Tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người già, không phụ thuộc vào người thân. Chính sách hữu ích này đã dần thu hút nhiều người tham gia với mong muốn có tuổi già an vui.
Chuyên viên BHXH huyện Đất Đỏ tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân lao động tại chợ Đất Đỏ. |
"Của để dành"
Từ khi nghỉ hưu, vợ chồng bà Lưu Thị Mai Hoa (SN 1964, ngụ phường 3, TP.Vũng Tàu) cảm thấy rất thảnh thơi, không phải băn khoăn nhiều về tiền chi tiêu vì hằng tháng đều được nhận lương hưu. Lương hưu của vợ chồng bà mỗi tháng 10 triệu đồng, đủ trang trải chi phí cuộc sống.
“Đến tuổi nghỉ hưu, tôi thiếu 2 năm công tác để nhận lương hưu. Được nhân viên BHXH tư vấn, tôi đã đóng 1 lần số tiền của 2 năm BHXH tự nguyện để nhận lương hưu", bà Hoa cho hay.
Ngoài số tiền lương hưu được hưởng hằng tháng, bà Hoa còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh. Vừa có lương hưu, vừa có thẻ BHYT, bà an hưởng tuổi già, không phải phiền đến con cháu.
Tương tự, bà Trần Thị Chúc (SN 1966, ngụ xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) đã được hưởng lương hưu hơn 1 năm nay. Bà rất vui vì có khoản thu nhập cố định để an tâm tuổi già. Bà Chúc cho biết, trước đây, bà là công chức ở huyện, đóng BHXH bắt buộc 17 năm 6 tháng. Lúc đó, bà chưa đủ năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu nên nhiều người khuyên bà rút BHXH một lần để lấy "một cục".
Luật BHXH quy định mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là: 22%x1.500.000 đồng là 330.000 đồng/tháng.
Từ 1/7/2023 dự kiến mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng (trước đó là 1,49 triệu đồng/tháng), theo đó mức đóng BHXH tự nguyện tối đa năm 2023 bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở và được chia làm 2 mốc thời gian như sau: Mức đóng BHXH tự nguyện tối đa đến 30/6/2023 là: 22%x(20x1.490.000) là 6.556.000 đồng/người/tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện tối đa từ 1/7/2023 là: 22%x(20x1.800.000) là 7.920.000 đồng/người/tháng.
Mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo là 99.000 đồng/tháng; hộ cận nghèo là 82.500 đồng/tháng và đối tượng khác là 33.000 đồng/tháng. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và đóng đủ 20 năm. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng đủ 10 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì có thể đóng 1 lần cho 10 năm tiếp theo.
Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện là được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia; lương hưu được điều chỉnh theo Chỉ số giá tiêu dùng, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân.
|
Tuy nhiên, bà đã cân nhắc và quyết định đóng BHXH tự nguyện thêm 2 năm 6 tháng nữa cho đủ điều kiện hưởng lương hưu. Hiện nay, ngoài tiền lương hưu hơn 2,9 triệu đồng/tháng, bà còn được phát thẻ BHYT miễn phí, yên tâm đi khám, chữa bệnh khi ốm đau mà không sợ gánh nặng về viện phí. “Tôi thấy quyết định tham gia BHXH tự nguyện của mình rất đúng đắn. Điều này mang lại cho tôi sự an tâm khi tuổi già, không phải là gánh nặng cho các con”, bà Chúc chia sẻ.
Năm nay 47 tuổi, bà Nguyễn Thị Hoa (phường 4, TP.Vũng Tàu) đang phải bươn chải đủ nghề từ gia công may tại nhà đến chạy xe ôm với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Mặc dù thu nhập bấp bênh, phải lo cho 2 con ăn học, bà vẫn quyết định mua BHXH tự nguyện và BHYT với mong muốn an nhàn tuổi già. “Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng tôi chắt chiu dành ra khoản tiền nhỏ mỗi tháng để tham gia BHXH tự nguyện từ đầu năm 2019. Theo nhẩm tính, khi đóng đủ 20 năm và hết tuổi lao động, tôi sẽ nhận được khoản tiền lương hằng tháng (tính theo thời điểm hiện nay là hơn 1 triệu đồng/tháng), được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe và một số chế độ đãi ngộ khác”, bà Hoa tính toán.
Chung mong ước có lương hưu khi hết tuổi lao động, chị Trần Thị Nhi (phường 8, TP.Vũng Tàu) đóng BHXH tự nguyện mức 500 ngàn đồng/tháng. Chị Nhi bộc bạch: “Tôi vừa nghỉ việc ở trường mầm non để kinh doanh nhỏ. Với 7 năm đã đóng BHXH, tôi không rút BHXH một lần mà tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Dự kiến khi đủ 20 năm đóng và hết tuổi lao động, tôi sẽ được nhận lương hưu khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền này tôi có thể yên tâm vui sống”.
Chị Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi, ngụ phường 4, TP. Vũng Tàu) tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2019 để hưởng lương hưu, có thẻ BHYT khi hết tuổi lao động. |
Tăng cường tuyên truyền
Theo bà Ngô Thị Tuyết, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT, Bưu điện tỉnh, hiện nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về phương thức đóng, các chế độ được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. “Để người dân “thấm” và hiểu rõ về các chế độ, quyền lợi mà BHXH tự nguyện mang lại, chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, dựa vào các nội dung của BHXH để tuyên truyền cho người dân”, bà Tuyết nói.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho hay, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, ngành luôn cố gắng sắp xếp, bố trí công việc tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian đi lại cho người dân. Việc làm hồ sơ, thủ tục cũng như giải quyết các chế độ, chính sách… hoàn thành trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, phát triển thêm mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT để bảo đảm việc thu tới từng nhà; thực hiện thu và trả kết quả cho người dân, tạo được niềm tin cho nhân dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
“Để người dân hiểu sâu hơn nữa về ý nghĩa, quyền lợi, tính nhân văn của BHXH tự nguyện, BHXH và chính quyền các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nhận thức được rằng: Dành khoản chi tiêu nhỏ tham gia BHXH tự nguyện hôm nay để hướng đến tuổi già an nhàn ngày mai”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: QUANG LÊ