Với ý chí vươn lên, nhiều thanh niên trở về quê hương để khởi nghiệp. Được tiếp thêm sức mạnh từ tổ chức Đoàn-Hội, họ đã khẳng định được vị thế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Trần Tài, Giám đốc Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam - VINABIOMUSH (thứ hai từ trái qua) chia sẻ quá trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo công nghệ cao cho ĐVTN. |
Xây dựng thương hiệu cho “đặc sản” quê nhà
Với ước mơ phát triển nghề trồng nấm của địa phương, anh Trần Tài (SN 1991, xã Bàu Chinh, huyện châu Đức) đã chọn theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp cao học, anh Tài thành lập Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam - VINABIOMUSH. Trụ sở và cửa hàng kinh doanh của công ty được đặt tại TP. Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) với các hoạt động: cung cấp giống; tư vấn thiết kế và thi công các mô hình, trang trại nuôi trồng; đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu là linh chi và đông trùng hạ thảo.
Năm 2021, anh Tài chuyển hẳn về quê nhà tại thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức với mong muốn phát triển nấm sinh học tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện nay, Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam- VINABIOMUSH không chỉ nuôi trồng, sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu mà còn cung cấp giống, tư vấn thiết kế và thi công các mô hình, trang trại nuôi trồng các loại nấm cho các hộ, cơ sở trong và ngoài tỉnh, mang lại doanh thu từ 80-100 triệu đồng/tháng.
Dù bận rộn với việc kinh doanh nhưng anh Tài luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thanh niên đến học hỏi kinh nghiệm. Anh Tài chia sẻ: “Những năm gần đây, tỉnh hỗ trợ công nghệ cao rất tốt. Các tổ chức Đoàn-Hội cũng có những kênh trao cơ hội, hỗ trợ vốn cho thanh niên nên tôi lựa chọn về quê lập nghiệp. Bên cạnh đó, đất đai ở nhà cũng rộng rãi, thuận tiện sản xuất, từ đó tôi muốn phát triển ngành nghề đúng chuyên môn đã học, nâng giá trị thực tế của sản phẩm nông nghiệp”.
Được sự đồng hành của tổ chức Đoàn trong quá trình đăng ký và xét duyệt công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Nấm đông trùng hạ thảo khô Vinabiomush, Trà túi lọc đông trùng hạ thảo Vinabiomush của anh Tài được chứng nhận xếp hạng sản phẩm đạt 4 sao.
Năm 2021, sau khi tốt nghiệp Khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh anh Lê Minh Hiếu (SN 1998, ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) trở về địa phương làm việc. Cùng với truyền thống hơn 20 năm trồng khoai môn của gia đình và ước mơ nâng tầm thương hiệu đặc sản quê nhà, được sự hướng dẫn của tổ chức Đoàn các cấp, anh Hiếu làm hồ sơ đăng ký xét duyệt công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Vừa qua, sản phẩm khoai môn xã Láng Dài được chứng nhận xếp hạng 3 sao.
Anh Hiếu cho biết, gia đình có 1ha đất trồng khoai môn nhiều năm. Trước đây khi chưa có nguồn nước từ giếng khoan, khoai môn được trồng mỗi năm 1 vụ. Sau này, khi nguồn nước tưới được chủ động, mỗi năm, gia đình anh trồng luân canh 2 vụ khoai môn, 1 vụ bắp, 1 vụ đậu trên diện tích đất này. Giống khoai môn sọ và khoai môn sáp phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, là sản phẩm giàu dinh dưỡng nên được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm, mô hình kinh tế này mang lại cho gia đình anh hơn 300 triệu đồng.
Khi được công nhận là sản phẩm OCOP, gần 50 hộ dân ở 2 ấp Thanh An, Cây Cám và xã lân cận đã tham gia Tổ liên kết sản xuất khoai môn Láng Dài.
Anh Hiếu chia sẻ: “Khi biết đặc sản khoai môn của địa phương được công nhận đạt chuẩn OCOP, xếp loại 3 sao, tôi vui lắm. Từ nay sản phẩm quê nhà đã có chỗ đứng, có thương hiệu, giá cả, đầu ra ổn định. Bà con trong vùng ai nấy đều vui và yên tâm sản xuất để làm giàu trên quê hương mình”.
Song hành cùng thanh niên
Với định hướng “Đổi mới- sáng tạo trong khởi nghiệp”, Hội LHTN Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả và đồng bộ chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” bằng nhiều hình thức phù hợp, đổi mới. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đoàn cơ sở các cấp đã tham gia tuyên truyền, giới thiệu, hỗ trợ và hướng dẫn 12 sản phẩm thuộc dự án khởi nghiệp của thanh niên tham gia. Kết quả có 4 chủ thể là ĐVTN có sản phẩm được công nhận đạt 3 sao, 4 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” năm 2022 của UBND tỉnh.
Anh Trần Tài và Lê Minh Hiếu là 2 trong 4 chủ thể ĐVTN có sản phẩm được công nhận tại chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” của UBND tỉnh.
Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết, với đức tính chăm chỉ, cần cù, mạnh dạn đổi mới bản thân, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã dần khẳng định được ý chí khởi nghiệp của mình. Trong 5 năm tiếp theo, 2022-2027, Tỉnh Đoàn đặt mục tiêu: Hỗ trợ tối thiểu 100 dự án khởi nghiệp, trong đó có 10 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên; phối hợp hỗ trợ thanh niên vay vốn tối thiểu 10 tỷ đồng để khởi nghiệp, lập nghiệp, làm kinh tế; phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho 250.000 lượt thanh thiếu niên; phối hợp giới thiệu việc làm cho 15.000 thanh niên… để tạo đà, tiếp thêm động lực cho thanh niên làm giàu chính đáng trên quê hương.
“Để tạo đà, tiếp thêm động lực cho thanh niên làm giàu chính đáng trên quê hương, tổ chức Đoàn có 2 kênh là Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên của Hội LHTN Việt Nam tỉnh và ngân hàng chính sách. ĐVTN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, được tạo điều kiện tối đa để phát triển dự án”.
Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn,
Chủ tịch Hội LHTN tỉnh. |
Bài, ảnh: MAI NGỌC