Tết cổ truyền của người dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 17/01/2023, 09:20 [GMT+7]
In bài này
.

Tết đến, xuân về, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Đức lại tất bật với công việc bài trí trong gia đình, chuẩn bị các món ăn mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Giờ đây, dù những phong tục, tập quán có thay đổi, đơn giản hơn song nét đẹp truyền thống vẫn được lưu giữ vẹn nguyên, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo và hấp dẫn với cộng đồng.

Bánh kép, thịt nướng của đồng bào Châu Ro

Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, đi về thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) - nơi có hơn 90% đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống, không khí đón Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023 đang len lỏi vào từng ngôi nhà. Gặp chúng tôi, ông Lý Văn Thời (SN 1957) phấn khởi mời vào nhà trò chuyện. Trong căn nhà khá khang trang, vợ chồng ông Thời đang trang trí lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi cồng chiêng cổ đã được gia đình lưu giữ cẩn thận qua bao thế hệ. “Đối với đồng bào dân tộc Châu Ro, một đời người, từ lúc sinh ra cho đến khi giã biệt cõi trần, âm vang của cồng chiêng là thứ không thể thiếu và không bao giờ được thiếu. Tiếng cồng chiêng có mặt ở lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới...”, ông Thời chia sẻ.

Bà Đào thị Dương (vợ ông Thời), lau chùi chiếc cồng chiêng cổ mà đã được gia đình lưu giữ cẩn thận qua bao thế hệ.
Bà Đào Thị Dương (vợ ông Thời), lau chùi chiếc cồng chiêng cổ mà đã được gia đình lưu giữ cẩn thận qua bao thế hệ.

Bà Đào Thị Dương (vợ ông Thời) cho biết, năm nào cũng vậy, để chuẩn bị đón một cái Tết đầy đủ và theo phong tục, bà con dân tộc Châu Ro đã nuôi heo, gà, các món ăn truyền thống như bánh kép, thịt nướng được chuẩn bị để đón con cháu đi làm ăn xa về tụ họp sum vầy. “Mấy năm nay, nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước, bà con đã biết cách làm ăn, đẩy lùi được cái nghèo, cái lạc hậu, giờ người Châu Ro trong thôn đã có cuộc sống ổn định hơn trước nhiều”.

Bánh kép, cơm lam và thịt nướng là món ăn đặc trưng ngày Tết của đồng bào Châu Ro với truyền thống đã có từ lâu đời. Bánh kép được gói bằng lá dong, bên trong là nếp pha lẫn đậu phộng và không có nhân ở giữa. Mỗi một chiếc bánh dài khoảng 20cm, sau đó được buộc đôi lại với nhau nên gọi là bánh kép (bánh ghép hay bánh kẹp).

Gia đình ông Lý Văn Thời, ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc sum vầy những ngày giáp Tết Nguyên đán.
Gia đình ông Lý Văn Thời, ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc sum vầy những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Đến tầm 24 tháng Chạp, hầu hết các gia đình đồng bào Châu Ro đều gác lại công việc làm ăn, chuẩn bị các món ăn truyền thống đó là bánh kép, cơm lam và các món thịt nướng… để cúng tổ tiên đêm Giao thừa và đầu năm mới.

Nét văn hóa đặc sắc của người Hoa

Tại huyện Châu Đức hiện có gần 1.000 gia đình người Việt gốc Hoa sinh sống. Cũng như người Việt, sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), người Hoa bắt đầu trang trí đón Tết. Nét đẹp trong đón Tết cổ truyền của người Hoa trên địa bàn huyện cũng rất riêng và độc đáo. Gần Tết, nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ chữ vàng trang trí quanh nhà, như bàn thờ tổ tiên, trước cửa ra vào, ngoài cổng… nội dung thường mang thông điệp tốt lành: Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát... 

Theo ông Phùng Tài Chính, ở thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, nếu mâm quả của người Việt thường có 5 loại trái cây, thì mâm quả của người Hoa đều được ưu tiên chọn màu đỏ hoặc vàng, thể hiện sự may mắn, giàu có. Trong đó, bánh tổ là “niên cao”, mang ý nghĩa ước mong năm mới gia chủ được may mắn, phát tài.

Bà Chềnh Châu Thủy (bên trái) giới thiệu món bánh tổ với bà Lê Thị Yến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Láng Lớn.
Bà Chềnh Châu Thủy (bên trái) giới thiệu món bánh tổ với bà Lê Thị Yến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Láng Lớn.

Bà Chềnh Châu Thủy (vợ ông Chính) cho biết, từ ngày 25 tháng Chạp, gia đình bà đã làm bánh tổ cung cấp cho cộng đồng người Hoa trong xã. Ngày Tết, nếu như người Việt có những món ăn đặc trưng như thịt kho hột vịt, khổ qua hầm, giò chả, bánh mứt... cúng dâng tổ tiên, ông bà thì đối với các gia đình người Hoa sinh sống lâu đời ở đây, không thể thiếu món bánh tổ trong nhà.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Láng Lớn hơn 300 hộ, trong đó có 169 hộ là người Hoa với hơn 700 nhân khẩu, cũng giống như người Việt, họ đón năm mới theo lịch âm. Tết đến cũng là dịp để con cháu sum vầy, tụ họp cùng nhau, chia sẻ những buồn vui, công việc trong năm qua.

Dù phong tục tập quán của các đồng bào dân tộc thiểu số sống trên địa bàn huyện có những điểm khác nhau nhưng tất cả mọi người đều đang rất háo hức chờ đón Tết cổ truyền để được sum họp cùng bà con, họ hàng và cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong những ngày đầu xuân, mong muốn quê hương, đất nước ngày càng ổn định và phát triển.

"Để nhân dân vui Xuân, đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đã tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo điều kiện cho đồng bào vui Tết cổ truyền”, bà Lê Thị Yến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Láng Lớn cho biết.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.