Gần đến Tết Nguyên đán, không chỉ hoạt động buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ gia tăng mà việc tự chế tạo pháo cũng diễn biến phức tạp.
Cán bộ Phòng Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ-Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật, phòng chống pháo nổ cho HS Trường THCS Phước Hải, huyện Đất Đỏ. |
Tai nạn thương tâm
Những ngày qua, dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ việc 6 cháu nhỏ tại tỉnh Đắk Lắk lên mạng xã hội đặt mua thuốc nổ, sau đó mang về tự chế tạo pháo, chẳng may bị phát nổ làm 2 cháu tử vong, 2 cháu khác bị thương.
Cụ thể, theo xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, chiều ngày 25/12/2022, cháu B.G.T. cùng 5 cháu nhỏ khác gồm: N.Đ.B. (SN 2010), N.Đ.B.A. (SN 2013), V.V.T. (SN 2010), P.Đ.B.S. (SN 2011, cùng trú tại thôn Quỳnh Tân 3) và cháu N.M.T. (SN 2010, trú tại thôn Quỳnh Tân 2, TT.Buôn Trấp) rủ nhau đến nhà bà H. (thôn Quỳnh Tân 3, TT. Buôn Trấp) để làm pháo.
Lúc này, cháu B.G.T. mang theo một hộp nhựa, đựng chất bột màu trắng và màu vàng, cháu N.Đ.B. mang theo 1 cái rây (dụng cụ lọc bột) và bật lửa. Tại nhà bà H. do cửa bị khóa nên các cháu trên ngồi tại sân để làm pháo nổ.
Trong lúc trộn thuốc để làm pháo, một ít thuốc rơi ra sân. Lúc này, cháu V.V.T. đi ra ngoài. Thấy thuốc nổ trên sân, có một cháu dùng bật lửa đốt cháy phần thuốc bị này, làm bốc cháy lan đến khu vực trộn thuốc nổ, gây ra tiếng nổ lớn.
Vụ tai nạn này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh cũng như cơ quan quản lý.
Cũng liên quan đến hoạt động buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, 17 giờ ngày 23/12/2022, Công an huyện Xuyên Mộc kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng gồm: P.H.N.L. (SN 2009), T.M.H. (SN 2008) và N.T.N.L. (2009, cùng ở xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) đang có hành vi chế tạo pháo nổ tại nơi ở. Tang vật thu giữ 7,5 kg hóa chất dùng để chế tạo pháo.
Tuy nguy hiểm luôn tiềm tàng nhưng chỉ cần lên Goolge gõ từ khóa tìm kiếm cách làm pháo là hàng loạt kết quả được hiển thị. Nhiều video mô tả công thức chế tạo pháo nổ chi tiết với mức độ sát thương khác nhau. Các video này thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm ngàn lượt thích và bình luận. Ngoài video hướng dẫn, các hóa chất để chế tạo chất nổ cũng được rao bán công khai trên mạng và người dùng dễ dàng đặt hàng.
Để Tết an toàn
Theo cơ quan chức năng, những năm gần đây, tình trạng pháo nổ len lỏi vào học đường xảy ra khá phổ biến, dù lực lượng chức năng đã phối hợp với gia đình và nhà trường tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đến từng HS. Song, một phần vì bản tính tò mò, thích thể hiện, phần nữa là do tình trạng rao bán thuốc nổ, hướng dẫn cách chế tạo, sử dụng pháo nổ tràn lan trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo nên không ít trường hợp các em tự ý đặt mua thuốc nổ, học cách làm pháo để sử dụng, thậm chí buôn bán. Đáng báo động là tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều, thu hút đủ thành phần, lứa tuổi từ học sinh tiểu học đến sinh từ viên đại học.
Trung tá Nguyễn Văn Thống, Đội trưởng Đội Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công an huyện Long Điền cho biết, thời gian qua, công an huyện phối hợp với cơ quan, ban, ngành, trường học tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân về hành vi chế tạo, sử dụng, tàng trữ, mua bán trái phép pháo nổ. Đồng thời yêu cầu hộ kinh doanh tạp hóa, kho hàng, chủ phương tiện (ghe, tàu, xe tải…), trường học ký cam kết không chế tạo tàng trữ, mua bán, sử dụng pháo trái phép trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2023, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Theo Sở GD-ĐT hằng năm, trước Tết Nguyên đán, công an đã phối hợp nhà trường tổ chức tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ và ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến HS các cấp.
Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, các bậc phụ huynh cần có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo pháo nổ.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN