Nhiều trường hợp tại Vũng Tàu bị rắn độc cắn khi dọn vườn nhà

Thứ Tư, 18/01/2023, 10:35 [GMT+7]
In bài này
.

Trong vòng 1 tháng qua, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) BV Vũng Tàu đã tiếp nhận liên tiếp 5 trường hợp tại TP.Vũng Tàu bị rắn độc cắn. Hầu hết nạn nhân đều bị rắn chàm quạp cắn trong lúc đang dọn dẹp vườn nhà.

Rắn chàm quạp trên cây. Ảnh: website runghoangda.com
Rắn chàm quạp trên cây. Ảnh: website runghoangda.com

Ông Phan Thanh Tùng (ở  phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) nhập viện vì bị rắn chàm quạp cắn. Trước đó, trong khi đang dọn dẹp vườn, nhà cửa, ông bị con rắn nằm ở bậc tam cấp ngay dưới gốc cây cắn vào tay.

Ông Tùng cho hay, do con rắn có màu giống lá cây khô khiến ông khó phát hiện và đã vô tình chạm tay vào nó. Tại vị trí bị cắn trên bàn tay ông sưng đau, tấy đỏ, cơ cứng khó khăn cử động. Tuy nhiên, may mắn là ông không bị rối loạn đông máu, một trong những biến chứng nguy hiểm do nọc độc của rắn chàm quạp gây ra.  

Bác sĩ Vũ Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Vũng Tàu cho biết, từ giữa tháng 12 đến nay, có 5 trường hợp bị rắn này cắn được chuyển đến Khoa ICU, trong đó 3 bệnh nhân rối loạn đông máu mức độ nặng nên khoa phải chuyển viện lên BV Chợ Rẫy để điều trị bằng huyết thanh kháng nọc độc rắn để trung hòa nọc rắn cho bệnh nhân và thuốc chống đông máu. Hiện tại BV Vũng Tàu chưa có huyết thanh này.

Đặc điểm của con rắn chàm quạp màu nâu giống lá khô, không chủ động tấn công người, mà khi dọn dẹp hay đi vườn lỡ tay đụng, giẫm vào nó thì mới bị cắn. Thường bệnh nhân sẽ bị cắn vào ngón tay hoặc ngón chân.

Khi bị cắn, nòng độc của rắn chàm quạp đi vào cơ thể gây rối loạn đông máu, làm giảm tiểu cầu. Nếu vết cắn gây ra vết thương thì máu chảy sẽ không cầm được, gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Nọc độc rắn này còn gây hoại tử vết cắn, có trường hợp hoại tử, nhiễm trùng nặng phải cắt bỏ ngón tay.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Khoa ICU, BV Vũng Tàu (ảnh minh họa). Ảnh: MINH THIÊN
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Khoa ICU, BV Vũng Tàu (ảnh minh họa). Ảnh: MINH THIÊN

Do đó, khi bị rắn cắn sau khi rửa vết thương bằng xà bông thì đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được nặn máu và garo vết thương. Bởi khi garo sẽ khiến lưu thông mạch máu kém gây sưng phù tại vị trí cắn, nọc độc bị ứ đọng gây hoại tử. Garo chỉ hạn chế nọc độc di chuyển nhưng khi tháo garo thì nọc lại ồ ạt tấn công vào cơ thể. Hơn nữa việc nặn máu và garo gây vô tình tổn thương phần mềm, nếu bị rắn chàm quạp cắn thì sẽ càng nặng hơn do vết thương không cầm máu được.

Rắn chàm quạp hay còn gọi rắn lục Mã Lai, rắn lục nưa là một trong những loài rắn cực độc. Độc tố loại rắn này chỉ sau rắn biển (đẻn biển). Đây là loại rắn độc cực kỳ nguy hiểm, thường gây tai nạn ở các nước nhiệt đới ở Đông Nam Á.

Để phòng tránh rắn cắn, người dân nên biết nhận dạng các loài rắn độc, biết được môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của một số loài rắn. Khi gặp rắn nên chủ động tránh, nếu không tránh được thì không nên có những hành động đe dọa rắn. Cần cảnh giác đặc biệt rắn sau mưa, trong mùa lũ lụt, mùa gặt hái và ban đêm.

MINH THIÊN - NGUYỄN LỘC

;
.