Trong chương trình gặp gỡ, đối thoại với đại diện đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ) do UBND tỉnh phối hợp LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây, ban tổ chức đã ghi nhận nhiều kiến nghị liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Trong đó, nhà ở và nhà trẻ là 2 vấn đề được NLĐ đặc biệt quan tâm.
NLĐ kiến nghị cần có giải pháp hữu hiệu giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân. |
Nỗi lo của người lao động
Chương trình gặp gỡ, đối thoại với đại diện ĐV, NLĐ diễn ra trong khoảng 3 giờ đồng hồ, ghi nhận 34 kiến nghị của NLĐ. Một trong những vấn đề mà NLĐ quan tâm nhiều nhất là nhà ở cho công nhân.
Ông Đoàn Văn Diên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu cho biết, phần lớn NLĐ đang thuê nhà trọ để sinh sống. Chất lượng các phòng trọ còn thấp. Nhiều khu nhà trọ do người dân tự xây dựng, không bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường, điện, nước; không gian sinh hoạt chật chội, làm ảnh hưởng sức khỏe và năng suất lao động.
“Lương công nhân khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, chi tiêu tằn tiện mới đủ sống chứ nói gì đến chuyện mua nhà. Vậy đến bao giờ và có giải pháp gì để NLĐ có thể mua nhà hoặc thuê nhà ở xã hội?”, ông Diên đại diện cho NLĐ đặt câu hỏi.
Lo ngại về chất lượng nuôi dạy trẻ ở các cơ sở tư nhân, chị Lê Thị Thanh Tuyền, công nhân Công ty Cao su Thống Nhất chia sẻ, vì nhiều lý do nên NLĐ khó có thể gửi con vào nhà trẻ công lập mà phải chọn gửi ở nhà trẻ tư nhân. Tuy vậy, chất lượng cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà trẻ tư nhân còn là vấn đề đáng lo ngại. “Tôi kiến nghị ngành giáo dục cần quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân để tạo yên tâm cho NLĐ khi gửi con đi làm”, chị Tuyền nêu ý kiến.
Cùng nỗi lo, chị Tạ Thị Khánh Ly, công nhân Công ty TNHH Vard Vũng Tàu cho hay, gửi con ở nhà trẻ tư nhân vừa chi phí cao, trong khi cha mẹ chưa thực sự yên tâm về các điều kiện nuôi, dạy trẻ. Vì vậy, nhiều NLĐ phải chọn phương án nghỉ làm, ở nhà trông con. “Các cấp chính quyền cần nghiên cứu xây dựng khu nhà trẻ cho NLĐ ngay trong KCN, đồng thời có giải pháp hỗ trợ nuôi dạy trẻ cho con của NLĐ để họ vơi bớt khó khăn, yên tâm làm việc”, chị Ly bày tỏ.
Đang triển khai 11 dự án nhà ở xã hội
Về vấn đề nhà ở, đại diện Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN, với khoảng 64.400 lao động; 6 CCN đang hoạt động với khoảng 7.000 NLĐ. Để bảo đảm chỗ ở ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ trong CCN và KCN, các DN đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 13 dự án nhà ở công nhân với quy mô 40ha, tương ứng với khoảng 120.000m2 sàn xây dựng, bố trí 1.722 căn hộ, phục vụ cho hơn 5.000 lao động.
NLĐ rất mong các cấp chính quyền có những chính sách hỗ trợ về nhà ở. Trong ảnh: NLĐ của Công ty TNHH Đại Tiến Vinh (phường 12, TP.Vũng Tàu) trong giờ làm việc. (Ảnh mang tính minh họa) |
Số căn hộ này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu chỗ ở của NLĐ. Số NLĐ còn lại (đa số ngoài tỉnh) phải thuê phòng trọ. Bên cạnh đó, qua rà soát cho thấy, đa số CCN, KCN không quy hoạch nhà ở cho NLĐ mà chỉ có quy hoạch vùng lân cận để bố trí nhà ở cho NLĐ thuê.
Dự báo nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, đến năm 2025 cần thêm khoảng 10.600 người và đến năm 2030 cần thêm khoảng 13.900 người. Do vậy, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho NLĐ đang được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với quy mô khoảng 18,1ha. Sau khi hoàn thành sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 429.000m2 sàn, bố trí khoảng 8.580 căn hộ, phục vụ nhu cầu ở cho NLĐ.
Đại diện Sở Xây dựng thông tin thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp và NLĐ trong KCN. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho NLĐ; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và gói hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Khi quỹ nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay ưu đãi theo quy định, trong đó có NLĐ.
Để chia sẻ khó khăn với NLĐ trong KCN, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở nơi có KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ cho trẻ em con NLĐ gửi ở hệ thống ngoài công lập là 240 ngàn đồng/tháng/trẻ, giáo viên là 800 ngàn đồng/tháng, cơ sở giáo dục mầm non tư thục là 20 triệu đồng/cơ sở/1 lần duy nhất. |
Về nhà trẻ cho con NLĐ, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng trường mầm non, mẫu giáo cho con NLĐ trong KCN, CCN, với quy mô 484 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Trong đó, lộ trình 2017-2020 xây dựng 105 nhóm, lớp mẫu giáo, sau năm 2020 là 379 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa. Bên cạnh đó, 2 DN ở TX.Phú Mỹ đã tự đầu tư xây dựng trường mầm non cho con NLĐ và đáp ứng nhu cầu gửi trẻ cục bộ cho DN sử dụng lao động.
“Sở GD-ĐT thường xuyên chỉ chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố và các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, cũng như cấp phép cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoạt động. Đồng thời, hằng năm ngành kiểm tra về cơ sở vật chất, chăm sóc, giáo dục trẻ để hỗ trợ kịp thời về chuyên môn, chấn chỉnh những yếu kém để việc quản lý, nuôi dạy trẻ ngày càng nâng cao”, bà Châu nhấn mạnh.
Ngoài 2 nội dung trên, các vấn đề về thiết chế văn hóa trong KCN, chính sách đào tạo cho NLĐ, y tế tuyến huyện, giải quyết các chế độ BHXH… cũng được các sở, ban, ngành, địa phương trả lời cho NLĐ.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG