Tết Nguyên đán Quý Mão được nghỉ 7 ngày nên dự báo số lượng bệnh nhân đến cấp cứu tại các bệnh viện có thể tăng cao hơn so với ngày thường. Do đó, các bệnh viện đã chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong dịp Tết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bà Rịa) hỗ trợ một bệnh nhân. |
Bảo đảm nhân lực, vật lực
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, trung bình Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bà Rịa) tiếp nhận từ 280-300 bệnh nhân/ngày, tăng khoảng 20-30% so với ngày thường. Dự kiến, kỳ nghỉ Tết năm nay số lượng bệnh nhân cấp cứu cũng sẽ tăng hơn so với ngày thường như những năm trước, nên Khoa Cấp cứu đã sớm có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) trong các ngày Tết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, mỗi ngày khoa bố trí 4 bác sĩ cơ hữu, cùng bác sĩ của các khoa: Ngoại thần kinh, Ngoại Tổng quát, Ngoại Chỉnh hình, Răng hàm mặt, Tai mũi họng tham gia trực 24/24 giờ. Mỗi ca trực, khoa còn phân công 11 điều dưỡng và 2 hộ lý tham gia thực hiện nhiệm vụ. Riêng ngày Tết, đội ngũ nhân viên y tế này phải làm việc 12 giờ/ca, tăng 4 giờ so với ngày thường.
“Dự báo lượng du khách về Bà Rịa-Vũng Tàu trong mấy ngày nghỉ Tết sẽ tăng đột biến. Vì vậy, Khoa Cấp cứu đã chuẩn bị phương án cấp cứu trong các trường hợp như: ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông hàng loạt… bảo đảm cấp cấp người bệnh nhanh chóng và hiệu quả”, bác sĩ Lộc cho biết.
Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa thông tin thêm, để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, ngoài bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, bệnh viện còn chuẩn bị vật tư y tế, hóa chất, thuốc men gấp 3-4 lần so với ngày thường, đồng thời thành lập các đội cấp cứu ngoại viện và ứng trực thực hiện công tác cấp cứu trong các tình huống tai nạn giao thông hoặc bệnh nhân tăng cao.
Bệnh viện sẽ tổ chức cấp phát thuốc đầy đủ cho bệnh nhân uống trong mấy ngày nghỉ Tết. Riêng Khoa Lọc máu vẫn hoạt động như ngày thường, tổ chức lọc máu 3 ca/ngày cho người bệnh. “Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo về đội ngũ nhân viên y tế, phương tiện, thuốc men… để cấp cứu cho người bệnh trong dịp Tết”, bác sĩ Thanh nói.
Tương tự, đến thời điểm này, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Vũng Tàu cũng bố trí đầy đủ các nguồn lực thực hiện công tác cấp cứu người bệnh trong dịp Tết Nguyên đán. Bác sĩ Phan Hải Đăng, Trưởng Khoa Cấp cứu cho hay, dù là ngày Tết nhưng các nhân viên y tế của khoa và các khoa khác được huy động đến làm công tác cấp cứu đều hỗ trợ lẫn nhau để nhiệm vụ được thông suốt, kịp thời KCB cho người bệnh.
Trong những ngày Tết, trung bình mỗi ngày Khoa Cấp cứu Bệnh viện Vũng Tàu bố trí 4 bác sĩ và 20 điều dưỡng, hộ lý tham gia trực tại khoa. Khoa cũng đã dự trù giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế nhiều hơn ngày thường, bảo đảm đáp úng nhu cầu của người bệnh; cùng với đó là các xe cứu thương ứng trực và cấp cứu ngoại viện cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ngoài ra, trong các ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Vũng Tàu còn phân công nhân viên y tế trực tại các khoa điều trị nội trú; đồng thời có phương án thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bà Rịa chuẩn bị thuốc men phục vụ công tác cấp cứu ngày Tết. |
Sẵn sàng ứng phó với các biến chủng mới của COVID-19
Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh phải phân công trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo đơn vị, nhân viên một cách khoa học, hợp lý, hiệu quả trong dịp nghỉ Tết; niêm yết công khai danh sách trực hàng ngày theo quy định. Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp Tết về tình hình dịch bệnh, KCB, cấp cứu tai nạn, ngộ độc thực phẩm… bảo đảm đầy đủ, kịp thời.
Sở Y tế còn yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc Sở, cơ sở điều trị COVID-19 và y tế tư nhân thực hiện công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị và ứng phó với các biến chủng mới làm gia tăng nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân COVID-19. Các cơ sở y tế đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới; củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, hỗ trợ theo dõi và quản lý người bệnh.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở KCB chuẩn bị và dự trù đầy đủ oxy y tế, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, có phương án dự phòng, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị khi dịch xảy ra trên diện rộng, kịp thời cấp cứu các ca bệnh.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG