Cứu người là mệnh lệnh từ trái tim thầy thuốc
Bao đêm quên ăn, quên ngủ, có khi phải đứng hàng giờ đồng hồ cấp cứu cho người bệnh… Những điều này đã trở thành quen thuộc với đội ngũ y, bác sĩ. Vất vả, khó khăn nhưng họ luôn yêu nghề và niềm hạnh phúc lớn nhất với họ là khi giành lại sự sống cho người bệnh trước “cánh cửa tử thần”.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu phẫu thuật cho bệnh nhân bị viêm phúc mạc túi mật. |
Cứu người giữa “lằn ranh sinh tử”
Tối 5/2, chị N.T.P.A. (phường 5, TP.Vũng Tàu) được người thân chở bằng xe máy lưu thông trên đường thì xảy ra va chạm với xe ô tô. Chị ngã xuống đường và bị ô tô cán ngang chân khiến chị bất tỉnh tại chỗ. Lúc vào Bệnh viện Bà Rịa, chị A. trong tình trạng niêm hồng nhợt, chân trái nhạt màu, mạch mu chân trái khó bắt, mất máu nhiều….
Ngay lập tức, bác sĩ Phan Văn Tú, Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bà Rịa) cùng đồng nghiệp khẩn trương thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng với chẩn đoán gãy 1/3 xương đùi và 1/3 dưới xương chày trái, tổn thương động mạch khoeo. Xác định đây là ca đa chấn thương rất nặng nên bác sĩ Tú đã báo cáo ban giám đốc bệnh viện, gặp gỡ, tư vấn cho người nhà và quyết định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cho người bệnh.
Sau 4 giờ vừa hồi sức, truyền máu vừa phẫu thuật cấp cứu, bác sĩ Tú và đồng nghiệp đã cứu sống, nối thành công cẳng chân cho chị. Điều này khiến bệnh nhân và người thân vô cùng cảm kích, xúc động trước năng lực, thái độ tận tụy của bác sĩ Tú và cộng sự. “Khi con bị tai nạn, vết thương quá nặng, tôi rất lo sợ. Thế nhưng, gia đình vẫn tin tưởng các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa nên để con ở lại chữa trị. Sau mấy tiếng cật lực cấp cứu và phẫu thuật, bác sĩ đã cứu sống con tôi. Tôi rất trân trọng tinh thần hết mình vì người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ”, bà Lâm Thị Hà, mẹ chị A. bày tỏ.
Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) kiểm tra sức khỏe cho mẹ con sản phụ bị tiền sản giật nặng được bác sĩ phẫu thuật thành công. |
Trong khoảng 10 năm công tác tại Bệnh viện Bà Rịa, bác sĩ Phan Văn Tú đã gặp không ít ca bệnh nặng và cứu chữa thành công cho nhiều trường hợp. Thế nhưng, bệnh nhân A. là một ca khá đặc biệt, mang đến cho anh nhiều cảm xúc. Bác sĩ Tú kể lại, đêm khuya hôm đó, khi đang phẫu thuật cho một bệnh nhân khác, anh được bệnh viện thông báo có một ca bệnh nặng, sắp được chuyển lên. Đội ngũ y, bác sĩ trực đã nhanh chóng chuẩn bị máu, ê kip, phòng mổ và trực tại Khoa Cấp cứu sẵn sàng tiếp nhận ca bệnh.
Bệnh nhân A. không chỉ bị đa chấn thương nặng, tổn thương động mạch khoeo mà còn có thể trạng yếu, nặng khoảng 35kg do có nền bệnh tiền căn rối loạn nội tiết tố từ nhỏ. Hơn nữa, bệnh nhân này có nhiều nguy cơ hoại tử cẳng chân nếu như chuyển tuyến lên TP.Hồ Chí Minh vì sẽ quá “giờ vàng”.
Trước đó khoảng 2 tháng, các bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa cũng cấp cứu thành công bệnh nhân P.K.M., 60 tuổi (phường 11, TP.Vũng Tàu) bị nhồi máu cơ tim cấp, ngưng tim ngưng thở. Khi chuyển đến bệnh viện, bệnh nhân đau thượng vị sau xương ức và ngực trái rất dữ dội. Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán ông M. bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới và có biến chứng rung thất. Trước tình trạng nguy cấp, bệnh nhân được chụp động mạch vành, bác sĩ chỉ định đặt stent thành dưới. Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị đặt stent thì bất ngờ bệnh nhân gồng cứng, cơ thể tím tái, ngưng tim, ngưng thở ngay trên bàn mổ.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp, sốc điện ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản và cho thở máy, đồng thời cho người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim và vận mạch. Sau khoảng 10 phút tích cực hồi sức, bệnh nhân tỉnh, mạch và huyết áp dần ổn định. Ê kíp tiến hành đặt stent tái thông động mạch vành bị tắc và lấy lại sức khỏe cho ông M. “Trong lúc rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”, tôi may mắn đã được đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Bà Rịa cứu sống. Nhờ họ, tôi được sống thêm một lần nữa”, bệnh nhân M. chia sẻ.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của các thầy thuốc là mang lại sức khỏe cho bệnh nhân. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa thông báo kết quả chụp phim cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông. |
Rèn kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, Đơn vị Tim mạch can thiệp, Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch - Lão học (Bệnh viện Bà Rịa) đã gắn bó với bệnh viện 15 năm. Làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và nặng, anh phải chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, điều này cũng rèn cho anh nhiều kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống.
Theo bác sĩ Trung, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong ê kíp, chuẩn bị chu đáo phương tiện, trang thiết bị, thuốc men, có trình độ chuyên môn thì khi gặp những trường hợp bất ngờ rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở, bác sĩ cần phải quyết đoán, bình tĩnh xử lý nhanh chóng. Từ khi hội chẩn đến tái thông mạch máu cho người bệnh phải diễn ra trong 30 phút trở lại.
Bác sĩ Trung cho biết, Đơn vị Tim mạch can thiệp đang gặp khó khăn về nhân sự. Có những thời điểm, khí hậu giao mùa số bệnh nhân cấp cứu về tim mạch tăng cao, trong đó có tháng cấp cứu cho khoảng 30 ca bệnh nặng. Trong trường hợp gặp ca bệnh nặng, dù đang nghỉ ca, anh cũng phải quay vào bệnh viện trong thời gian nhanh nhất để thực hiện nhiệm vụ. Đây là mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc người bác sĩ phải luôn có mặt khi bệnh nhân cần.
“Tôi hiểu rằng, người nhà ở ngoài phòng mổ đang thấp thỏm, đứng ngồi không yên chờ tin tốt lành của người thân. Mỗi ca bệnh thành công đã mang lại những nụ cười hạnh phúc cho bệnh nhân và người thân của họ. Tôi thấy con đường nghề nghiệp mình chọn có nhiều ý nghĩa cho cuộc đời”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Là một thầy thuốc làm nghề lâu năm, bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa sản (Bệnh viện Vũng Tàu) tâm sự, bệnh nhân của khoa sản có 2 người, gồm mẹ và trẻ sơ sinh. Hơn nữa, bệnh nhân là sản phụ, có nhiều yếu tố nguy cơ. Vì thế, trọng trách của y, bác sĩ rất lớn, vừa phải bảo đảm an toàn, khỏe mạnh cho mẹ lẫn con.
Trong quá trình tiếp nhận ca bệnh, chúng tôi nhận được tin tưởng và hợp tác của người nhà bệnh nhân N.T.P.A. Điều đó rất quan trọng, giúp chúng tôi thêm vững niềm tin, nỗ lực nhiều hơn nữa vì người bệnh.
(Bác sĩ Phan Văn Tú, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa)
|
Hơn 30 năm làm nghề, bác sĩ Ba đã kịp thời phẫu thuật cấp cứu thành công cho nhiều sản phụ bị băng huyết sau sinh, tiền sản giật nặng, sản giật có bệnh lý nội khoa kèm theo; trẻ sơ sinh bị ngạt, suy hô hấp, chấn thương… Với anh, hạnh phúc nhất của nghề là khi thấy bệnh nhân vượt qua được cơn nguy hiểm.
Điển hình như cách đây mấy tháng, bác sĩ Ba đã lần đầu tiên điều trị thành công cho một sản phụ 33 tuổi, ở TP.Vũng Tàu mắc Hội chứng Hellp, biến chứng tiền sản giật nặng, đồng thời có dấu hiệu suy gan, suy thận, giảm tiểu cầu, men gan tăng cao, đe dọa tính mạng người bệnh. Kinh nghiệm dày dặn, trình độ chuyên môn cao và chẩn đoán bệnh chính xác, anh cùng đồng nghiệp kịp thời mổ lấy thai, bảo đảm an toàn 2 mẹ con và hạnh phúc cho cả gia đình người bệnh.
Bác sĩ Ba cho biết, nghề y rất đặc thù. Bác sĩ phải học tập suốt đời, thường xuyên cập nhật kiến thức mới, học từ đồng nghiệp tuyến trên và học ở các bác sĩ trẻ mới ra trường. Những bài học này giúp bác sĩ nâng cao chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm và biết cách ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Khi đưa người bệnh được trở về cuộc sống khỏe mạnh, chúng tôi thấy đó là niềm vui lớn lao mà nghề mang lại. Chúng tôi tự dặn mình cần phải làm tốt hơn nữa vì tính mạng và sức khỏe nhân dân.
(Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Vũng Tàu)
|
Bài, ảnh: TUỆ LÂM