Xóa rào cản phân biệt đối xử với phụ nữ

Thứ Ba, 28/02/2023, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Với mục tiêu chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử, chính quyền và hội phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình thiết thực nhằm giúp phụ nữ vươn lên khẳng định bản thân, có được sống cuộc sống đầy đủ, bình đẳng.

Chị Lưu Thủ Kiếu (thứ 5 từ phải qua, ngụ xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) cùng các hội viên tham gia sinh hoạt  CLB Gia đình hạnh phúc và hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” do Trung ương hội phát động.
Chị Lưu Thủ Kiếu (thứ 5 từ phải qua, ngụ xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) cùng các hội viên tham gia sinh hoạt CLB Gia đình hạnh phúc và hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” do Trung ương hội phát động.

Giúp phụ nữ tự tin

Là Chủ nhiệm nhóm Phụ nữ tự lực Nghĩa Thành-Suối Nghệ, chị Phạm Thị Bích Thảo (SN 1974, thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cùng 20 thành viên trong nhóm thường xuyên chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, đồng thời động viên nhau phát triển kinh tế, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong các buổi sinh hoạt nhóm, chị Thảo lồng ghép nói chuyện chuyên đề: Luật Hôn nhân gia đình, xóa bỏ định kiến giới cho chị em.

Chứng kiến chị Thảo tự tin truyền cảm hứng cho các thành viên trong nhóm, ít ai biết rằng, hơn 4 năm trước, chị Thảo luôn sống trong mặc cảm, tự ti vì đôi chân khuyết tật của mình. Chị Thảo cho biết, sau trận sốt bại liệt lúc nhỏ, đôi chân chị đã không thể phát triển bình thường. Khi đến trường, chị thường xuyên bắt gặp ánh mắt kỳ thị, lời châm chọc từ bạn bè. Đến khi lập gia đình, chị cũng luôn ngại tới nơi đông người vì tự ti.

Năm 2019, tham gia nhóm Phụ nữ tự lực do Hội LHPN huyện Châu Đức thành lập, chị tìm thấy sự đồng cảm, tự tin để tích cực chia sẻ câu chuyện của bản thân, truyền cảm hứng nghị lực cho chị em cùng cảnh ngộ. Chị Thảo chia sẻ: “Tôi được Hội LHPN huyện quan tâm về mọi mặt. Các buổi truyền thông, tập huấn về: Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới… giúp tôi có thêm sự tự tin. Tại nhóm Phụ nữ tự lực, tôi gặp những chị em cùng cảnh ngộ. Chúng tôi kể cho nhau nghe về câu chuyện của bản thân, chia sẻ những điều đã gặp phải trong cuộc sống, từ đó tìm được sự đồng cảm và vượt qua mặc cảm để trở thành người có ích”.

Gần 20 năm tham gia tổ chức hội, chị Lưu Thủ Kiếu (xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) đã trở thành hội viên phụ nữ năng nổ, nhiệt tình trong công tác hội. Trước đây, chị thường bị chồng cấm đoán việc tham gia sinh hoạt hội phụ nữ. Hơn 2 năm trời, các cán bộ hội từ ấp đến xã kiên trì khuyên giải, phân tích thiệt hơn, dần dần chồng chị mới đồng thuận. Chị Kiếu cho biết: “Tham gia vào tổ chức hội, tôi biết nhiều kiến thức nuôi dạy con, chăm lo cho gia đình, các quy định của pháp luật, có sân chơi cùng chị em giao lưu…”. 

Hội LHPN xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) tham gia sinh hoạt,  chia sẻ kinh nghiệm sống với hội viên nhóm phụ nữ có con từ 0-16 tuổi.
Hội LHPN xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) tham gia sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm sống với hội viên nhóm phụ nữ có con từ 0-16 tuổi.

Đồng hành cùng phụ nữ

Trong vai trò Chi hội trưởng phụ nữ ấp Sông Xoài (xã Sông Xoài), chị Lê Thị Thúy nhớ rõ từng trường hợp gặp rào cản về giới. “Nhiều ông chồng có quan niệm phụ nữ là phải ở nhà chăm lo cho chồng con, lo việc đồng áng hoặc có cái nhìn sai lệch về tổ chức hội nên thường đóng cửa không tiếp đón. Thời gian đầu, Chi hội rất khó khăn trong việc tiếp cận, gần như không tuyên truyền được các thông tin thời sự, xã hội cho chị em. Chúng tôi phải phân nhóm đối tượng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến với gia đình họ bằng sự cảm thông và sẻ chia như mình là người trong nhà. Mưa dầm thấm lâu, người chồng dần thay đổi quan niệm không đúng về phụ nữ”.

Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho biết, sự phân biệt đối xử với phụ nữ do nhiều nguyên nhân, có thể xuất phát từ gia đình, xã hội, công việc người phụ nữ đang làm hoặc bản thân họ gặp khuyếm khuyết… Xác định xóa bỏ rào cản phân biệt đối xử với phụ nữ là một nhiệm vụ quan trọng, Hội LHPN huyện đã triển khai rộng rãi đến Hội LHPN cấp cơ sở. Trong các chương trình giao lưu, sinh hoạt, tập huấn, Hội lồng ghép nói chuyện chuyên đề định kiến về giới, Luật Hôn nhân gia đình, dựng các tình huống thực tế để hội viên cùng đưa ra cách xử lý…

Ngoài ra, Hội LHPN huyện Châu Đức đã thành lập và duy trì hoạt động Nhóm phụ nữ tự lực, 17 tổ kết nối thông tin, 75 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 16 Tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở. Năm 2022, Hội đã thành lập 16 “Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 16 tuổi”… Đến nay, những địa điểm như: địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh vẫn duy trì thực hiện nhưng gần như không còn trường hợp nào tìm đến.

Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đang duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động 510 CLB phòng, chống tệ nạn xã hội, 233 tổ tư vấn pháp luật, 390 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 19 CLB dân số-gia đình-trẻ em. Đồng thời, nhân rộng các mô hình: Nhóm phụ nữ tự lực; Chung tay quan tâm, chăm sóc trẻ em yếu thế; Tổ can thiệp, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại...

Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thực hiện công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, trong đó xóa bỏ rào cản phân biệt đối xử được Hội LHPN tỉnh triển khai đến các địa phương trên toàn tỉnh. Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, nhiều cách làm hay đã xuất hiện và mang lại hiệu quả giúp cho nhiều hội viên.

Trong năm 2022, với nhiều hình thức, các cấp Hội LHPN đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền 7.638 cuộc cho trên 504.015 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ về chống phân biệt đối xử, bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình...

“Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, định hướng chỉ đạo để tổ chức Hội trở thành người bạn đồng hành, giúp hội viên, phụ nữ vượt qua rào cản, khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình, xã hội”, bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh. 

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
;
.