Sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã dồn mọi nguồn lực, phục hồi hoạt động khám, chữa bệnh. Nhiều dịch vụ, kỹ thuật chất lượng được triển khai, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nhân viên y tế của Bệnh viện Vũng Tàu đang cấy chỉ cho bệnh nhân. |
Chất lượng nâng cao
Từ tháng 7/2022, Bệnh viện Vũng Tàu áp dụng kỹ thuật cấy chỉ trong phòng và chữa các bệnh mạn tính cho bệnh nhân. Đến nay, đã có hàng trăm lượt người bệnh đăng ký sử dụng kỹ thuật này. Bởi, ngoài hiệu quả trong phòng, chữa bệnh, cấy chỉ còn mang đến cho người bệnh nhiều lợi ích khác như: Không phải điều trị nội trú, giảm số lần đi khám bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, trong năm qua, bệnh viện còn thực hiện các kỹ thuật mới như: Ngâm thuốc bộ phận, thủy châm, nội soi tán sỏi ngược dòng, chụp nhũ ảnh, siêu âm hình thái thai nhi và XQ răng toàn cảnh… Bệnh viện đã triển khai các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé tại Khoa Sản như: Phục hồi sàn chậu sau sinh, massage cho trẻ sơ sinh, ngâm chân, gội đầu cho sản phụ.
“Các kỹ thuật, dịch vụ được triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời hạn chế tình trạng chuyển viện”, bác sĩ Phước nói.
Là đơn vị chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Bệnh viện Bà Rịa vẫn thực hiện có hiệu quả các hoạt động KCB. Bệnh viện đã có nhiều bước phát triển mới trong phát triển chuyên môn. Điển hình như bệnh viện đã triển khai phòng khám dịch vụ tại Khoa Cấp cứu, thực hiện EENC (chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ trong và ngay sau sinh), thành lập đơn vị phẫu thuật tim, đưa vào hoạt động Khoa Nội soi.
Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho rằng, cùng với chuyên môn, bệnh viện còn rất coi trọng phong cách, thái độ, phục vụ người bệnh. Bệnh viện bố trí nhân viên túc trực, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người bệnh tại khu vực chăm sóc khách hàng. Đơn vị này còn cải tiến quy trình KCB bằng cách thực hiện đăng ký KCB từ xa qua tổng đài, giúp người bệnh chủ động thời gian trong khám bệnh; quản lý người bệnh bằng mã vạch, ứng dụng đầu đọc Barcode trong đón tiếp, lấy mẫu xét nghiệm, nhận thuốc BHYT; thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng…
“Chúng tôi đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều kỹ thuât, dịch vụ có chất lượng để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, mang lại sự hài lòng cho người bệnh”, bác sĩ Thanh nói.
Nhiều đổi mới
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước thông tin, Bệnh viện Vũng Tàu luôn không ngừng thay đổi và triển khai các kỹ thuật mới, bắt kịp với xu hướng phát triển của ngành, nhưng vẫn chưa đạt như sự kỳ vọng và mong mỏi của người bệnh.
Vì thế, trong năm 2023, bệnh viện tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực để thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình, vi phẫu, phẫu thuật nội soi… Trong đó, có các kỹ thuật tiêu biểu như: Nội soi khớp gối, nội soi phế quản, tiêm khớp, ép tim ngoài lồng ngực bằng máy tự động.
Song song đó, tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn; đồng thời áp dụng bệnh án điện tử tại một số khoa phòng; trả kết quả cận lâm sàng, hội chẩn, KCB từ xa.
Năm 2023, Bệnh viện Bà Rịa đặt ra mục tiêu triển khai thêm các dịch vụ, kỹ thuật mới. Đây là những kỹ thuật chuyên môn cao, đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải có trình độ và tay nghề vững chắc cùng các trang thiết bị hiện đại và đầy đủ.
Điển hình như bệnh viện sẽ phẫu thuật tim hở, phẫu thuật vi phẫu u não nền sọ, phẫu thuật vi phẫu dị dạng mạch não, tạo hình thân đốt bằng bơm cement, phẫu thuật bắt vít qua cuống cột sống thắt lưng qua da, phẫu thuật cố định cột sống sử dụng vít loãng xương, thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ.
Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho biết thêm: “Để làm được những kỹ thuật này, cùng với đầu tư thêm các trang thiết bị y tế, Bệnh viện tiếp tục cử đội ngũ y bác sĩ tham gia các lớp học, đào tạo nâng cao chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát triển của bệnh viện”.
Là bệnh viện chuyên khoa, nên Bệnh viện Mắt tỉnh cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực lẫn các kỹ thuật để nâng cao chất lượng và mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt chia sẻ, bằng mọi nguồn lực, bệnh viện sẽ ưu tiên đào tạo các phẫu thuật viên Phaco để duy trì các hoạt động chính của bệnh viện và bảo đảm công tác phòng, chống mù lòa trong cộng đồng. Phấn đấu hết năm 2023 sẽ phát triển thêm ít nhất 4 phẫu thuật viên Phaco.
Bệnh viện còn triển khai phẫu thuật lệ đạo, khám ROP, phẫu thuật mắt nhi, thực hiện đề án thuê chuyên gia các kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể, dịch kính võng mạc cơ bản, phẫu thuật lé, thẩm mỹ.
“Bệnh viện Mắt cũng tăng cường công tác tự đào tạo và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ y bác sĩ thực hiện về phẫu thuật dịch kính võng mạc, Glaucom, khám võng mạc trẻ đẻ non, tăng cường các phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ”, bác sĩ Giáp thông tin thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG