề”, Bác sĩ Dương Văn Muôn cho biết thêm.

Ngoài ra, việc cấp Chứng chỉ hành nghề bổ sung các chuyên khoa khác cũng đang gặp trở ngại. Bác sĩ Trần Ngọc Triệu, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh cho biết, đơn vị là bệnh viện chuyên khoa về y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại về phục hồi chức năng, chẩn đoán hình ảnh… Hằng năm, bệnh viện có nhu cầu tuyển nhân sự các chuyên khoa khác để phục vụ công tác KCB kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại cho người bệnh. Thế nhưng, bệnh viện chưa tuyển được nguồn nhân lực này. Trước mắt, bệnh viện phải tự đào tạo từ đội ngũ nhân sự sẵn có của các chuyên khoa khác. Trong đó, Khoa Phục hồi chức năng đã có 5 bác sĩ có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản 10 tháng. Nhưng theo văn bản số 1376/KCB-QLHN ngày 19/10/2022 của Bộ Y tế thì không được cấp bổ sung Chứng chỉ hành nghề.

“Từ những vướng mắc này khiến Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh gặp rất nhiều hạn chế trong KCB phục hồi chức năng”, bác sĩ Trần Ngọc Triệu bày tỏ.

Bên cạnh đó, các bệnh viện, TTYT tuyến huyện còn không tìm được nguồn nhân lực bác sĩ các chuyên khoa hiếm và đội ngũ chăm sóc người bệnh. Đơn cử như Bệnh viện Bà Rịa có 38 điều dưỡng, 7 hộ sinh nghỉ việc và chuyển công tác, song bệnh viện không thể tuyển được do các trường đào tạo không tuyển sinh được người học. Hay như TTYT huyện Xuyên Mộc cũng không tuyển được bác sĩ các chuyên khoa như: Răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt… vì số lượng người học những chuyên khoa này hạn chế.

Các bệnh viện TTYT tuyến huyện cần xem xét lại đã tạo được môi trường, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ tốt hay chưa để đội ngũ nhân viên y tế có sự đoàn kết, gắn bó làm việc lâu dài tại các đơn vị y tế. Nếu làm tốt điều này cũng là một giải pháp hiệu quả nhằm thu hút, tạo động lực và giữ chân đội ngũ nhân viên y tế.
(Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban VH-XH, HĐND tỉnh)

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.