Tạo cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp

Chủ Nhật, 08/01/2023, 19:13 [GMT+7]
In bài này
.

Từ những đồng vốn vay ưu đãi được hỗ trợ bởi Hội LHPN các cấp, nhiều chị em đã sáng tạo, xoay xở để vươn lên, ổn định cuộc sống.  

Chị Lê Yến Tuyết (bên phải, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) kiểm tra các sản phẩm may gia công.
Chị Lê Yến Tuyết (bên phải, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) kiểm tra các sản phẩm may gia công.

Động lực cho chị em vươn lên

Sinh sống ở vùng biển Phước Hải (TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ), nhiều năm qua, bà Hồ Thị Ngọc Sương chủ yếu ở nhà làm các công việc nội trợ, chăm lo cho gia đình. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào những chuyến đi biển của chồng. Nhận thấy các loại cá thu, cá măng chắc thịt, sau khi sơ chế làm thành chả cá thơm ngon được thị trường ưa chuộng, bà Sương bàn với chồng chuyển hướng phát triển kinh tế.

Năm 2013, được Hội LHPN thị trấn tín chấp vay Ngân hàng chính sách xã hội 20 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích góp được, bà lựa chọn đầu mối mua nguyên liệu về làm chả cá, xây dựng thương hiệu “Chả cá Đức Một”. Thời gian đầu, bà chủ yếu bỏ công làm lời, sau đó đáo hạn ngân hàng để có vốn đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị, cơ giới hóa giai đoạn trộn, xay thịt cá… Năm 2020, được sự tin tưởng của Hội LHPN, bà Sương tiếp tục vay Ngân hàng CSXH số tiền 80 triệu đồng mua máy móc, nguyên liệu.

Bằng sự chăm chỉ, cần cù, đến nay, mỗi ngày gia đình bà bán ra từ 20-70kg chả cá thành phẩm. Với giá bỏ sỉ khoảng 170 ngàn đồng/kg, trừ chi phí mỗi ngày bà thu về 500-1 triệu đồng.

“Nhờ được Hội LHPN thị trấn tin tưởng tín chấp, tôi mới có nơi để vay, lãi suất thấp, từ đó yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Hằng tháng, tôi đóng lãi, đóng thêm tiền tiết kiệm, vừa trả đúng hạn vừa tiết kiệm thêm được một khoản làm vốn để tiếp tục xoay vòng”, bà Sương chia sẻ.

Năm 2022, Hội LHPN các cấp huy động được gần 600 tỷ đồng giúp cho 47.001 lượt chị vay; ủy thác với Ngân hàng CSXH cho vay hơn 434 tỷ đồng/8.357 hộ với 616 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tương tự, triển khai thực hiện từ tháng 6/2021, mô hình “Góp vốn xoay vòng” của Chi hội Phụ nữ thôn Tân Phú (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) có 16 hội viên tham gia. Hằng tháng, mỗi hội viên đóng góp 200 ngàn đồng cho chi hội trưởng. Sau khi rút thăm, 2 hội viên may mắn sẽ được nhận vốn để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế như: sửa chữa quán, mua nguyên liệu… Đến nay, đã có 34 hội viên tham gia, số tiền xoay vòng hằng tháng tăng lên là 400 ngàn đồng/người. Hội viên khó khăn cần vốn thường được ưu tiên nhận trước để xoay sở.

Trước đây hoàn cảnh chị Lê Yến Tuyết (thôn Tân Phú) rất vất vả. Vì không có vốn sản xuất nên công việc may chăn, ga, mền của chị gặp nhiều khó khăn, 3 người con đang tuổi ăn học nên cuộc sống quanh năm thiếu trước hụt sau. Năm 2021, chị Tuyết tham gia vào mô hình “Góp vốn xoay vòng” và được vay 6,8 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn 30 triệu đồng được Hội LHPN xã tín chấp vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư máy móc, mua thêm nguyên liệu.

Sản phẩm chăn, mền, gối của chị có mẫu mã đẹp, đa dạng với giá bán từ 20-100 ngàn đồng, được thị trường ưa chuộng. Thu nhập của gia đình chị Tuyết dần  ổn định với số tiền lãi thu về hơn 500 ngàn đồng/ngày.

“Nhờ được Hội LHPN xã tín chấp để vay vốn, tôi đầu tư máy móc, mua nguyên liệu làm ra những sản phẩm bền, đẹp, rẻ, phù hợp với túi tiền nhiều người. Tôi đã trả hết nợ và tiếp tục góp mỗi tháng 400 ngàn đồng vào nguồn vốn xoay vòng để tạo nguồn vốn cho các chị em khác”, chị Tuyết tâm sự.

Bà Hồ Thị Ngọc Sương (TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cùng chồng  chiên chả cá để bán cho khách đặt mua.
Bà Hồ Thị Ngọc Sương (TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cùng chồng chiên chả cá để bán cho khách đặt mua.

Nhiều mô hình thiết thực

Bên cạnh việc tăng thu nhập cho gia đình, chị Tuyết còn tạo việc làm, thu nhập ổn định giúp cho một hội viên khác là chị Bạch Thị Kim Phượng. 

Chị Phượng quê ở Đồng Tháp, năm 2013, chị theo chồng về xã Bàu Chinh lập nghiệp. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào đồng lương phụ hồ hơn 200 ngàn đồng/ngày của chồng và việc phụ quán cơm chay của chị. Sau đó, chị Phượng được chị Tuyết tạo cơ hội việc làm bằng cách nhận hàng về làm tại nhà. Mỗi tháng, từ may gia công, chị Phượng có thêm từ 1-2 triệu đồng để trang trải cuộc sống trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trà, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Chinh cho biết, thời gian qua, Hội LHPN xã đã triển khai nhiều mô hình như: nuôi heo đất, vận động nhà hảo tâm ủng hộ quà cho hội viên phụ nữ nghèo… Trong đó, mô hình “Góp vốn xoay vòng” đạt hiệu quả rõ rệt. Mô hình đã hỗ trợ hội viên nguồn vốn ban đầu để tạo việc làm, vốn chăn nuôi, kinh doanh nhỏ. Những hội viên cần số vốn lớn hơn, Hội phụ nữ sẽ dựa vào điều kiện thực tế để tín chấp thêm nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, tạo đòn bẩy giúp các chị vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
;
.