Ngành giáo dục đối mặt với khó khăn "kép" về nhân sự

Thứ Tư, 14/12/2022, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.
Khó khăn “kép” về nhân sự là vấn đề ngành giáo dục đang phải đối mặt. Trong khi quy mô trường lớp, học sinh ngày càng tăng, nhân sự theo biên chế được giao chưa tuyển đủ, thì ngành đã phải tiếp tục “đau đầu” với bài toán tinh giản biên chế.
Hiện nay, ngành GD-ĐT đang gặp khó khăn trong tuyển dụng GV, đặc biệt là GV MN, TH, GV tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong ảnh: Cô trò Trường TH Nguyễn Thị Hoa (huyện Đất Đỏ) trong tiết học tiếng Anh.
Hiện nay, ngành GD-ĐT đang gặp khó khăn trong tuyển dụng GV, đặc biệt là GV MN, TH, GV tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong ảnh: Cô trò Trường TH Nguyễn Thị Hoa (huyện Đất Đỏ) trong tiết học tiếng Anh.

Tuyển chưa đủ đã lo tinh giản

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm 2022, sự nghiệp GD-ĐT được giao số lượng người làm việc là 16.164 người. Trong khi đó, nhân sự hiện có là 14.981 người, trống 1.183 biên chế. Tính  đến 15/8/2022, tổng số GV, nhân viên đã được phê duyệt tuyển mới cho năm học 2022-2023 là 614 người. Sau khi hoàn tất quy trình tuyển dụng, tổng số GV tuyển được chỉ vỏn vẹn… 140 người, do không có nguồn tuyển.

Tuyển chưa đủ biên chế được giao, thế nhưng, ngành GD-ĐT lại tiếp tục phải đối mặt với bài toán tinh giản biên chế. Mới đây, Sở Nội vụ đã yêu cầu các địa phương thực hiện giảm tối thiểu 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho giai đoạn 2022-2026 so với năm 2021 và xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế từng năm cho giai đoạn 2023-2026.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, phương án giảm 10%  biên chế áp dụng cho tất cả các địa phương. Nếu như tuyển hết số biên chế được giao còn trống và số biên chế trống do nghỉ hưu thì khi thực hiện tinh giản biên chế sẽ phải cắt giảm vào số người đang có. Thực tế cho thấy việc cắt giảm số người trong biên chế hết sức khó khăn. Do đó, Sở Nội vụ đã có văn bản đề nghị các địa phương cân đối trong tuyển dụng để bảo đảm tinh giản.

Theo Sở Nội vụ, số biên chế ngành giáo dục phải thực hiện tinh giản tới năm 2026 là 1.459 người. Sau khi cân đối giữa số biên chế trống với số người nghỉ hưu và biên chế được giao bổ sung thì giai đoạn 2022-2026, toàn ngành chỉ được tuyển dụng thêm 402 chỉ tiêu. Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung viên chức sự nghiệp giáo dục tại hầu hết các đơn vị, điển hình là TP. Vũng Tàu, Bà Rịa, huyện Long Điền, Côn Đảo đều lớn hơn biên chế trống được tuyển dụng trong giai đoạn 2022-2026 của địa phương.

UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT tính toán lại định mức GV/lớp theo quy định để có phương án hướng dẫn các địa phương cho phù hợp. Sở Nội vụ và GD-ĐT cần bàn bạc, xem xét chia sẻ khó khăn về biên chế GV cho các địa bàn “nóng”, trên cơ sở tính toán lại định mức GV/lớp. Đồng thời UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành có liên quan nghiên cứu phương án thực hiện tự chủ tài chính, xã hội hóa, hợp tác công tư… trong lĩnh vực giáo dục để từ đó thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Bên cạnh đó, yêu cầu ngành GD-ĐT đề ra giải pháp tuyển dụng GV cho từng môn học, nhất là những môn đang thiếu GV trầm trọng. Tới đây, tỉnh sẽ thực hiện phân cấp trong tuyển dụng, yêu cầu các địa phương chủ động triển khai bảo đảm chất lượng.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Khó khăn chồng chất vì thiếu GV

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, việc thiếu GV các cấp học, đặc biệt ở các huyện, thị, thành phố có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của các địa phương. Hiện nay, các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: sắp xếp lại đội ngũ, dồn số lượng HS/lớp, phân công GV dạy tăng giờ, hợp đồng thỉnh giảng… Tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn về việc đưa viên chức ra hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, hiện tại, ngành giáo dục huyện còn trống 91 biên chế. Tuy nhiên, có đợt tuyển dụng 57 chỉ tiêu nhưng chỉ có 9 hồ sơ dự tuyển. Trong số 7 người trúng tuyển chỉ có 5 người nhận việc. Trước thực trạng thiếu GV do khó khăn về nguồn tuyển, huyện đã phải điều phối GV từ nơi thiếu ít qua nơi thiếu nhiều, sắp xếp lại thời khóa biểu, cắt giảm nhân viên để ưu tiên giữ GV, thực hiện kiêm nhiệm. Cùng với đó tiếp tục ra soát các đối tượng để vận động tinh giản, thực hiện dồn trường để giảm nhân sự vận hành. Bà Hồng cho biết thêm, nếu cân đối với số biên chế tinh giản thì giai đoạn 2022-2026, huyện chỉ còn được tuyển 22 trường hợp. Song với tình hình hiện nay thì nguồn GV hợp đồng cũng khó khăn chứ chưa nói đến tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cũng cho hay, năm 2022, thành phố đã giảm 22 biên chế. Năm học này, dù có tới 3 trường thành lập mới, nhưng thành phố không được giao thêm biên chế, phải tự cân đối nhân sự để đi vào hoạt động. Trước khó khăn về nhân sự, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp: dồn trường, “ép” lớp, tăng công suất làm việc của GV… Nhưng những giải pháp này đã làm tăng áp lực với GV và dẫn đến nhiều hệ lụy khác, kể cả việc tăng số lượng GV nghỉ việc, giảm chất lượng giáo dục.

Đồng quan điểm, bà Dương Yến Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Điền nhấn mạnh: “Khó khăn về nhân sự đang khiến GV phải chịu những áp lực quá lớn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không có đủ nhân sự để triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình”.

Tự chủ tài chính, xã hội hóa giáo dục là “chìa khóa”

Bà Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định, việc thực hiện tinh giản biên chế phải đi liền với xã hội hóa và tự chủ tài chính với những hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, tỉnh cần sớm thực hiện việc phân cấp cho các địa phương trong tuyển dụng, cân đối lại biên chế, ưu tiên cho những địa bàn “nóng”. Còn đại diện Phòng Nội vụ TP. Vũng Tàu thì đề xuất việc thực hiện tinh giản biên chế cần được thực hiện linh hoạt hơn, chứ không đề ra chỉ tiêu tinh giản cho từng năm.

Bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết, Sở đã đề nghị UBND tỉnh giao kinh phí dựa trên số biên chế được giao để các đơn vị chủ động hợp đồng đối với những biên chế không được tuyển dụng. Đồng thời phân cấp mạnh quy trình tuyển dụng GV và có giải pháp đào tạo nguồn GV theo chuẩn Luật Giáo dục tại Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu, tiếp tục tăng cường công tác liên kết đào tạo trình độ ĐH các bộ môn còn thiếu GV. Sở cũng trình ban hành các chính sách thu hút, giữ chân GV, xây dựng cơ chế tự chủ, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với các trường đủ điều kiện.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
;
.